Ngày 23/7, do ảnh hưởng của bão số 2 đã xuất hiện trận mưa lớn kéo dài gần như cả ngày tại Hà Nội.
Theo báo cáo của Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội, trong ngày 23/7, khu vực nội thành, lượng mưa đo được lớn nhất tại Hà Đông - 162,5mm; Hoàng Mai - 141mm; Nam Từ Liêm - 105mm; Hai Bà Trưng - 94,3mm; Thanh Xuân - 93,5mm; Cầu Giấy - 83,6mm…
Ở ngoại thành, các huyện Thanh Oai, Quốc Oai, Thanh Trì, Đông Anh có lượng mưa lớn nhất, hơn 100mm; tiếp đó đến các huyện Sóc Sơn, Gia lâm, Đan Phượng…
Trong lúc Hà Nội xảy ra mưa lớn, từ thời điểm 14h30 xuất hiện một số điểm úng ngập trên các tuyến phố Phan Văn Trường, Trần Bình, ngã ba Mỹ Đình - Thiên Hiền, Quan Nhân, đường Quyết Thắng, Quang Trung, Tô Hiệu, Triều Khúc, Ngọc Hồi; các hầm chui số 3, số 5, hầm chui Km9+656 Đại lộ Thăng Long…
Ngay sau trận mưa, trên mạng xã hội tràn ngập hình ảnh xe ô tô chết máy, còn xe máy thì phải dắt bộ tại khu vực hầm chui gần cổng chào Thiên đường Bảo Sơn, các điểm trũng trên tuyến đường này ở địa phận huyện Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Quốc Oai. Không khá khẩm hơn so với các phương tiện giao thông, hàng loạt nhà dân ở dọc khu vực này cũng bị ngập.
Nếu nhìn thống kê lượng mưa ở trên có thể thấy, khu vực Hoài Đức, Nam Từ Liêm không ghi nhận lượng mưa cao so. Cao nhất là Hà Đông với 162,5mm. Do đó, vấn đề nằm ở khâu quy hoạch và thoát nước.
Đường gom đại lộ Thăng Long là điểm đen ngập lụt ở Hà Nội. Khu vực này nằm trong lưu vực sông Nhuệ, nơi hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, cứ mưa to là ngập.
Đây cũng là khu vực hiện diện nhiều dự án bất động sản quy mô. Có thể kể tới như Lumi Hanoi; Vinhomes Smart City, Anlac Green Symphony, Hado Charm Villas, Mỹ Đình Pearl, Bắc An Khánh, Nam An Khánh...
Trong đó, khu vực An Khánh là bị ngập thường xuyên và ngập úng sâu, lâu nhất. Theo ghi nhận, đến ngày 25/7 nước vẫn chưa rút hết.
Theo quy hoạch, cốt nền đường gom, hầm chui dân sinh ở đại lộ Thăng Long chỉ 4,9-5,2 m, trong khi 19h hôm nay mực nước sông Nhuệ tại đập Thanh Liệt là 5,25 m. Nước sông cao hơn nền đường gây khó khăn cho việc tiêu thoát.
Nhiều hầm chui trên đại lộ Thăng Long như hầm số 3, 5 và hầm Km9+656 bị ngập 0,5 m khiến ôtô, xe máy di chuyển khó khăn.
Lối ra đại lộ từ khu đô thị ở Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm bị ngập khoảng 0,4 m, ôtô chạy qua tạo sóng nước lớn.
Chia sẻ về nguyên nhân ngập úng ở phía Tây Hà Nội, lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do kênh La Khê (đoạn qua quận Hà Đông) chưa hoàn thành. Điều đó dẫn đến việc dù trạm bơm Yên Nghĩa có công suất 120m3/giây nhưng chỉ vận hành chưa đến 40% công suất.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Công ty Thoát nước Hà Nội, nguyên nhân gây ngập úng phía Tây còn do lòng sông Nhuệ bị bùn lấp đầy, ảnh hưởng đến dòng chảy. “Để phía Tây thoát cảnh ngập úng, ngoài việc sớm hoàn thành kênh La Khê, thành phố cần nạo vét để tạo dòng chảy cho sông Nhuệ”, đại diện Công ty Thoát nước Hà Nội nói.
Khu vực phía Tây Hà Nội thời gian qua trở thành điểm nóng bất động sản Hà Nội với hàng loạt dự án của các “ông lớn”.
Khảo sát thị trường cho thấy, chung cư tại khu vực này có giá lên đến 80 triệu đồng/m2. Một số toà chung cư của Masterise đã đạt ngưỡng gần 100 triệu mỗi m2.
Trong khoảng 3 năm qua, giá biệt thự, liền kề thứ cấp tại đây cũng tăng giá gấp 3 lần từ mức 40-50 triệu đồng/m2 năm 2021 đến nay dao động từ 150-180 triệu đồng/m2. Nhưng tình trạng ngập úng vẫn là nỗi ám ảnh với người dân tại nhiều khu đô thị mới phía Tây Hà Nội.