Theo Bộ Công Thương, năm 2019 thực sự là một năm khó khăn với ngành hàng rau quả xuất khẩu, bởi Trung Quốc - thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam gia tăng các rào cản thương mại. Cụ thể là tăng cường các biện pháp kiểm nghiệm, kiểm dịch, kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc theo hướng chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch.
Tính đến nay, mới chỉ có 9 mặt hàng đủ điều kiện xuất chính ngạch qua Trung Quốc, dẫn tới kim ngạch xuất khẩu giảm sút, ảnh hưởng tới toàn ngành. Kết thúc năm 2019, theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu ngành này có thể tăng nhẹ khoảng 100.000 USD so với năm 2018, đạt khoảng 3,9 tỷ USD.
Về triển vọng năm 2020, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu vào khoảng 5 tỷ USD cho toàn ngành, cao hơn nhiều so với năm 2019. Mục tiêu này là có cơ sở bởi năm 2020, Việt Nam đã thực thi nhiều hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương nên sẽ có thuận lợi về thuế quan.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu vào khoảng 5 tỷ USD cho toàn ngành, cao hơn nhiều so với năm 2019. |
Bên cạnh đó, ở thị trường trong nước, việc sản xuất, chế biến rau quả cũng có một số thuận lợi nhất định. Chẳng hạn, nông dân bắt đầu quen và đưa vào thực hiện việc cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc… cho vùng nguyên liệu. Ngoài ra, việc đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng cho người nông dân trồng theo hướng an toàn VietGAP, Global GAP để cung cấp cho thị trường những sản phẩm đạt kỹ thuật cao được chú trọng hơn.
Năm tới, Trung Quốc vẫn được xác định là thị trường quan trọng, truyền thống nên Hiệp hội Rau quả Việt Nam sẽ tuyên truyền để có thêm nhiều doanh nghiệp đáp ứng những yêu cầu xuất khẩu chính ngạch. Hay với thị trường EU, Nhật Bản… lâu nay vẫn được nhận định là thị trường có yêu cầu khắt khe nên người nông dân, doanh nghiệp phải chú trọng hơn trong sản xuất để sản phẩm luôn đạt chất lượng cao nhất.
Hoàng Yến