Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính chung 11 tháng năm 2020, nhóm nông sản chính ước đạt gần 16,76 tỷ USD, giảm 0,5%; chăn nuôi ước đạt 297 triệu USD, giảm 18,5%; thủy sản ước đạt khoảng 7,75 tỷ USD, giảm 0,9%; lâm sản chính đạt trên 11,65 tỷ USD, tăng 15,0%.
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2020 là 2,8%-3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là 4,1 tỷ USD.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nhận định, xuất khẩu nông sản duy trì tăng trưởng bởi nhu cầu tăng trong bối cảnh dịch bệnh, nhưng quan trọng hơn là chất lượng nông sản Việt Nam đã có bước chuyển về chất.
Các doanh nghiệp cần lưu ý, dù bối cảnh thế giới ra sao, thị trường nhập khẩu thiếu hụt như thế nào thì chất lượng, thương hiệu và nguồn gốc hàng hóa vẫn là số 1 (Ảnh: VT)
Thống kê sơ bộ sau hơn 2 tháng Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Vừa qua, nhiều nông sản sang EU tận dụng ưu đãi theo EVFTA như các lô hàng: 30 tấn sản phẩm tôm đông lạnh ngày 11/9; 100 tấn chanh leo xuất khẩu sang Đức ngày 16/9; trái cây (gồm 2.200 thùng, và 15 tấn bưởi, thanh long) xuất khẩu đi Anh, Đức, Hà Lan; 126 tấn gạo thơm xuất khẩu sang Czech ngày 22/9.
Để đạt được mục tiêu năm, Bộ NN&PTNT cho biết, trong tháng còn lại của năm, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng theo dõi sát diễn biến cung cầu thị trường lương thực, thực phẩm, tình hình xuất nhập khẩu; tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về thị trường, ổn định nguồn cung nông lâm thủy sản phục vụ dịp lễ, tết cuối năm.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh phối hợp với Bộ Công thương, liên tục cập nhật tình hình của các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, EU… để hỗ trợ doanh nghiệp. Với các doanh nghiệp, cần nắm chắc nội dung cam kết của các đối tác trong các hiệp định thương mại với Việt Nam, nhất là vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, xuất xứ nguồn gốc... để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu nông sản.
Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền cảnh báo các quy định mới của thị trường, kịp thời cung cấp thông tin cho địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là thị trường Trung Quốc; truyền thông mạnh mẽ các hoạt động, sự kiện xúc tiến thương mại nổi bật của ngành, các sự kiện về xuất khẩu nông sản sang thị trường EU theo EVFTA.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường từng chia sẻ, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả chiến tranh - dịch bệnh, con người cũng không thể thiếu cái ăn (lương thực, thực phẩm) và đây chính là dư địa, cơ hội lớn cho một đất nước có thế mạnh về nông nghiệp như Việt Nam. Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ nắm bắt cơ hội này như thế nào? Ngay từ bây giờ cần phải làm gì, chuẩn bị ra sao để đón đầu những thời cơ vàng cho hàng xuất khẩu, khi kinh tế thế giới phục hồi trở lại?
Cần phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, khai thác thêm các thị trường, tăng cường đàm phán để tháo gỡ rào cản cho nông sản, vượt qua phòng vệ thương mại, tận dụng ưu đãi thuế suất của các hiệp định thương mại.
Bản thân các doanh nghiệp cần lưu ý, dù bối cảnh thế giới ra sao, thị trường nhập khẩu thiếu hụt như thế nào thì chất lượng, thương hiệu và nguồn gốc hàng hóa vẫn là số 1.