Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%, đóng góp 5,07%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,70%, đóng góp 48,33%; khu vực dịch vụ tăng 6,60%, đóng góp 46,60%.
Nền kinh tế đang phục hồi mạnh mẽ. Mức tăng trưởng 7,72% có thể nói là rất ấn tượng, nhất là khi so với mức tăng trưởng 0,52% và 6,73% của quý II các năm 2020-2021, thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ.
Hình minh họa
Mức tăng trưởng 7,72% cũng là mức tăng khá nếu so với tốc độ tăng trưởng GDP quý II của các năm từ 2011 trở lại đây. Các con số được Tổng cục Thống kê nhắc đến lần lượt là 6,29%; 5,57%; 5,39%; 6,18%; 7,1%; 6,79%; 6,71%; 7,18%; 7,1%; 0,52%; 6,73%; và 7,72%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong mức tăng trưởng GDP của quý II, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,02%, đóng góp 4,56% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,87%, đóng góp 46,85%; khu vực dịch vụ tăng 8,56%, đóng góp 48,59%.
Không quá khó để nhận ra, kể từ thời điểm mở cửa nền kinh tế 15/3/2022, và khi nền kinh tế quay lại trạng thái bình thường, sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, khu vực dịch vụ đã có bước phục hồi đáng kể. Mức tăng trưởng 8,56% là đáng khích lệ.
Với sự bứt tốc mạnh mẽ của quý II/2022, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đã đạt 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020 và tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021, khẳng định nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi.
Mặc dù vậy, mức tăng 6,42% của GDP 6 tháng đầu năm vẫn thấp hơn tốc độ tăng 7,28% và 6,98% của cùng kỳ năm 2018 và 2019. Điều này cho thấy, nền kinh tế vẫn đang còn khó khăn.
Về từng khu vực, Tổng cục Thống kê cho biết, trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng gỗ khai thác và xuất khẩu gỗ khởi sắc; sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Trong đó, ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 2,31% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,21 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 4,97% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,95%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế.
Cụ thể, ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,48% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 2,94 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vị thế động lực, với tốc độ tăng 9,66%, thấp hơn mức tăng 11,3% và tương đương mức tăng 9,63% của cùng kỳ các năm 2018 và 2019, đóng góp 2,58 điểm phần trăm.
Trong khi đó, ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6,1%, đóng góp 0,24 điểm phần trăm; ngành khai khoáng tăng 2,28%, đóng góp 0,08 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành xây dựng tăng 3,65%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm.
Khu vực dịch vụ là một trong những lĩnh vực có đà phục hồi tốt, với mức tăng 6,60% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,49% và 3,92% của cùng kỳ năm 2020 và 2021. Tuy vậy, vẫn thấp hơn so với mức tăng cùng kỳ của các năm 2014-2019.
Trong khu vực dịch vụ, theo Tổng cục Thống kê, bán buôn và bán lẻ tăng 5,82% so với cùng kỳ năm trước. Đây là ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế với 0,58 điểm phần trăm.
Trong khi đó, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,5%, đóng góp 0,52 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 11,19%, đóng góp 0,25 điểm phần trăm; hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 3,94%, đóng góp 0,16 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,13%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế 6 tháng đầu năm 2022, theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 39,30%; khu vực dịch vụ chiếm 40,63%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,02%.