Nâng cao hiệu quả tiêu chuẩn đo lường, góp phần phát triển kinh tế xã hội

(CL&CS) - Hoạt động đo lường góp phần quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Điển hình như trong các lĩnh vực công nghệ, phân bón, y tế, đo lường đóng vai trò quan trọng trong phát triển các hoạt động này.

Trong môi trường thương mại toàn cầu hóa ngày nay, hệ thống đo lường pháp định hướng đến việc tiếp cận thị trường và cung cấp một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp; mở rộng khả năng hòa nhập quốc tế, thúc đẩy thương mại bằng cách giảm chi phí giao dịch, nâng cao lòng tin của người tiêu dùng, phổ biến kiến thức về tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Những lợi ích nổi bật nhất mà đo lường pháp định mang lại cho thương mại quốc tế thể hiện ở các khía cạnh như: cho phép tiếp cận, gia nhập thị trường sớm; loại bỏ phi thuế quan, hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), tạo điều kiện thuận lợi cho việc loại bỏ TBT bằng cách hài hòa các yêu cầu đo lường ở cấp độ quốc tế mà không cản trở sự phát triển của thương mại tự do.

Nâng cao hiệu quả tiêu chuẩn đo lường, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Đo lường thường được chia thành 3 lĩnh vực:

Đo lường khoa học liên quan đến việc thiết lập các đơn vị đo lường, hệ thống đơn vị, phát triển các phương pháp đo mới, thực hiện các đơn vị đo lường và dẫn xuất liên kết đo lường từ các chuẩn đo lường tới người sử dụng trong xã hội.

Đo lường ứng dụng hoặc công nghiệp liên quan đến việc áp dụng khoa học đo lường vào sản xuất và các quy trình khác cũng như việc sử dụng chúng trong xã hội, đảm bảo tính phù hợp của các dụng cụ đo lường, hiệu chuẩn và kiểm soát chất lượng của các phép đo.

Đo lường pháp định liên quan đến các yêu cầu quy định về phép đo và phương tiện đo để bảo vệ sức khỏe, môi trường, an toàn công cộng, là cơ sở để thu thuế, bảo vệ người tiêu dùng và thương mại công bằng.

Hiện nay, đo lường còn là nhiệm vụ của một Viện đo lường quốc gia. Các đơn vị đo lường được phổ biến cho người sử dụng trên cơ sở tự nguyện thông qua mạng lưới các phòng thử nghiệm hiệu chuẩn. Trong lĩnh vực đo lường pháp định, nhiệm vụ này được thực hiện bởi dịch vụ kiểm định để xác nhận sự phù hợp với quy định của các phương tiện đo với yêu cầu đo lường theo quy định của pháp luật, cung cấp thông tin nhận dạng và xử lý vi phạm.

Với tư cách là một ngành khoa học kỹ thuật chính xác và tin cậy, đo lường có vai trò quan trọng đối với tất cả các lĩnh vực đời sống như sản xuất, mua bán, giao dịch giữa các bên, quản lý Nhà nước, nghiên cứu khoa học,… Đo lường phát triển cho phép quốc gia duy trì tính cạnh tranh, giao thương trên toàn thế giới, cải thiện chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

Đối với doanh nghiệp, đo lường giúp nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, giảm giá thành sản phẩm, tiết kiệm nguyên vật liệu,… Đo lường xác nhận rằng sản phẩm/dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn hoặc quy định kỹ thuật. Trong công nghiệp, đo lường đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu và vật tư tiêu hao, kiểm soát môi trường sản xuất, đảm bảo an toàn, bảo vệ sức khỏe và môi trường trong sản xuất, là công cụ để quản lý quá trình sản xuất và nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đấy đổi mới công nghệ, tối ưu hóa sản xuất... Có thể thấy, đo lường gần như tham dự vào toàn bộ các hoạt động của quá trình sản xuất, phát triển sản phẩm. Từ ren của đai ốc, bu lông và các bộ phận được gia công chính xác trên động cơ cho đến các cấu trúc nhỏ trên các thành phần vi mô và nano, tất cả đều cần đến phép đo chính xác được công nhận trên toàn thế giới.

Hiện nay, vai trò của đo lường cũng được thống nhất trong mối quan hệ chặt chẽ giữa đo lường và chất lượng: sẽ không có chất lượng nếu không kiểm soát chất lượng. Trong đó, quan trọng nhất là không thể có kiểm soát chất lượng mà không có phép đo; không có phép đo nếu không có hiệu chuẩn; không có hiệu chuẩn nếu không có phòng thí nghiệm được công nhận; không có phòng thí nghiệm được công nhận mà không có liên kết chuẩn; không có liên kết chuẩn nếu không có chuẩn đo lường; không có chuẩn đo lường nếu không có đo lường.

Do vậy, đo lường thống nhất và chính xác sẽ góp phần bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân trong các giao dịch kinh tế, dân sự; sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vật tư, năng lượng; bảo đảm an toàn; bảo vệ sức khoẻ và môi trường. Đồng thời đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

TIN LIÊN QUAN