Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP - chìa khóa vươn xa thị trường quốc tế

(CL&CS) - Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, việc nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng xuất khẩu các sản phẩm OCOP là yêu cầu bắt buộc nhằm khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.

Những thách thức từ tiêu chuẩn quốc tế

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế, nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm là điều tất yếu.

Theo đó, từ tháng 12/2024, các mặt hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định chống phá rừng (EUDR) của Ủy ban châu Âu (EC). Quy định này được EC ban hành vào giữa năm 2023 nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu và tiêu thụ các sản phẩm gây mất rừng và suy thoái rừng trên lãnh thổ châu Âu. Với mục tiêu bảo vệ môi trường và đối phó với biến đổi khí hậu, châu Âu đang dần khắt khe hơn trong lựa chọn các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là những sản phẩm có nguồn gốc từ nông nghiệp.

Từng bước đưa sản phẩm OCOP trinh phục thị trường quốc tế. (Ảnh: Bộ Công thương)

Theo báo cáo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) vừa công bố, hiện cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên; trong đó, 72,1% sản phẩm đạt 3 sao, 25,8% sản phẩm đạt 4 sao, 2,1% sản phẩm đạt 5 sao và tiềm năng 5 sao. Số chủ thể tham gia là 7.846 chủ thể; trong đó có 32,8% là hợp tác xã, 22,7% là doanh nghiệp nhỏ, 38,6% là cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.

Đặc biệt, có hơn 2.420 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, từng bước chuyển đổi hoạt động, thực hiện chức năng tiêu thụ sản phẩm, gắn với việc xây dựng sản phẩm có tiêu chuẩn, quy chuẩn, bao bì, nhãn mác và thương hiệu của hợp tác xã, thay vì chỉ làm các dịch vụ đầu vào cho các thành viên.

Sản phẩm OCOP từng bước tiếp cận thị trường, khơi dậy tiềm năng, lợi thế các vùng miền để phát triển kinh tế nông thôn; trong đó có một số sản phẩm được xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Mới đây nhất, trà ổi, hoa đu đủ đực ngâm mật ong, chuối sấy dẻo, trà túi lọc đậu đen xanh lòng, siro chanh và siro tắc là các sản phẩm OCOP của tỉnh Tuyên Quang được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Anh.

Đây đều là sản phẩm của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh và Công ty cổ phần R.Y.B chịu trách nhiệm đóng hàng theo quy cách bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu và vận chuyển sang thị trường Anh. Trước đó, sản phẩm OCOP như cà-phê, tổ yến, chuối… của một số địa phương cũng "xuất ngoại” sang các thị trường khu vực châu Âu, Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc…

Là một tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn, với mục tiêu phát triển kinh tế vùng nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị cho các sản phẩm thế mạnh, Hà Giang hiện có hơn 7.000ha diện tích chè Shan Tuyết Cổ Thụ núi cao trên 600m2; riêng huyện Hoàng Su Phì có 4.600ha; trong đó, có 141ha đạt tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu, sản lượng toàn huyện trung bình 13 nghìn tấn búp tươi/năm.

Còn tại Hà Nội, phát huy hiệu quả kinh tế đối với sản phẩm OCOP, đặc biệt là đối với những sản phẩm đạt từ 4 sao, 5 sao, Hà Nội xác định trọng tâm cốt lõi trong phát triển sản phẩm OCOP của Thủ đô trong năm nay và những năm tiếp theo. Thành phố ưu tiên phát triển sản phẩm chất lượng cao; chế biến sâu sản phẩm có tiềm năng lợi thế về lịch sử văn hóa, sản phẩm từ làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với dịch vụ du lịch, hướng tới xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Chí - Phó chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội cho hay, thực hiện tốt Chương trình OCOP không chỉ giúp phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người dân vùng nông thôn mà còn góp phần tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới hiệu quả bền vững hơn.

Cần có chiến lược đồng bộ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Dù đã đạt nhiều thành tựu, tuy nhiên, tính chung trên cả nước hiện nay, số lượng và sản lượng sản phẩm OCOP xuất khẩu còn rất ít, chủ yếu vẫn tiêu thụ tại địa phương hoặc các vùng lân cận. Nguyên nhân là do hầu hết quy mô sản xuất sản phẩm OCOP đều nhỏ lẻ, manh mún trong khi muốn xuất khẩu thì trước hết phải có vùng trồng tập trung, bảo đảm nguồn cung đồng đều, ổn định. Thực tế, đã có những sản phẩm OCOP ngoài định hướng phát triển đạt chuẩn 5 sao còn hướng tới sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ, song do sản phẩm vẫn mang tính mùa vụ nên khó bảo đảm được lượng hàng hóa lớn xuất bán quanh năm, ảnh hưởng việc tuân thủ điều kiện của đơn hàng xuất khẩu.

Mặt khác, các thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam những năm gần đây đều thường xuyên, liên tục thay đổi, bổ sung các quy định về tiêu chuẩn, chất lượng hàng hóa nhập khẩu, đòi hỏi sự chuẩn hóa từ vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất đến thu hoạch, chế biến để thực hiện truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch. Trong khi đó, hầu hết cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP đều chưa đủ năng lực sản xuất, tiềm lực tài chính, kiến thức thương mại để đáp ứng các yêu cầu này.

Chính vì vậy, để mở cánh cửa xuất khẩu cho sản phẩm OCOP cần nâng cao năng lực sản xuất, thương mại cho các chủ thể OCOP: Hình thành các vùng sản xuất tập trung để giải quyết bài toán sản lượng; có chính sách tín dụng hỗ trợ vốn vay ưu đãi dành riêng cho việc mở rộng phát triển sản phẩm OCOP; tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về quy định tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, kiểm dịch động thực vật… của các thị trường xuất khẩu tiềm năng; hỗ trợ chủ thể OCOP tham gia các hội chợ thương mại, triển lãm hàng hóa để trải nghiệm, tìm hiểu, học hỏi cách làm của các đơn vị, địa phương, quốc gia khác; đồng thời tiếp nhận thông tin, yêu cầu của thị trường để linh hoạt, sáng tạo trong sản xuất, chế biến cũng như thiết kế bao bì, mẫu mã sản phẩm phù hợp từng đối tượng khách hàng và nhu cầu riêng biệt của từng thị trường.

TIN LIÊN QUAN