Năm 2021, xuất khẩu tôm có khả năng đạt trên 4 tỷ USD

(CL&CS) - Theo Vasep dự báo, xuất khẩu tôm năm nay tăng khoảng 15% so với năm 2020, vượt mốc 4 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), năm 2021, có nhiều điều kiện thuận lợi cho sản xuất, xuất khẩu mặt hàng tôm của Việt Nam. Bởi nhu cầu thế giới vẫn ổn định trong khi các nước xuất khẩu khác chưa kịp phục hồi. Trung Quốc là nguồn cung tôm lớn nhất châu Á, tuy nhiên vẫn đang thiếu hụt nguồn tôm cho chế biến và tiêu dùng.

So với các đối thủ, Việt Nam có lợi thế hơn do kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, EU, Trung Quốc ưu tiên chọn mua tôm của Việt Nam. Trong khi các nước sản xuất tôm chính như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan… đều phải chịu những ảnh hưởng nặng nền từ dịch bệnh COVID-19 như sản xuất, vận chuyển hàng hóa đình trệ.

Cùng với đó, thuế chống bán phá giá tại Mỹ đối với tôm đang ở mức thấp; lợi thế thuế quan cho xuất xứ thuần Viêt Nam của sản phẩm tôm nuôi trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới...

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 tăng 15% so với 2020, đạt 4,4 tỷ USD. Ảnh: T.B

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản dự báo xuất khẩu tôm năm 2021 tăng 15% so với 2020, đạt 4,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, thì trong bối cảnh hiện nay thị trường cũng gặp nhiều khó khăn, thử thách như kinh tế thế giới năm 2021 được dự báo sẽ diễn biến phức tạp, khó lường thể hiện ở việc cạnh tranh chiến lược, xung đột thương mại, cạnh tranh thị trường, công nghệ, nhân lực chất lượng cao giữa các quốc gia ngày càng quyết liệt... xuất khẩu tôm của Việt Nam cần phải vượt qua để đạt được con số tăng trưởng như kỳ vọng.

Ở góc độ thuận lợi, khó khăn cho từng thị trường xuất khẩu lớn, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản phân tích: Tại thị trường Nhật Bản, tôm Việt Nam sẽ phải cạnh tranh mạnh với tôm của Ấn Độ đang có mức giá thấp hơn hẳn do chi phí sản xuất tôm ở Ấn Độ thấp hơn. Dù vậy, hiện Việt Nam đang là nhà cung cấp tôm lớn nhất cho Nhật Bản và có nhiều lợi thế từ FTA song phương với Nhật Bản đối với mặt hàng tôm.

Với thị trường Mỹ, trong thời gian tới sẽ tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng và nhập khẩu thủy sản của Mỹ tăng và hai sản phẩm chủ lực của Việt Nam là cá tra và tôm có mức giá phù hợp với đa số người tiêu dùng Mỹ.

Tại thị trường EU sẽ có nhiều cơ hội tăng mạnh thị phần do có lợi thế từ EVFTA và năm 2021 EU sẽ trở lại là thị trường xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD của Việt Nam.

Phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng thủy sản nhập khẩu về chất lượng, kiểm dịch và thủ tục sẽ khiến cho hoạt động xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc năm 2021 có thể bị chậm ở một số thời điểm. Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt rõ các quy định, thủ tục để giảm thiểu rủi ro.

Nauy là thị trường tiềm năng cho mặt hàng tôm và cá ngừ trong thời gian tới. Một số thị trường vẫn có đà tăng trưởng tốt như: Anh, Canada, Australia, Hồng Kông, Nga, Thuỵ Sỹ, Chilê, Papua New Guinea, Nam Phi, Pakistan, Kuwait.

TIN LIÊN QUAN