Loạt dự án tỷ đô tại TP.HCM đang chờ nhà đầu tư Nhật Bản

(NTD) - Hàng loạt dự án trong chương trình chỉnh trang tại TP.HCM, quy mô trên 30.000 tỷ đồng đang trong tình trạng thiếu vốn trầm trọng, UBND TP.HCM đang tìm cách kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia.

Hiện TP.HCM có hơn 130 dự án, trong đó 73 dự án hạ tầng giao thông, 21 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 11 dự án giáo dục, 7 dự án giảm ngập nước...

Trong đó, theo kế hoạch đề ra, giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM cơ bản phải hoàn tất di dời 20.000 hộ, nhà dân trên và ven kênh, rạch. Qua tính toán, dự kiến tổng vốn đầu tư để tổ chức thực hiện di dời là khoảng hơn 30 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư công trung và dài hạn từ ngân sách TP dự kiến phân bổ đến năm 2020 chỉ đáp ứng khoảng 7% nhu cầu vốn nêu trên.

Các dự án hạ tầng chỉnh trang đô thị tại TP.HCM hiện đang thiếu vốn. Ảnh: N.Vũ

Vì vậy, việc đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa đầu tư, tăng cường thu hút vốn, góp phần giải quyết các khó khăn về nguồn vốn ngân sách để hoàn thành mục tiêu đề ra là hết sức cấp bách.

Dự kiến, TP.HCM sẽ tổ chức công bố dự án, mời gọi nhà đầu tư tham gia với 6 dự án gồm: di dời, tái định cư các hộ dân trên và ven bờ Nam kênh Đôi (Q.8); rạch Xuyên Tâm (Q.Bình Thạnh, Q. Gò vấp); cải tạo rạch Văn Thánh (Q.Bình Thạnh); rạch Cầu Dừa (Q. 4); cải tạo cảnh quan hồ Song Tân (Q.7); chỉnh trang rạch Bần Đôn (Q. 7). Di dời hơn 6.200 hộ dân. Dự kiến tổng kinh phí bồi thường là hơn 19.000 tỷ đồng. Phương thức chủ yếu là mở rộng biên chỉnh trang, mở rộng phạm vi thu hồi đất để tạo quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện theo hợp đồng BT.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết tại TP.HCM, thời gian qua thị trường bất động sản đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp và quỹ đầu tư lớn của Nhật Bản tham gia như Obayashi, Shimizu, Hitachi, Sumitomo Construction, Hankyu, Mitsubishi Corporation, Creed Group…

Thực tế, nhằm tận dụng sự kết nối mối quan hệ giữa Việt Nam và các doanh nghiệp Nhật Bản, HoREA vừa tổ chức hội nghị nhằm kêu gọi nhà đầu tư Nhật Bản tham gia phát triển các dự án chỉnh trang đô thị ở TP.HCM.

Trong một diễn biến khác, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cũng đã có buổi tiếp ông Keiji Kimura, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Nhật Bản phát triển đô thị sinh thái ở nước ngoài (J-CODE) đang thăm và làm việc tại TP.HCM.

Giới thiệu về tiềm năng của các doanh nghiệp Nhật Bản, ông Keiji Kimura khẳng định, J-CODE với 57 thành viên có rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý tài chính, quy hoạch phát triển và xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị rất mong muốn hợp tác cùng TP.HCM trong việc cung cấp kinh nghiệm, giải pháp và công nghệ tiên tiến để xây dựng TP phát triển nhanh thành đô thị hiện đại phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, ông Keiji Kimura mong muốn có thể mở rộng liên kết, hợp tác với các đơn vị, địa phương để xây dựng những công trình kết hợp phát triển đô thị và giao thông công cộng phù hợp với tiêu chí của TP, cung cấp giải pháp thân thiện với môi trường như hệ thống quản lý năng lượng; đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ để giải quyết các vấn đề của TP.HCM, giúp TP ngày càng phát triển hiện đại.

N.Vũ

Nên đọc