Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho thấy, 11 tháng năm 2019, xuất khẩu hồ tiêu ước đạt 269 nghìn tấn và 677 triệu USD, tăng 23,3% về khối lượng nhưng giảm 5,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Nhìn theo cả quá trình, những năm gần đây, sản phẩm nông sản đình đám một thời được ví von như “vàng đen” này thực ra đã trượt dài trong mất giá. Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã chỉ rõ: Nếu như năm 2016, giá trị xuất khẩu hồ tiêu đạt 176,6 nghìn tấn, tăng 34,3% về khối lượng và tăng 12,9% về giá trị so với năm 2015 thì những năm sau đó đến nay, giá trị xuất khẩu lại đều theo chiều đi xuống. Cụ thể, năm 2017 giá trị hồ tiêu xuất khẩu ước đạt 1,11 tỷ USD, giảm 21% so với năm 2016; năm 2018, xuất khẩu hồ tiêu đạt 758,8 triệu USD, giảm 32,1%.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do mức đầu tư cho tiêu chất lượng còn thấp và chưa hiệu quả. Hiện nay, toàn quốc có khoảng 200 doanh nghiệp chế biến, kinh doanh hồ tiêu. Sản phẩm hồ tiêu chế biến chủ yếu gồm các mặt hàng như tiêu đen, tiêu trắng, tiêu nghiền bột... Tuy nhiên, cơ cấu sản phẩm hồ tiêu chế biến chưa hợp lý. Tiêu trắng (tiêu sọ) có giá trị gia tăng cao chỉ chiếm 10 - 15% tổng sản lượng. Hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất thô, luôn cạnh tranh bằng giá ở phân khúc thấp.
Những năm gần đây, sản phẩm nông sản đình đám một thời được ví von như “vàng đen” này thực ra đã trượt dài trong mất giá. |
Theo Bộ Nông nghiệp thì ngành tiêu Việt Nam cũng được đánh giá chưa bền vững, sản xuất theo hướng GAP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm còn chưa toàn diện; tổ chức sản xuất, sơ chế và chế biến sâu hồ tiêu còn nhiều hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của ngành hồ tiêu…
Để khắc phục tình trạng trên, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thì ngành hồ tiêu là phải chuyển dịch cơ cấu sản phẩm, nâng tỷ lệ tiêu trắng xuất khẩu đạt 30-40%, tiêu bột đạt 20% vào năm 2030; đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng thị trường yêu cầu chất lượng cao như sản phẩm tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu…
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu thì ngành cũng nên tận dụng các Hiệp định thương mại tự do cũng vô cùng quan trọng. Đối với Hiệp định EVFTA, các nước EU cam kết xóa bỏ thuế quan đối với sản phẩm hạt tiêu (mã HS 0904) ngay khi hiệp định có hiệu lực. Do vậy, EVFTA có hiệu lực sẽ là đòn bẩy tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xuất khẩu vào các nước EU (đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến trước đây có mức thuế từ 5 - 9%).
Vân Thư