Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường trong năm 2025

(CL&CS)- Trong năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường là công cụ quan trọng, giúp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, và cộng đồng có cơ sở chung để thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường.

Theo đó, Hệ thống tiêu chuẩn này sẽ giúp kiểm soát ô nhiễm ở các lĩnh vực trọng yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động quản lý, từ đó nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường trong bối cảnh phát triển kinh tế hiện nay.

Một trong những mục tiêu được Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt ra trong năm tới là cải thiện các chỉ số thành phần môi trường. Theo đó, phấn đấu trên 92% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; 95% chất thải rắn sinh hoạt đô thị, 80% chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý bảo đảm quy chuẩn; 30- 40% chất thải rắn sinh hoạt được xử lý kết hợp thu hồi năng lượng.

Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường trong năm 2025 (Ảnh minh họa)

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết trong năm 2024 đã chủ động phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây nguy cơ ô nhiễm, triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường nước, không khí, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Bộ đã tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế- kỹ thuật về môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong đó có nhiều nhóm quy chuẩn môi trường mới.

Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học, Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia đã thể hiện quan điểm, định hướng của Bộ trong gian đoạn tới là chủ động phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học.

Đặc biệt, ngành tài nguyên và môi trường đã chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải lớn; theo dõi, giám sát, nắm bắt kịp thời diễn biến các vấn đề môi trường, công tác bảo vệ môi trường của các đối tượng thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tăng cường các biện pháp phòng ngừa các nguy cơ xảy ra sự cố môi trường.

Trong năm 2025, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ tập trung triển khai xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Tổ chức xây dựng, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam; tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Cùng với đó sẽ chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường. Kiểm soát chặt chẽ về môi trường và hướng dẫn, yêu cầu chủ đầu tư các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, bảo đảm tỷ lệ 92% khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tiếp tục theo dõi, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc phân loại chất thải rắn tại nguồn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội trên địa bàn quản lý.

Đôn đốc các địa phương triển khai các giải pháp cụ thể, đầu tư hạ tầng về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt nhằm thực hiện quy định chi tiết về quản lý chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân trên toàn quốc theo quy định;

Có kế hoạch, lộ trình chuyển đổi công nghệ xử lý ưu tiên áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường (như: đốt thiêu hủy, đốt có thu hồi năng lượng, compost,…) nhằm đạt mục tiêu tỷ lệ chôn lấp trực tiếp dưới 30% vào năm 2025.

TIN LIÊN QUAN