Theo Sở TN-MT Hà Nội, thời gian qua có một số phiên đấu giá dư luận quan tâm, như phiên đấu giá quyền sử dụng 19 thửa đất tại xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức với tổng diện tích 1.800m2, giá khởi điểm là hơn 7 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá từ hơn 90 triệu đồng/m2 đến hơn 133 triệu đồng/m2.
Ngày 10/8, huyện Thanh Oai tổ chức đấu giá quyền sử dụng 68 thửa đất tại thôn Thanh Thần, xã Thanh Cao với tổng diện tích gần 5.600m2, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất là từ hơn 8 triệu đồng/m2 đến hơn 12 triệu đồng/m2, giá trúng đấu giá quyền sử dụng đất từ gần 52 triệu đồng/m2 đến cao nhất hơn 100 triệu đồng/m2.
Sở TN-MT Hà Nội cho biết hiện sở đang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung triển khai xây dựng điều chỉnh bảng giá đất theo quy định nên chưa thể cập nhật ngay bảng giá đất sát với giá đất thực tế trên thị trường.
Theo Sở TN-MT Hà Nội, trên địa bàn thành phố xuất hiện tình trạng người tham giá đấu giá không có nhu cầu để ở, đấu giá nhằm mục đích kinh doanh "đầu cơ" và tình trạng trả giá cao hơn giá thị trường để trúng đấu giá sau đó không nộp tiền trúng đấu giá (bỏ tiền đặt cọc), nhằm mục đích "làm giá", "thổi giá" gây nhiễu loạn giá thị trường vẫn chưa được kiểm soát triệt để.
Đối với việc đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở còn tồn tại nhiều trường hợp trúng đấu giá nhưng không thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở, bỏ đất hoang, gây khó khăn trong quản lý quy hoạch, mất mỹ quan đô thị, lãng phí nguồn lực đất đai (không đưa đất vào sử dụng).
Trên cơ sở báo cáo của Sở TN-MT, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các quận, huyện, thị xã hạn chế việc tổ chức đấu giá để giao đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.
Bên cạnh đó, ưu tiên việc đấu giá quyền sử dụng đất cho tổ chức thực hiện dự án đầu tư, đảm bảo lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực thực hiện dự án theo quy định, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.
Hà Nội cũng đề nghị Công an thành phố xem xét các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện vi phạm trong công tác đấu giá quyền sử dụng đất; hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã có biện pháp ngăn chặn các trường hợp vi phạm quy định đấu giá không được tiếp tục tham gia đấu giá.
Ngoài ra, đề xuất giải pháp ngăn chặn hoặc hạn chế việc tiếp tục tham gia đấu giá đối với các trường hợp đã từng tham gia đấu giá, trả giá cao bất thường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định.
UBND cấp huyện được giao lập danh sách các trường hợp trả giá cao hơn thị trường để trúng đấu giá nhưng không nộp tiền trúng đấu giá theo quy định gây nhiễu loạn thị trường. Công bố danh sách công khai trên trang thông tin của huyện và báo cáo, cung cấp thông tin để công bố công khai trên trang thông tin của Sở TN-MT.
Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty luật ANVI quan ngại rằng, giá đất tăng quá cao không chỉ ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế, tạo lập nhà ở của người dân mà còn có những ảnh hưởng không nhỏ cho việc điều hành quản lý của các cơ quan nhà nước, thực thi chính sách pháp luật về đất đai.
Lý giải rõ hơn về điều này, vị luật sư cho biết, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực mới được 1 tháng, việc giá đất bị đẩy lên quá cao ở một số địa phương có thể dẫn đến việc thiết lập mặt bằng giá đất mới ở các địa phương đó. Việc này có ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng bảng giá đất mới theo quy định của Luật Đất đai 2024.
"Về mặt quản lý nhà nước cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc điều tiết thị trường bất động sản. Bởi việc xây dựng bảng giá đất dựa trên những số liệu như vậy có thể dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng và không bền vững của giá bất động sản. Khi giá bất động sản bị đẩy lên một giá trị quá mức so với giá trị thực, không có người mua, hoặc người mua không đủ sức mua dẫn đến hiện tượng vỡ bong bóng bất động sản" - Luật sư Trương Thanh Đức cho biết.
Không chỉ vậy, vị luật sư còn lo lắng việc thị trường bất động sản bị méo mó do vấn đề đất đai sẽ khiến hệ thống luật pháp liên quan đến đất đai phải có sự điều chỉnh.