Thông cáo báo chí của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết trong bối cảnh các quy định hạn chế xã hội để ngăn chặn lây lan đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đang được áp đặt ở hầu hết các nước, sự kiện trực tuyến này sẽ kết nối hàng triệu người trên thế giới nhằm tăng cường nhận thức về sự cấp thiết phải giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu cũng như những tổn hại của hệ sinh thái tự nhiên.
Để tham gia chiến dịch Giờ Trái Đất năm nay, WWF khuyến khích người dân trên toàn thế giới nâng cao nhận thức và đăng tải lên mạng trực tuyến "những hình ảnh không thể phớt lờ" liên quan thực trạng môi trường hiện nay, đồng thời tích cực chia sẻ những video trên các trang mạng xã hội thuộc WWF. WWF nêu rõ: "Mục tiêu của chúng tôi rất đơn giản, đó là tạo sự chú ý đối với hành tinh của chúng ta và các video đăng tải trở thành video được xem nhiều nhất trên thế giới vào ngày 27/3 để càng nhiều người tiếp nhận được thông điệp của chúng tôi càng tốt".
Ở nước ta, Bộ Tài nguyên – Môi trường kêu gọi thực hiện chiến dịch Giờ Trái đất năm nay tập trung phát động các tổ chức, cá nhân tham gia cuộc đua "Phát thải cân bằng". Theo đó, Bộ Tài nguyên – Môi trường kêu gọi xã hội cùng chung tay đưa phát thải nhà kính về ngưỡng cân bằng, giảm thiểu để không còn rác thải nhựa trong tự nhiên, ứng phó biến đổi khí hậu…
Thực hiện chiến dịch Giờ Trái đất trong bối cảnh đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Tài nguyên – Môi trường đề nghị các tổ chức có những hoạt động thiết thực, không tập trung đông người; đẩy mạnh truyền thông hưởng ứng trên báo chí, mạng xã hội; treo băng rôn, hình ảnh, chủ đề liên quan đến chiến dịch Giờ Trái đất… tại nơi làm việc, địa điểm công cộng.
Bộ Tài nguyên – Môi trường đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cùng tổ chức hoạt động tắt đèn, các thiết bị điện không cần thiết từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút tối thứ 7 ngày 27.3 tới.
Thế Anh