Giải thể Alphanam, ông chủ Nguyễn Tuấn Hải được hay mất?

(NTD) - Cuối tháng 5/2019, đại hội đồng cổ đông của CTCP Đầu tư Alphanam (ALP) đã thông qua quyết định giải thể công ty. ALP từng là cổ phiếu được săn lùng một thời trên sàn chứng khoán. Sau quyết định này, ông Nguyễn Tuấn Hải - người nắm phần lớn cổ phần ALP - sẽ được hay mất?

Đại gia “ngã ngựa”

Alphanam từng được chú ý rất nhiều trên sàn chứng khoán kể từ khi niêm yết năm 2007. Kinh doanh trong lĩnh vực thi công các công trình điện, năm đầu tiên sau khi lên sàn, doanh nghiệp này lãi hơn trăm tỷ đồng. Không ít nhà đầu tư tìm cách tham gia góp vốn làm ăn với công ty này.

Ông chủ Alphanam - Nguyễn Tuấn Hải được xếp vị trí thứ 10 trong 20 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2012, với tài sản khi đó trên 1.000 tỷ đồng.

Từ năm 2010 trở đi, ALP mở rộng thêm mảng sản xuất sơn và định hình hướng đi đa ngành với ba mũi nhọn: Sản xuất công nghiệp, bất động sản và kinh doanh nông lâm sản. Trong năm 2012, ALP sáp nhập một công ty con chuyên đầu tư tài chính để tăng quy mô. Từ đó, ngoài việc đầu tư bất động sản, ALP cũng thường xuyên mua lại các doanh nghiệp khác (đang thua lỗ hoặc Nhà nước thoái vốn). Nhờ lần sáp nhập này, ông chủ ALP là Nguyễn Tuấn Hải được xếp vị trí thứ 10 trong 20 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2012, với tài sản khi đó trên 1.000 tỷ đồng.

Sinh năm 1965 tại Lào Cai, ông Nguyễn Tuấn Hải từng có 4 năm công tác tại Bộ Tư lệnh Biên Phòng. Sau khi rời quân ngũ năm 1987, ông mở công ty kinh doanh vàng bạc đá quý, khách sạn. Năm 1995, Công ty TNHH Alphanam ra đời, với ngành nghề đầu tiên là sản xuất tủ điện.

Không chỉ được chú ý ở mức độ giàu có, ông Hải cũng được nhắc nhiều vì ông và gia đình nắm đến 90% cổ phần công ty dù niêm yết đã lâu. Tuy nhiên, dù là đại gia sở hữu cổ phiếu “hot”, cũng không giúp ông tránh khỏi các khoản lỗ liên tục và cuối cùng hủy niêm yết ALP vào cuối năm 2014.

Từ năm 2012, ALP lỗ dai dẳng đến tận năm 2016. Tính đến thời điểm hủy niêm yết, doanh nghiệp có vốn điều lệ gần 2.000 tỷ đồng này đã lỗ lũy kế hơn 500 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2016, khoản lỗ này là 657 tỷ đồng. Trong hai năm 2017 và 2018, ALP đã “gỡ” được xấp xỉ số lỗ lũy kế. Đến quý 1/2019, doanh nghiệp này lại lỗ tiếp gần 14 tỷ đồng.

Trong thời gian lỗ nặng liên tục 3 năm buộc phải rời sàn, ông Hải phân trần, do mua các công ty đang thua lỗ nên phải trích lập dự phòng và lỗ theo. Dù mua các công ty được báo cáo là lỗ, nhưng ông Hải nói giá trị thật sự của các công ty này lớn hơn nhiều trên sổ sách. Còn các chuyên gia tài chính thì cho rằng, do mở rộng quá nhanh nên ALP bị thiếu hụt dòng tiền, nhất là hoạt động kinh doanh bị đình trệ trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 2012-2013.

Đại gia Nguyễn Tuấn Hải được hay mất?

Sau khi quyết định giải thể công ty được đưa ra, ông Hải cho biết sẽ tính toán đổi cổ phiếu ALP bằng cổ phiếu AME (CTCP Alphanam E&C), nơi gia đình ông Hải nắm phần lớn cổ phần. Sau khi giải thể, Alphanam Group sẽ định hướng là công ty gia đình, tập trung chủ yếu vào mảng bất động sản vốn được đẩy mạnh từ năm 2015.

Sau khi giải thể, Alphanam Group sẽ định hướng là công ty gia đình, tập trung chủ yếu vào mảng bất động sản vốn được đẩy mạnh từ năm 2015.

Báo cáo thường niên năm 2018 của ALP ghi nhận, công ty này đã dừng các hoạt động đầu tư tài chính, cơ bản trả hết nợ ngân hàng và các đối tác. Theo nguyên tắc, sau khi cân đối được hết các khoản nợ, doanh nghiệp được phép giải thể và chuyển tài sản thành sở hữu cá nhân. Theo một chuyên gia tư vấn chiến lược doanh nghiệp, chỉ cần thông qua hình thức giấy tờ, ALP có thể chuyển nhượng lại hết tài sản hiện có sang sở hữu người nhà ông Hải, với giá thỏa thuận tùy ý. Đến đầu năm 2019, ALP còn 15 công ty con và 4 công ty liên kết.

Việc giải thể không quá rắc rối. Nhưng sau chuyện này, ông Nguyễn Tuấn Hải - người sở hữu hầu hết cổ phần ALP, sẽ được hay mất?

Đầu năm nay, trong câu chuyện chia sẻ về quá trình chuyển giao quyền quản lý tập đoàn cho các con, ông Hải có nhắc đến lợi ích thật sự phía sau câu chuyện lỗ lã phải hủy niêm yết ALP. Theo ông Hải, quá trình đầu tư tài chính đã giúp ALP tích lũy được hàng ngàn hecta đất ở nhiều nơi. Đây là nguồn lực lớn giúp Alphanam Group triển khai các dự án bất động sản sau này.

Hiện Alphanam Group đang triển khai hai dự án khách sạn lớn tại Đà Nẵng. Trang web của Alphanam Group cũng ghi nhận doanh nghiệp này đang sở hữu nhiều dự án khu du lịch nghỉ dưỡng trải dài từ Bắc vào Nam. Ngoài ra, tập đoàn cũng có kế hoạch triển khai nhiều dự án nhà ở cao cấp và khách sạn tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Sapa, An Giang.

Dù ông Hải công bố tích trữ được nhiều đất vàng để triển khai nhiều dự án lớn, nhưng các báo cáo của công ty chưa thể hiện đầy đủ về các thông tin này. Cùng với quá trình giải thể ALP, ông Hải cho biết sẽ chuyển giao quyền điều hành tập đoàn cho hai con là ông Nguyễn Minh Nhật và bà Nguyễn Ngọc Mỹ. Quá trình chuyển giao quyền lực sẽ hoàn tất vào năm 2020, khi đó, ông Hải sẽ quay về nghề cũ là nhà giáo, tránh điều tiếng như hồi niêm yết công ty.

Dương Nguyễn

Nên đọc