Giá văn phòng cho thuê có xu hướng tăng

Báo cáo vừa công bố của Bộ Xây dựng cho biết, trong quý II, nguồn cung mới về văn phòng cho thuê trên cả nước không nhiều. Giá cho thuê bình quân toàn thị trường đối với văn phòng, mặt bằng thương mại so với cùng kỳ năm 2023 tăng nhẹ khoảng 1 - 3%.

Ảnh minh họa

Theo số liệu mới công bố từ Bộ Xây dựng, nguồn cung văn phòng cho thuê trên cả nước trong quý II/2024 không có nhiều sự gia tăng, với một số dự án mới nổi bật như Taisei Square Hanoi với quy mô 45.600 m² tại Hà Nội và Victory Tower Gò Vấp với quy mô 13.500 m² tại TP. Hồ Chí Minh.

Về mặt bằng thương mại, nguồn cung mới chủ yếu đến từ các dự án như Vincom Plaza Hà Giang với quy mô 21.000 m² tại Hà Giang, Vincom Plaza Điện Biên Phủ với 12.000 m² tại Điện Biên, và Vincom Mega Grand Park với 50.000 m² tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhu cầu thuê văn phòng trong nửa đầu năm 2024 có xu hướng giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước do khó khăn trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Mặc dù số lượng doanh nghiệp không thay đổi nhiều, năng lực sản xuất kinh doanh suy giảm đã ảnh hưởng đến nhu cầu mở rộng và thuê mới văn phòng.

Trong khi đó, đối với mặt bằng thương mại, nhu cầu thuê mặt bằng kinh doanh đã có xu hướng tăng nhẹ so với cuối năm 2023.

Giá cho thuê bình quân toàn thị trường đối với văn phòng, mặt bằng thương mại trong quý so với cùng kỳ năm 2023 tăng nhẹ khoảng 1 - 3%. Đối với mặt bằng bán lẻ nhà phố, giá cho thuê so với kỳ trước cơ bản ổn định. 

Tại Hà Nội, tòa nhà văn phòng Vincom Center Bà Triệu có giá cho thuê khoảng 34 USD/m2, tòa nhà văn phòng Gelex Tower khoảng 29,5 - 30,5 USD/m2, tòa nhà văn phòng Sun Grand City Ancora khoảng 18 - 20 USD/m2, toà nhà văn phòng PVI Tower khoảng 24 - 26 USD/m2,...

Tại TP HCM, tòa văn phòng Deutsches Haus có giá cho thuê dao động 65 - 68 USD/m2; Saigon Centre Tower dao động 46 - 47 USD/m2; tòa nhà thuộc dự án Léman Luxury Apartments dao động 25 - 30 USD/m2;…

Công ty dịch vụ bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield cho biết tổng nguồn cung ở Hà Nội sẽ tăng trưởng trung bình 3,5% mỗi năm đến năm 2027. Tại TP HCM, khoảng 81.000 m2 nguồn cung hạng A cũng sẽ hoàn thành ở khu vực ngoài trung tâm hai năm tới.

Về tỷ lệ trống, thị trường Hà Nội ghi nhận tỷ lệ trống giảm nhẹ ở cả hai phân hạng A và B. Tỷ lệ trống tại các tòa nhà hạng A giảm 0,6% so với quý trước nhưng tăng 1,4% so với năm trước, đạt 29,9%. Đối với các tòa nhà hạng B, tỷ lệ trống giảm 0,9% so với quý trước nhưng tăng 2,3% so với năm trước, đạt 17,8%. Tuy nhiên, diện tích hấp thụ của hai phân hạng này trong nửa đầu năm 2024 đạt gần 30.000 m², cao hơn 50% so với tổng diện tích hấp thụ của cả năm 2023, cho thấy tín hiệu tích cực về nhu cầu cho thuê văn phòng.

Về mục đích thuê, di dời văn phòng chiếm 86% trên tổng diện tích giao dịch lớn ghi nhận tại Hà Nội, phần lớn để di chuyển đến tòa văn phòng mới với chất lượng cao hơn và các điều khoản thuê có lợi hơn. Mục đích mở rộng chiếm 9%, và thuê mới chiếm 5% tổng diện tích giao dịch lớn. Các ngành Tài chính/Ngân hàng/Bảo hiểm chiếm 46% và ngành Công nghệ thông tin chiếm 14% trên tổng giao dịch lớn ghi nhận bởi CBRE.

Bà Lê Hoàng Lan Như Ngọc, Giám đốc Cho thuê thương mại tại Cushman & Wakefield Việt Nam trước đó nhìn nhận nhu cầu thuê đã chậm lại ở Hà Nội từ nửa cuối năm 2023 và dự kiến duy trì ở mức thấp năm nay. Tỷ lệ trống văn phòng sẽ ở mức 25-30% và giảm dần vào năm 2027 còn hơn 20%.

Diễn biến tương tự tại TP HCM khi kinh tế khó khăn đã khiến khách thuê ngày càng quan tâm hơn đến chi phí và ảnh hưởng đến nhu cầu chung. Tỷ lệ trống văn phòng tại thành phố này dự kiến trên 20% hai năm tới.

TIN LIÊN QUAN