Sở TN-MT TPHCM đang lấy ý kiến dự thảo về ban hành quyết định điều chỉnh Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16-1-2020 (Quyết định số 02) của UBND TPHCM về bảng giá đất trên địa bàn.
Bảng giá đất mới dự kiến áp dụng từ ngày 1-8 đến hết ngày 31-12-2024. Sau đó sẽ tổng kết, đánh giá tác động về mặt kinh tế, xã hội để tiếp tục điều chỉnh bảng giá đất áp dụng từ ngày 1-1 đến ngày 31-12-2025. Đối với việc xây dựng bảng giá đất lần đầu áp dụng từ ngày 1-1-2026 theo quy định tại Luật Đất đai 2024, Sở TN-MT sẽ thuê đơn vị tư vấn để thực hiện.
Tại dự thảo, dự kiến trong 5 tháng cuối năm 2024, giá đất ở đô thị cao nhất của thành phố là 810 triệu đồng/m2 tại các tuyến đường trung tâm như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi… (quận 1), tăng gấp 5 lần (tăng 648 triệu đồng/m2) so với bảng giá đất hiện hành. Một số tuyến đường lân cận như đường Tôn Đức Thắng (đoạn từ công trường Mê Linh đến cầu Nguyễn Tất Thành) có giá 528 triệu đồng/m2, tăng 422,4 triệu đồng/m2 so với bảng giá đất hiện hành.
Tại TP Thủ Đức, bảng giá đất hiện hành chỉ 5-7 triệu đồng/m2, có nơi trên 20 triệu đồng/m2, với bảng giá mới dự kiến cũng tăng vọt. Chẳng hạn như tại đường Trần Não dự kiến có giá 149 triệu đồng/m2, trong khi bảng giá hiện hành chỉ từ 13-22 triệu đồng/m2. Tại đường Thảo Điền (phường Thảo Điền), trước đây có giá khoảng 7,8 triệu đồng/m2, thì giá dự kiến đã tăng lên từ 88-120 triệu đồng/m2.
Tương tự, nhiều tuyến đường tại các quận 4, quận 7, quận 12, dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng giá gấp 10-15 lần so với bảng giá đất hiện hành… Tại các huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, giá đất theo dự kiến điều chỉnh tại nhiều nơi có giá gấp 10-20 lần so bảng giá đất theo Quyết định số 02 của UBND TPHCM.
Ai khó khăn, ai hưởng lợi?
Theo dự thảo tờ trình Quyết định thì việc điều chỉnh Bảng giá đất theo Luật đất đai 2024 được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, khi áp dụng sẽ tác động đến nhiều nhóm đối tượng.
Cụ thể, nhóm các trường hợp được bố trí tái định cư: Bảng giá đất điều chỉnh được công bố đảm bảo tương đồng với giá đất cụ thể và phù hợp với giá thị trường.
Nhóm 11 đối tượng thực hiện thủ tục hành chính thì mức độ tác động cụ thể: Có 3 nhóm đối tượng không bị tác động và 8 nhóm bị tác động.
3 nhóm đối tượng không bị tác động gồm:
Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm.
Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.
Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng.
8 nhóm đối tượng bị tác động gồm:
Nhóm hộ gia đình, cá nhân được công nhận và chuyển mục đích sử dụng đất sẽ áp dụng bảng giá đất cho tất cả diện tích không phân biệt diện tích trong hay ngoài hạn mức (điểm a, h, k khoản 1 Điều 159 Luật đất đai 2024). Trong đó, đối với diện tích đất ngoài hạn mức không bị ảnh hưởng (do bảng giá đất được xây dựng theo nguyên tắc thị trường). Tuy nhiên, đối với diện tích đất trong hạn mức sẽ có xét đến các mốc thời điểm sử dụng đất để quy định tỷ lệ thu trên cơ sở bảng giá đất (nội dung này đang được Chính phủ đưa vào dự thảo Nghị định về thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất).
Tính thuế sử dụng đất. Trước đây, mức thuế sử dụng đất áp dụng mức 0,03% của giá đất tại Bảng giá đất. Đến nay, Bảng giá đất được điều chỉnh tiệm cận giá thị trường, do đó, mức thuế sử dụng đất sẽ tăng lên;
Tính lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai;
Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất đai;
Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM cho biết, thời gian qua cơ quan này đã xử lý hơn 120.000 hồ sơ giao dịch nhà đất trong 4 tháng đầu năm.
Con số này theo Giám đốc sở Nguyễn Toàn Thắng tăng 13% so với cùng kỳ 2023, tương đương 15.000 hồ sơ. Giao dịch chủ yếu là giữa các cá nhân, tập trung lớn nhất ở 4 địa phương là Thành phố Thủ Đức, quận Bình Tân, quận 12 và huyện Củ Chi. "Có thể do đầu tư cơ sở hạ tầng gia tăng ở các địa phương này nên kéo theo giao dịch nhà đất đi lên", ông Thắng nhận định.
Giao dịch nhà đất sôi động hơn giúp nguồn thu từ đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của TP HCM tăng trưởng. Trong 4 tháng qua, địa phương thu được hơn 2.500 tỷ đồng từ hoạt động này, tăng 859 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Theo quy định hiện hành, nguồn thu ngân sách từ mua bán bất động sản gồm 2% thuế thu nhập cá nhân và 0,5% phí trước bạ. Ông Thắng dự báo giao dịch nhà đất tại TP HCM quý II sẽ duy trì ở mức xấp xỉ 100.000 hồ sơ, giúp nguồn thu tiếp tục đảm bảo.
Cùng với mua bán, nhu cầu xây dựng của người dân đang rất cao, theo Sở Xây dựng TP HCM. Đến hết tháng 4, Sở đã cấp hơn 5.700 giấy phép xây dựng, tăng 419 giấy so với cùng kỳ, với tổng diện tích đạt trên 1,3 triệu m2 sàn.
Cục Thống kê TP HCM đánh giá thị trường bất động sản thành phố đầu năm đến nay có tín hiệu khởi sắc. Doanh thu lĩnh vực này 4 tháng qua ước đạt 80.845 tỷ đồng, cao hơn gần 10% so với cùng kỳ 2023.
Doanh nghiệp cũng rục rịch bơm vốn vào kinh doanh địa ốc, với 395 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới, đăng ký vốn khoảng 24.000 tỷ đồng, tăng gần 146% so với cùng kỳ năm ngoái.