Dự báo năm 2023 xuất khẩu rau quả có thể đạt 4 tỷ USD

(CL&CS) - Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, trong những tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc với kim ngạch bình quân khoảng 250-260 triệu USD/tháng và dự báo năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả.

Dự báo năm 2023, xuất khẩu trái cây sẽ đạt 4 tỷ USD.

Năm 2022 là năm thắng lợi lớn của xuất khẩu trái cây khi hàng loạt mặt hàng đã mở được các thị trường mới. Số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tính tới tháng 11 xuất khẩu rau quả đạt hơn 3,1 tỷ USD. Dự báo hết năm 2022, kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 3,4 tỷ USD. 

Hiện nhiều mặt hàng trái cây tươi là sản phẩm chủ lực xuất khẩu tại các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch chính như: chuối, thanh long, xoài, bưởi, mít… Với việc nhiều thị trường mở cửa cho mặt hàng trái cây tươi Việt Nam, dự đoán trong niên vụ mới, xuất khẩu các mặt hàng trái cây tươi có nhiều khởi sắc.

Theo ông Ðặng Phúc Nguyên, đây được coi là năm "mở cửa thị trường" đối với nhiều mặt hàng trái cây, củ quả khi trái bưởi chính thức được đồng ý nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Mỹ, New Zealand.

Các mặt hàng như sầu riêng, chuối, khoai lang… cũng tràn đầy cơ hội tăng trưởng kim ngạch khi các Nghị định thư về xuất khẩu chính ngạch được ký kết giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ngoài thị trường Trung Quốc, việc xuất khẩu sang các thị trường khác cũng ghi nhận những kết quả tích cực.

Theo đó, 10 tháng năm 2022, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 219 triệu USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ 2021; Thái Lan đạt 153,4 triệu USD, tăng 26,4%; Nhật Bản đạt 141,3 triệu USD, tăng 6%... Đáng chú ý hầu hết thị trường này đều còn rất nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng với trái cây Việt Nam.

Riêng thị trường Mỹ đến nay đã có 7 loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu là bưởi, xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Mỗi năm Mỹ nhập khẩu khoảng 3,6 triệu tấn trái cây. Mỹ là một trong những thị trường có yêu cầu khắt khe về nông sản nhập khẩu, nhưng khi đã làm tốt cho thị trường Mỹ, hàng Việt có thể đi nhiều thị trường khác.

Tương tự, thị trường Nhật Bản mỗi năm có nhu cầu nhập khẩu khoảng 20 tỷ USD rau quả, nhưng rau quả Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3%, một con số quá thấp và còn nhiều dư địa để khai thác cho hàng Việt. Hay thị trường châu Âu, dù chúng ta có EVFTA nhưng thị phần rau quả Việt mới chiếm khoảng 1-2% tổng nhu cầu nhập khẩu của khu vực này. Tính chung, rau quả Việt Nam mới chiếm khoảng 1,4% tổng nhập khẩu rau quả của toàn thế giới.

Ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thêm, việc Trung Quốc siết chặt kiểm soát theo chính sách zero Covid khiến rau quả Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Trung Quốc còn chiếm khoảng gần 55% tổng xuất khẩu rau quả của Việt Nam (trong khi những năm trước thị trường này luôn chiếm tới gần 70%).

Cũng theo ông Nguyên, thời gian qua một số đối tác đến từ các khu vực như châu Âu đánh giá cao chất lượng hàng Việt, cho rằng 5-10 năm tới rau quả Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng, thậm chí vượt qua đối thủ lớn Thái Lan về chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh những nỗ lực đảm bảo quy trình trồng, thu hoạch, đóng gói đúng tiêu chuẩn của các quốc gia nhập khẩu, với diện tích trồng cây ăn quả 1,2 triệu ha và tổng sản lượng sau thu hoạch lên 12 triệu tấn, Việt Nam được dự báo có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây lớn của thế giới.

Nhận định về triển vọng thị trường xuất khẩu rau quả thời gian tới, Tổng Thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho rằng, trong những tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc với kim ngạch bình quân khoảng 250-260 triệu USD/tháng và dự báo năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả.

Hiện nay thị trường đang dần tái mở cửa và giảm bớt kiểm soát dịch Covid, điều này tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu tốt hơn. Cùng với đó với chính sách đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường, tình hình mà dịch bệnh covid cũng giảm bớt tại nhiều quốc gia trên thế giới, những khó khăn về logistics, về vận chuyển được tháo gỡ, giá cước càng ngày càng càng giảm, càng rẻ thì việc xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam sẽ có nhiều cái thuận lợi.

Trong năm 2023 với các mặt hàng, các thị trường mới mở ra thông qua những các Nghị định thư, cũng như 15 FTA đã được ký kết chắc chắn sẽ tạo ra một động lực lớn cho xuất khẩu rau quả.

“Năm 2023 tăng trưởng ít nhất là 20 % so với năm 2022. Năm 2022 đạt 3,4 tỷ USD thì năm 2023 xuất khẩu rau quả có thể đạt 4 tỷ USD”, ông Đặng Phúc nguyên dự báo.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản dự đoán, khởi động vụ xuất khẩu trái cây, nông sản trong niên vụ mới sẽ gặp nhiều thuận lợi hơn vì chi phí vận chuyển đã giảm hơn một nửa so với hồi đầu năm. Thị trường xuất khẩu cũng dần khởi sắc hơn. Đặc biệt, nhiều thị trường đã mở cửa với sản phẩm trái cây tươi của Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN