Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến 31/8, vốn đăng ký cấp mới vào lĩnh vực bất động sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng gấp 5 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng nguồn vốn mới (12 tỷ USD). Nếu tính cả vốn đăng ký mới và điều chỉnh, FDI đăng ký vào bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái.
Với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 812 triệu USD, chiếm 29% tổng vốn góp. Dòng vốn ngoại đổ vào bất động sản trải rộng ở mọi phân khúc nhà ở, khu công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong đó mảng nhà ở và khu công nghiệp đang là điểm sáng.
Ông Neil MacGregor - Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, cơ sở hạ tầng là yếu tố quan trọng trong việc hấp dẫn vốn ngoại. Ghi nhận thực tế có một số dự án bất động sản nhà ở mới đã được ra mắt, chủ yếu ở các khu vực ngoài trung tâm nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhờ hoạt động sản xuất. Có thể nói, FDI là yếu tố thiết yếu cho thị trường bất động sản trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là công nghiệp.
Trước đó, Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội đánh giá, mặc dù gặp nhiều thách thức, Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư bất động sản tổ chức và doanh nghiệp. Nhu cầu từ các nhà đầu tư, đặc biệt là trong khu vực rất lớn, đơn cử như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản đang đặc biệt quan tâm đến các tài sản thương mại đang vận hành cũng như các dự án nhà ở. Bên cạnh đó, lợi thế của Việt Nam nằm ở dân số, tỷ lệ đô thị hóa, tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện tại, vì vậy Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.
Cũng theo vị này, dù vẫn tồn tại những thách thức, những thăng trầm của chu kỳ thương mại, nhưng về lâu dài, các nhà đầu tư vẫn rất quan tâm tất cả các lĩnh vực của thị trường bất động sản tại Việt Nam. Một số nhà đầu tư chuyên môn hơn, họ quan tâm đến các trung tâm dữ liệu, một số khác tập trung vào logistics, khu công nghiệp, kho bãi. Phần lớn FDI liên quan đến sản xuất, vì vậy FDI quốc tế tập trung vào các địa điểm sản xuất chất lượng cao.
Điều này cho thấy nhu cầu về các khu vực sản xuất chất lượng cao đang ngày càng lớn, cùng với các nhà đầu tư bán lẻ và khách sạn chuyên biệt. Đã có một số giao dịch diễn ra trong lĩnh vực nhà ở với các nhà đầu tư Singapore, các giao dịch tập trung vào lĩnh vực thương mại ở TP HCM, giao dịch khách sạn, giao dịch logistics, cho thấy sự quan tâm rất lớn đến nhiều khía cạnh.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các chuyên gia kỳ vọng, Luật Đất đai 2024 khi có hiệu lực sẽ góp phần tháo gỡ được những "nút thắt" về mặt pháp lý, thu hút dòng vốn đầu tư FDI. Luật cũng bổ sung nhiều quyền lợi cho nhà đầu tư nước ngoài, như về việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao, sử dụng đất do nhận chuyển nhượng dự án bất động sản và mở rộng phương thức nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Các quy định mới cởi mở hơn là tiền đề để thị trường bất động sản Việt Nam đón làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo Cushman & Wakefield Việt Nam dự báo giai đoạn 2024 - 2026 sẽ có một lượng vốn lớn đến từ nhà đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam. Tuy nhiên thủ tục hành chính, pháp lý và khan hiếm quỹ đất vẫn đang là rào cản lớn với dòng vốn FDI khi tìm đến Việt Nam.