Đối tác Mỹ xin phá sản, May Sông Hồng mất 228 tỷ đồng

(CL&CS) - Chủ sở hữu chuỗi thời trang The New York & Co đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản khiến May Sông Hồng mất 228 tỷ đồng.

Đối tác lớn nhất xin phá sản

Mới đây, Washington Post đưa tin RTW Retailwinds, nhà bán lẻ nổi tiếng ở Mỹ đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản. Cùng với đó, RTW Retailwinds sẽ đóng hầu hết cửa hàng thời gian tới. Thông tin này không khiến thị trường bất ngờ bởi trước đó ông lớn Zara đã phải đóng hàng ngàn cửa hàng.

RTW Retailwinds là hãng bán lẻ quần áo có tuổi đời 102 năm. Công ty ra đời năm 1918, sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng như New York & Co., Fashion to Figure. Khó khăn đã đến với RTW Retailwinds từ năm 2019. Khi đó, doanh thu của hãng giảm hơn 7%. Tệ hại hơn, RTW Retailwinds ghi nhận khoản lỗ 61,6 triệu USD.

Đối tác Mỹ xin phá sản, May Sông Hồng mất 228 tỷ đồng

Chưa kịp giải quyết những khó khăn của năm cũ, tới 2020, cũng như nhiều thương hiệu thời trang khác, RTW Retailwinds đã bị giáng một đòn nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ngay từ tháng Ba, RTW Retailwinds thông báo kế hoạch đóng tạm thời các cửa hàng và cho công nhân tạm nghỉ. 

Sheamus Toal, Giám đốc điều hành của RTW Retailwinds đã đưa ra lý giải cho "bi kịch" này. Theo Sheamus Toal, môi trường cạnh tranh khốc liệt trong ngành bán lẻ thời trang và Covid-19 đã gây ra khủng hoảng tài chính cho hoạt động kinh doanh của RTW Retailwinds.

Thế nhưng, với giới đầu tư Việt Nam, câu chuyện của RTW Retailwinds sẽ chỉ như bao vụ phá sản khác trên thế giới nếu RTW Retailwinds không liên quan đến một công ty Việt Nam. Đó là Công ty cổ phần May Sông Hồng. "Cái chết" của RTW Retailwinds có thể khiến May Sông Hồng thiệt hại nặng nề về kinh tế khi cả hai bên vẫn còn mối quan hệ nợ. 

Cụ thể, May Sông Hồng cho biết công ty đang có khoản phải thu ngắn hạn trị giá 167 tỷ đồng với New York & Co., một đơn vị của RTW Retailwinds. Số tiền này chiếm tới 38% khoản phải thu khách hàng ngắn hạn và tương đương gần 7% tổng tài sản của May Sông Hồng.

Chưa dừng lại ở đó, New York & Co là một trong 3 khách hàng lớn nhất của công ty. Doanh số bình quân từ New York & Co mang về cho May Sông Hồng vào khoảng 15% tổng doanh thu mỗi năm. Vì vậy, nếu New York & Co "chết" theo "chủ" RTW Retailwinds, May Sông Hồng sẽ mất đi đối tác lớn.

May Sông Hồng mất 228 tỷ đồng 

Thông tin này đã tác động tiêu cực đến thị giá cổ phiếu MSH của May Sông Hồng. Đóng cửa phiên giao dịch 16/7, MSH giảm sàn, giảm 2.350 đồng/CP, tương đương 7% xuống 31.750 đồng/CP. Tới sáng 17/7, MSN một lần nữa có thêm trải nghiệm giảm sàn, giảm xuống 29.550 đồng/CP. Như vậy, MSH đã giảm 4.550 đồng/CP, tương đương 13,3% và khiến vốn hóa thị trường May Sông Hồng "đánh rơi" 228 tỷ đồng, nhiều hơn nhiều khoản nợ mà New York & Co còn nợ May Sông Hồng.

Có vẻ như May Sông Hồng kém may mắn hơn nhiều doanh nghiệp dệt may khác trên sàn chứng khoán. Giữa đại dịch Covid-19, May Sông Hồng cũng kịp thời chuyển sang sản xuất khẩu trang, bảo hộ y tế để cung cấp cho thị trường trong nước và dự kiến xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Mỹ. 

Thế nhưng, lãnh đạo May Sông Hồng khẳng định các mặt hàng kể trên là cứu cánh cho lợi nhuận nhưng cũng chỉ tạm thời. Ngay khi thấy việc sản xuất khẩu trang, đồ bảo hộ phát triển ở Việt Nam, Trung Quốc đã ngưng cung cấp hoặc tăng giá nguyên liệu, thiết bị gây khó khăn cho việc sản xuất.

Vì vậy, dù doanh nghiệp dệt may được đánh giá là ngành "hưởng lợi" từ Covid-19 nhưng May Sông Hồng vẫn dè dặt lên kế hoạch cho năm 2020. ĐHĐCĐ thường niên của công ty đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần 3.200 tỷ đồng, giảm 27% so với mức thực hiện năm 2019. Lợi nhuận trước thuế là 250 tỷ đồng, giảm 54% so với năm 2019.

Vì vậy, trong những tháng đầu năm 2020, cổ phiếu MSH của May Sông Hồng liên tục đi lùi. Ở mức thấp nhất của phiên 17/7, giá cổ phiếu MSH giảm 14.750 đồng/CP, tương đương 33,3% so với phiên cuối cùng của năm 2019. Điều đó đồng nghĩa vốn hóa thị trường May Sông Hồng "bốc hơi" 738 tỷ đồng.

Hà Phương

Nên đọc