Doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn để đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm

(CL&CS)- Thị trường các nước ngày càng mở rộng, tuy nhiên đi cùng với đó là các tiêu chuẩn thị trường ngày càng khắt khe buộc các doanh nghiệp phải làm nếu muốn xâm nhập các thị trường

Tại buổi tổng kết 5 năm chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc chuẩn hóa và nâng cao uy tín về chất lượng, an toàn thực phẩm Việt, đặc biệt trong hoạt động liên quan đến xuất khẩu là yêu cầu cấp bách và hết sức quan trọng.

Trải qua 6 năm hoạt động từ 2017- 2022 với nhiều chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp, Hội đã hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn để đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm, ngày càng nâng cao uy tín thương hiệu với người tiêu dùng và phát triển vững.

Tại buổi tổng kết, bà Hạnh cũng chia sẻ về câu chuyện những cuộc cạnh tranh về tiêu chuẩn. "Tôi vừa mới được tin Bộ Nông nghiệp Thái Lan đã phản ứng ngay với tình hình cạnh tranh về sầu riêng với Việt Nam. Lần trước, khi chúng ta bắt đầu xuất khẩu chính ngạch sầu riêng qua Trung Quốc, họ làm ngay một biện pháp rất ấn tượng, tức là họ tổ chức một Hội đồng tướng lĩnh và quản lý nhà nước để kiểm tra chất lượng của sầu riêng. Tôi nghĩ đó là một cách làm marketing quá hay.

Doanh nghiệp tuân thủ tiêu chuẩn để đảm bảo ổn định chất lượng sản phẩm (Ảnh minh họa)

Tôi cũng nghe một người nông dân thương lái đi xuất khẩu sầu riêng thông tin cho chúng tôi là người Thái đã đưa ra tiêu chuẩn để cạnh tranh với sầu riêng của Việt Nam. Họ không xuống giá, không tặng quà cho ai mua sầu riêng, mà họ cạnh tranh bằng tiêu chuẩn", bà Hạnh chia sẻ.

Theo bà Hạnh, người ăn sầu riêng có rất nhiều khẩu vị khác nhau, ví dụ như người thích ăn loại khô, người thích ăn loại vàng... nhưng Thái Lan đã đưa ra cam kết về tiêu chuẩn là "sầu riêng khô và ngon nhất". Bởi, họ hiểu được thị hiếu của người Trung Quốc - khách hàng chính, khách hàng mục tiêu của họ thích sầu riêng khô.

"Sầu riêng của Thái Lan thua Việt Nam ngay từ đầu về hai chuyện. Một là họ không rải mùa được, còn Việt Nam có sầu riêng trong suốt cả năm, thiên nhiên ưu đãi. Thứ hai, Việt Nam ở ngay bên cạnh biên giới, quá thuận lợi và giảm được chi phí. Khi họ cạnh tranh về tiêu chuẩn như vậy, chính là họ bám vào một vấn đề lớn nhất của thị trường thế giới hiện nay là vấn đề tiêu chuẩn", bà Hạnh nhận định.

Còn theo bà Hồ Đức Minh, Giám đốc Công ty Vạn Xuân Phát chuyên liên kết với HTX để trồng và xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc, cho biết thị trường hiện nay luôn đòi hỏi “hơn” như ngon hơn, giá cạnh tranh hơn, sản phẩm tiện dụng hơn.

“Cụ thể là tiêu chuẩn đầu tiên doanh nghiệp Trung Quốc cần là sầu riêng phải ngon, sầu riêng không ngon sẽ không mua lần sau”, bà Minh nói.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Trung Quốc cũng yêu cầu các tiêu chuẩn pháp lý phía cơ quan quản lý Trung Quốc và Việt Nam đã đưa ra thì doanh nghiệp, HTX phải tự động tuân thủ. Nếu sai, họ không hỗ trợ bất cứ một khâu nào.

Theo bà Minh, nhìn thực tế thì các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã phía Trung Quốc đưa ra không xa vời hay quá khó khăn: quy định sản phẩm không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vỏ sầu riêng không có bị tác động từ ngoại lực, đảm bảo các khâu bảo quản, đóng gói… Nhưng vấn đề đặt ra là không ít nông dân, thành viên HTX chỉ hiểu các tiêu chuẩn (mã số, nhật ký…) mà nước nhập khẩu đặt ra là làm khó quy trình sản xuất mà không hiểu rằng đó chính là cơ sở để sản phẩm của HTX có giá trị, là nền tảng để HTX tiến bộ trong sản xuất kinh doanh.

Tiếp câu chuyện, bà Hạnh nói về cuộc cạnh tranh âm thầm về tiêu chuẩn giữa những hệ thống siêu thị lớn trên cả nước. "Chúng tôi có chương trình hợp tác với Saigon Co.op về tiêu chuẩn “bàn ăn xanh”, thì một hệ thống siêu thị khác họ đang chạy đua với một hệ thống tiêu chuẩn còn toàn diện và khái quát hơn. Đó là tới cuối năm 2024 những nông sản và thực phẩm muốn vào trong hệ thống siêu thị của họ mà không đạt tiêu chuẩn mà họ đưa ra, là loại hết.

Chúng ta có thể hình dung là một cách thầm lặng, cuộc chiến đấu và cạnh tranh để đáp ứng những tiêu chuẩn của thị trường ở trên thế giới hay ngay trên thị trường nội địa của những hệ thống siêu thị lớn ngày càng thấy rất rõ trong thực tế hoạt động kinh doanh", bà Hạnh thông tin.

Theo các chuyên gia, thị trường các nước ngày càng mở rộng, tuy nhiên đi cùng với đó là các tiêu chuẩn thị trường ngày càng khắt khe buộc các doanh nghiệp phải làm nếu muốn xâm nhập các thị trường.

Trong đó, muốn doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, cần nâng cao chất lượng sản phẩm và muốn nâng cao chất lượng sản phẩm thì các mô hình này cũng cần đáp ứng được các tiêu chuẩn của các thị trường, từ đó đưa nông nghiệp Việt ngày càng tiến xa hơn.

Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng cho rằng, độ tin cậy đối với hệ thống tiêu chuẩn của hàng hóa, đặc biệt là nông sản và thực phẩm của Việt Nam đang ngày càng nóng, ngày càng khốc liệt hơn và nếu chúng ta không có đầy đủ thông tin, thậm chí không nắm được về mặt tiến độ của cuộc cạnh tranh này, chúng ta sẽ bị loại ra khỏi cuộc chiến.

TIN LIÊN QUAN