Phương pháp hữu ích
Khái niệm 5S (Sàng lọc, Sắp xếp, Sạch sẽ, Săn sóc, Sẵn sàng) được bắt nguồn từ Nhật Bản và đầu thế kỉ XX và được áp dụng tại Việt Nam từ năm 1993. Đây là một phương pháp quản lý hữu ích giúp các doanh nghiệp hạn chế lãng phí, nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như quốc tế.
Phương pháp quản lý hữu ích giúp các doanh nghiệp hạn chế lãng phí, nâng cao chất lượng sản phẩm
Sau khi triển khai và áp dụng chương trình 5S, doanh nghiệp tại Việt Nam thấy biến chuyển từ mọi vật dụng, đồ đạc, trang thiết bị được sắp xếp hợp lý, khoa học, có tư duy thẩm mỹ hơn. Mọi vật dụng không cần thiết được loại bỏ, những đồ dùng có thể tái chế thì có thể đem ra để sử dụng lại.
Bên cạnh các doanh nghiệp thành công trong áp dụng 5S, có nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc áp dụng phương pháp này. Theo đánh giá, trên thực tế việc áp dụng 5S cho toàn bộ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp quốc doanh thường gặp phải những thách thức nhất định.
Những khó khăn cụ thể
Lãnh đạo không đồng hành - 5S trở thành phong trào hình thức
Lãnh đạo thiếu hiểu biết thực chất về 5S: Nhiều chủ doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty nhỏ và vừa, chỉ nghe nói 5S “giúp nhà máy gọn gàng” mà không hiểu 5S là nền tảng để xây dựng năng suất – an toàn – cải tiến liên tục.
Chạy theo phong trào, làm để đối phó: Một số doanh nghiệp triển khai 5S chỉ vì yêu cầu từ khách hàng, hoặc để đạt được chứng nhận ISO. Khi mục tiêu chỉ mang tính hình thức, họ không thực sự đầu tư vào việc duy trì và cải thiện.
Lãnh đạo ủy quyền hoàn toàn cho cấp dưới: Việc áp dụng 5S bị giao phó cho bộ phận nhân sự hoặc tổ cải tiến, trong khi lãnh đạo không trực tiếp tham gia giám sát hoặc kiểm tra. Điều này làm giảm tính nghiêm túc và sức lan tỏa.
Ví dụ, tại một nhà máy sản xuất linh kiện ô tô ở khu công nghiệp Tân Tạo, TP Hồ Chí Minh, ban giám đốc quyết định áp dụng 5S sau chuyến tham quan một doanh nghiệp Nhật. Trong tuần đầu, mọi người được phát chổi lau, bảng phân công dọn dẹp được dán khắp nơi. Tuy nhiên lãnh đạo không bao giờ đi kiểm tra; Không có ai phụ trách theo dõi duy trì; Nhân viên coi đây là “chiến dịch làm sạch” nên chỉ làm kỹ lần đầu. Sau một tháng, khu vực kho bãi trở lại lộn xộn, không ai dán nhãn, không ai phân loại dụng cụ. Khi chuyên gia quay lại kiểm tra, họ đánh giá: “Doanh nghiệp chỉ mới chạm đến ‘bề nổi’ của 5S.”
Nhân viên ngại thay đổi
Tâm lý quen cách làm việc cũ: Trong môi trường sản xuất, nhiều nhân viên đã quen với cách làm việc hiện tại, dù có thể thiếu khoa học. Họ cho rằng nếu công việc vẫn hoàn thành, không cần phải thay đổi quy trình hay cách bố trí công cụ.
Doanh nghiệp gặp khó khăn khi áp dụng 5S
Không thấy lợi ích cụ thể từ 5S: Khi không được giải thích rõ “5S giúp ích gì cho công việc của mình?”, người lao động dễ xem 5S là việc làm thêm, tốn công sức.
Thiếu sự tham gia trong quá trình thay đổi: Khi ban quản lý ra quyết định sắp xếp lại nhà xưởng mà không lấy ý kiến của người trực tiếp làm việc, nhân viên sẽ cảm thấy bị áp đặt, dẫn đến tâm lý phản kháng hoặc làm cho có.
Ví dụ tại một xưởng in bao bì ở Long An, tổ cải tiến quyết định sắp xếp lại vị trí các công cụ cắt – dán theo nguyên tắc 5S gồm những vật dụng sử dụng thường xuyên đặt gần tay, hiếm sử dụng thì cất vào tủ. Tuy nhiên, có người công nhân thâm niên hàng chục năm lại tự ý thay đổi, sau một thời gian, cả khu vực sản xuất trở nên lộn xộn trở lại, khiến các công nhân trẻ cảm thấy nản vì “mình làm theo hướng dẫn thì bị người cũ phá hoại”. Quản lý không xử lý dứt điểm, dẫn đến tinh thần cải tiến bị tê liệt.
Đào tạo sơ sài, không hiểu về 5S
Đào tạo nặng lý thuyết, thiếu thực hành: Nhiều doanh nghiệp mời chuyên gia về đào tạo 5S nhưng chỉ dừng lại ở việc thuyết trình bằng slide trong phòng họp. Nhân viên sau buổi học không được hướng dẫn cụ thể cách áp dụng 5S tại nơi làm việc của mình.
Không gắn nội dung đào tạo với thực tế sản xuất: 5S trong văn phòng khác với 5S ở xưởng may, nhà máy cơ khí hay kho vật tư. Tuy nhiên, nội dung đào tạo thường chung chung, không đi vào từng vị trí công việc, khiến người học thấy mơ hồ, không liên hệ được với công việc thực tế.
Thiếu hệ thống đào tạo nội bộ và duy trì liên tục: Nhiều doanh nghiệp chỉ đào tạo 5S một lần duy nhất khi bắt đầu triển khai, không có chương trình nhắc lại định kỳ, không có tài liệu hướng dẫn trực quan (poster, video, sơ đồ 5S tại chỗ), khiến kiến thức bị quên lãng nhanh chóng.
Ví dụ: Một công ty chế biến thực phẩm tại Hưng Yên tổ chức lớp học 5S cho toàn bộ nhân viên sản xuất. Lớp học kéo dài 4 tiếng vào buổi chiều, giảng viên dùng slide, chiếu ảnh nhà máy Nhật Bản để minh họa.Tuy nhiên, sau buổi đào tạo: Nhân viên không được hướng dẫn cách sắp xếp dụng cụ sao cho thuận tiện thao tác; Không ai hiểu rõ việc đánh dấu khu vực dụng cụ thường dùng khác gì với dụng cụ ít dùng; Một số tổ trưởng nghĩ “săn sóc” nghĩa là… lau chùi thiết bị hàng ngày. Kết quả là trong đợt kiểm tra sau 1 tháng, hơn 60% khu vực làm việc bị đánh giá là "không duy trì được 5S", dù đã được đào tạo.
Thiếu công cụ, thiếu đầu tư kỹ
Doanh nghiệp coi 5S là hoạt động “chi phí 0 đồng”: Nhiều doanh nghiệp nghĩ rằng 5S chỉ là việc dọn dẹp, sắp xếp nên không bố trí ngân sách cho các dụng cụ hỗ trợ. Họ kỳ vọng nhân viên có thể “tự làm bằng tay không” mà vẫn đạt hiệu quả cao.
Thiếu kế hoạch đầu tư bài bản: Việc triển khai 5S thường diễn ra vội vã, không đi kèm khảo sát thực tế để xác định cần bao nhiêu kệ để dụng cụ, có đủ nhãn màu để phân loại chưa, khu vực làm sạch có dụng cụ chuyên biệt không? Kết quả là vừa làm vừa thiếu.
Không đánh giá ROI (lợi ích đầu tư) cho công cụ cải tiến: Nhiều quản lý e ngại đầu tư cho nhãn dán, kệ mới, bảng trực quan… vì nghĩ tốn kém, trong khi lại không đánh giá được rằng một khoản đầu tư nhỏ cho 5S có thể giúp tiết kiệm lớn về thời gian và chi phí vận hành.
Ví dụ một xưởng cơ khí nhỏ ở KCN Quế Võ, Bắc Ninh triển khai 5S với sự nhiệt tình cao từ ban giám đốc. Công nhân được đào tạo, khu vực sản xuất được chia vùng rõ ràng. Tuy nhiên, trong hệ thống không có hộp phân loại dụng cụ theo màu; Không có bảng treo dụng cụ nên công nhân tiếp tục để kìm, tua vít... trên bàn; Bảng kiểm tra 5S được in ra 1 tờ A4, dán bằng băng keo, rách sau vài ngày. Sau 1 tháng, chương trình tạm dừng, nguyên nhân đến từ thiếu đầu tư ban đầu cho các công cụ cơ bản.
Không tích hợp tổng thể
Triển khai 5S như một chương trình độc lập, tách rời với hệ thống vận hành hiện có (ISO, KPI, LEAN, SOP…); Không có ai chịu trách nhiệm chính trong hệ thống điều hành – 5S thường bị đẩy cho tổ trưởng, kỹ thuật hoặc phòng HCNS, nhưng không gắn với vai trò của quản lý cấp trung/cao; Không tích hợp 5S vào các quy trình làm việc tiêu chuẩn (SOP), quy chế đánh giá nhân viên, hoặc chỉ tiêu sản xuất → thiếu động lực duy trì; Không theo dõi 5S bằng các chỉ số cụ thể, ví dụ: thời gian tìm dụng cụ, số lỗi do để lộn xộn, số điểm 5S theo tuần…
Ví dụ ở tại một nhà máy sản xuất linh kiện điện tử ở Hà Nam, ban lãnh đạo yêu cầu triển khai 5S từ tháng 3/2024. Phòng HCNS làm bảng điểm chấm 5S, tổ chức thi đua, treo khẩu hiệu khắp nơi. Tuy nhiên, bộ phận sản xuất làm 5S mỗi sáng 15 phút; Bộ phận bảo trì không tham gia vì "không thuộc kế hoạch; Nhân sự không phối hợp để đưa tiêu chí 5S vào checklist đánh giá chất lượng sản phẩm; Ban ISO không tích hợp các tiêu chí 5S vào tài liệu kiểm soát hiện trường nên sau 6 tuần, điểm 5S giảm từ 88 xuống còn 52/100, gây hệ lụy cho doanh nghiệp.