Nhiều kỳ vọng của doanh nghiệp bất động sản
Năm 2023 là một năm chứng kiến nguồn cung và lượng giao dịch bất động sản sụt giảm mạnh. Theo đó, thị trường xuất hiện tình trạng mất cân đối cung cầu kéo dài khi phần lớn nguồn cung nằm ở phân khúc cao với giá vượt xa thu nhập người dân, đặc biệt tại một số dự án, khu vực gặp tình trạng mất thanh khoản dù giảm giá bán, đã khiến tỷ lệ hấp thụ đối với sản phẩm mở bán rơi xuống mức thấp kỷ lục ở thời điểm quý I/2023.
Mặc dù đến thời điểm giữa năm 2023, nhiều nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn đã bắt đầu có dấu hiệu “xuống tiền”, tìm các bất động sản giảm giá sâu tại những khu vực nhiều tiềm năng tăng trưởng. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch nhìn chung vẫn ở mức rất thấp. Các sản phẩm được mở bán mới với số lượng hạn chế và chủ yếu là hàng tồn kho hoặc phân khu tiếp theo của dự án hiện hữu.
Hoạt động mua bán trầm lắng khiến mặt bằng giá chưa phản ánh đúng tình hình cung cầu và giá trị của bất động sản. Nhiều chủ sở hữu vẫn neo mức giá rao bán cao dù không có giao dịch.
Bước sang năm 2024, nhiều chuyên gia dự báo thị trường bất động sản vẫn sẽ đối diện với nhiều khó khăn đến từ ảnh hưởng chung của nền kinh tế, cùng các vướng mắc về mặt pháp lý. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho biết năm 2024 sẽ điều chỉnh hoạt động đầu tư, kinh doanh để phù hợp hơn với tình hình thực tế. Đặc biệt, các chủ đầu tư sẽ đưa ra thị trường các dự án đảm bảo pháp lý để xây dựng niềm tin nơi khách hàng.
Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc mảng dịch vụ tư vấn và phát triển dự án DKRA Group chia sẻ, đến cuối năm 2023, thị trường đã trải qua gần ba năm đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức, nguồn cung và sức cầu thị trường sụt giảm. Trong ngắn hạn, thị trường khó có chuyển biến theo hướng tích cực mà sẽ tiếp tục tiến trình “lửa thử vàng” đối với các chủ đầu tư, người mua và tất cả các bên tham gia vào thị trường.
“Bước sang năm 2024, các phân khúc thuộc loại hình bất động sản nhà ở được kỳ vọng sẽ là phân khúc dẫn dắt đà phục hồi của thị trường, đặc biệt là tại các dự án ở khu vực trung tâm TP lớn hoặc khu vực lân cận sở hữu hệ thống giao thông kết nối đồng bộ”, ông Thắng nhìn nhận.
Đồng thời, đại diện DKRA Group cũng cho rằng, nguồn cung mới sẽ tăng, tập trung ở phân khúc nhà ở, căn hộ vừa túi tiền tầm giá dao động trên dưới 40-50 triệu đồng/m2. Thị trường cũng sẽ gia tăng nguồn cung của loại hình nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu ở thực nhờ vào việc kích hoạt gói hỗ trợ tín dụng 120.000 tỷ đồng.
“Việc duy trì mức giá bán niêm yết đồng thời đẩy mạnh, đa dạng hóa các chính sách khuyến mãi, kích cầu dưới nhiều hình thức được cho là xu hướng chủ đạo được phần lớn các chủ đầu tư áp dụng. Ví dụ như việc đưa ra các mức chiết khấu sâu đối với phương thức thanh toán nhanh lên đến 10%-20% giá trị bất động sản, kéo giãn lịch thanh toán theo tiến độ, một số dự án còn hỗ trợ khách hàng nhận nhà trước rồi tiếp tục thanh toán trong vòng 1-2 năm. Đây cũng là một hướng tiếp cận phù hợp ở thời điểm hiện tại, các chủ đầu tư vừa có thể neo giá cho sản phẩm của mình, tạo niềm tin nơi khách hàng vừa có thể kích cầu, gia tăng tính thanh khoản cho thị trường”, ông Thắng nói thêm.
Trong một nhận định trên trong báo cáo triển vọng năm 2024, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, thị trường chưa sôi động trở lại trong năm 2024 do cần chờ thêm những động lực về nguồn cung, giải quyết tình trạng lệch pha cung cầu và tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự phân hóa mạnh mẽ sẽ bắt đầu thể hiện từ năm 2024 giữa các khu vực, phân khúc và doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn nghiêm trọng về thanh khoản có thể phải chấp nhận rời khỏi thị trường, hoặc chuyển nhượng dần danh mục dự án/ mảng kinh doanh để xử lý các nghĩa vụ nợ.
“Còn các doanh nghiệp quy mô lớn có dự án bị tắc nghẽn về pháp lý, nguồn vốn vẫn tích cực được hỗ trợ để tránh rủi ro nợ xấu và tình trạng dự án treo nhiều năm. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp dự báo sẽ khó khôi phục vị thế và quy mô phát triển dự án như trước đó”, VCBS nhận định.
Dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường vào năm 2024?
Có thể thấy, điểm sáng của thị trường hiện nay là chính sách tiền tệ được nới lỏng đã làm cho thị trường bất động sản bắt đầu có những dấu hiệu quay trở lại của dòng tiền, các áp lực chi phí vốn của các chủ đầu tư bất động sản cũng được giảm đi đáng kể, nhu cầu của những người mua bất động sản cũng tăng lên dần.
Các chuyên gia tài chính đều có nhận định, giai đoạn này là lúc thị trường bất động sản “giao mùa” chuẩn bị phục hồi trở lại sau một thời gian trầm lắng. Trong đó, dòng tiền sẽ khởi động trở lại nhờ những chính sách hỗ trợ tài chính như lãi suất ngân hàng, thời hạn thanh toán,…sẽ sớm làm tăng tính thanh khoản và tạo tâm lý tích cực cho thị trường.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, mặt bằng lãi suất đã giảm sâu về mức trên dưới 5%, tương đương với thời điểm trước dịch bệnh, tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, biến động do đó trong tương lai thì khả năng lãi suất giảm sâu hơn nữa sẽ rất khó.
Ông Phong cho biết thêm, thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn “vĩ cực” nhất và hiện nay đã ghi nhận nhiều động thái tích cực hơn tiêu cực cả về tổng cung và tổng cầu, cả đầu ra và đầu vào. Bên cạnh đó, đối với các nhà đầu tư lớn có dòng tiền mạnh thì họ đã đang bắt đầu tìm kiếm cơ hội trong thời gian gần đây.
“Dòng tiền bất động sản sẽ hướng tới những sản phẩm mà đáp ứng nhu cầu ở thực sự. Trong thời gian tới, dòng tiền sẽ ưu tiên cho phát triển bất động sản phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, công nghiệp, nông nghiệp,…phát triển các cơ sở hạ tầng xã hội như trường học, bệnh viện,… cũng như bất động sản phục vụ cho đối tượng thu nhập thấp, trung bình”, ông Phong nhận định.
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, thời điểm đầu năm 2024, thị trường sẽ đón lượng lớn dòng tiền đổ vào bất động sản với kỳ vọng đây sẽ là kênh đầu tư đem lại lợi nhuận sinh lời tốt, ổn định. Do đó, người mua nên tận dụng khoảng thời gian này với các ưu đãi khủng từ các nhà đầu tư để nắm bắt cơ hội trước khi thị trường tăng giá trở lại.