Một trong những nguyên tắc quan trọng và cơ bản của quản lý chất lượng chính là định hướng vào khách hàng. Ảnh minh họa.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, vai trò của chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ ngày càng quan trọng. Đồng thời, chất lượng cũng là một trong những yếu tố quyết định việc mở rộng thị trường của doanh nghiệp. Để đạt được chất lượng mong muốn cần có sự quản lý đúng đắn.
Hoạt động quản lý trong lĩnh vực chất lượng được gọi là quản lý chất lượng. Hoạt động này bao gồm các hoạt động nhằm định hướng và kiểm soát một tổ chức về chất lượng. Quản lý chất lượng đảm bảo cho doanh nghiệp làm đúng những việc phải làm. Các doanh nghiệp muốn nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế phải tìm hiểu và áp dụng có hiệu quả các tư tưởng và công cụ quản lý chất lượng.
Theo đó, một trong những nguyên tắc quan trọng và cơ bản của quản lý chất lượng chính là định hướng vào khách hàng. Doanh nghiệp phụ thuộc vào khách hàng của mình và vì thế cần hiểu nhu cầu hiện tại và tương lai của khách hàng, để không chỉ đáp ứng mà còn phấn đấu vượt cao hơn sự mong đợi của họ.
Chất lượng sản phẩm và dịch vụ do khách hàng xem xét quyết định. Các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và dịch vụ mang lại giá trị cho khách hàng và làm khách hàng thỏa mãn, ưa chuộng, phải là trọng tâm của hệ thống quản lý. Giá trị, sự thỏa mãn và ưa chuộng của khách hàng có thể chịu tác động của nhiều yếu tố trong suốt quá trình mua hàng, sử dụng và dịch vụ sau khi bán.
Chất lượng được định hướng bởi khách hàng là một yếu tố chiến lược, dẫn tới khả năng chiếm lĩnh thị trường, duy trì và thu hút khách hàng. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải luôn nhạy cảm đối với khách hàng mới, những yêu cầu thị trường và đánh giá yếu tố dẫn tới sự thỏa mãn khách hàng. Nó cũng đòi hỏi ý thức phát triển công nghệ, khả năng đáp ứng nhanh chóng và linh hoạt các yêu cầu của thị trường, giảm sai lỗi, khuyết tật và khiếu nại của khách hàng
Áp dụng nguyên tắc này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp: Đối với việc lập kế hoạch giúp làm rõ các nhu cầu của khách hàng trong toàn bộ doanh nghiệp; Đối với việc thiết lập mục tiêu sẽ đảm bảo rằng các mục tiêu, chỉ tiêu kinh doanh được liên hệ trực tiếp với nhu cầu và mong đợi của khách hàng; Đối với việc quản lý điều hành sẽ giúp cải tiến kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu khách hàng; Đối với việc quản lý nguồn nhân lực sẽ đảm bảo mọi người trong doanh nghiệp có kiến thức và kỹ năng cần thiết để thỏa mãn khách hàng.