Đề xuất 2 phương án làm cầu Cát Lái

(NTD) - UBND tỉnh Đồng Nai vừa có buổi làm việc với các sở, ngành và huyện Nhơn Trạch để nghe báo cáo dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái.

Tại buổi làm việc, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM (GTVT) TP.HCM và Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế giao thông vận tải phía Nam đã nghiên cứu hai phương án và đề xuất vị trí xây cầu Cát Lái nối quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).

Phương án vị trí 1 (theo hồ sơ trình bổ sung quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận vào tháng 5/2017), hướng tuyến của cầu Cát Lái có điểm đầu nối với dự án nút giao Mỹ Thủy rồi đi dọc đường Nguyễn Thị Định trên địa bàn quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó sẽ vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.

Khu vực quận 2 nói riêng và TP.HCM sẽ kết nối nhanh chóng với Đồng Nai nếu xây dựng cầu Cát Lái.

Phương án vị trí 2, cầu Cát Lái có điểm đầu kết nối với đường vành đai 2 (cách cổng trạm thu phí Phú Mỹ khoảng 450m, cách nút giao Mỹ Thủy hơn 1km), rồi đi theo đường nội bộ, cắt qua rạch Kỳ Hà trên địa bàn quận 2, sau đó vượt sông Đồng Nai kết nối đường đi cảng Cát Lái.

Cả 2 phương án vị trí nêu trên, cầu Cát Lái sẽ được xây dựng với 2 quy mô mặt cắt ngang cầu gồm: 6 làn xe và 8 làn xe; bề rộng cầu tương ứng 6 làn xe là 27m, 8 làn xe gần 35m. Tổng mức đầu tư của dự án từ 7.200 tỷ đồng đến hơn 9.000 tỷ đồng (tương ứng với vị trí và làn xe). Nguồn vốn thực hiện dự án lấy từ vốn ngân sách, đầu tư theo hình thức BOT, BT.

Trước đó, tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1094/TTg-CN đồng ý giao UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án cầu thay phà Cát Lái.

Việc Thủ tướng đồng ý bổ sung cầu Cát Lái vào quy hoạch phát triển giao thông cùng với sự đóng góp của các bộ, ngành đã cho thấy cây cầu này được đánh giá là rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội cho cả vùng Đông Nam bộ chứ không chỉ riêng cho TP.HCM hay Đồng Nai.

 Vũ Sơn

Nên đọc