Bà Trang Đỗ, chuyên gia cao cấp của Colliers (Việt Nam), nhận định “miếng bánh” thị phần mặt bằng bán lẻ vô cùng hấp dẫn, hiện giới chủ trung tâm thương mại ngày càng chuộng xu hướng mở rộng ra khu vực vùng ven. Trong đó, các ông lớn hàng đầu như Central Group và Aeon Mall đang mở rộng mô hình mới tại các tỉnh thành ngoài TP.HCM và Hà Nội.
Được biết, Central Group đã tung ra thương hiệu nội thất mới tại Đồng Nai và Quảng Nam còn Aeon Mall khai trương mô hình "siêu thị linh hoạt" tại Bình Dương. Trong năm 2024, Aeon Mall Huế dự kiến đưa vào hoạt động với diện tích sàn gần 138.000 m2, trở thành trung tâm thương mại đầu tiên của Aeon tại miền Trung.
Thời gian vừa qua, các trung tâm thương mại không chỉ dừng lại ở việc bán hàng mà còn tăng yếu tố đời sống vào trải nghiệm mua sắm và sử dụng dịch vụ của khách hàng, dẫn đến sự gia tăng về mô hình "concept store" - cửa hàng có tính mở và thiên về phong cách sống. Giới chủ phát triển mặt bằng trung tâm thương mại cũng liên tục phải đưa ra chiến lược cải tổ phù hợp.
Tại TP.HCM, trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza, mới đây đã khai thác trở lại sau thời gian dài đóng cửa sửa chữa và đổi chủ. Đại diện KIDO, cho biết đã tiếp nhận lại mặt bằng mà Parkson thuê tại Hùng Vương Plaza và cải tạo lại theo mô hình như Vạn Hạnh Mall. Trung tâm mới này có lối ra vào từ 4 mặt tiền, thay vì hai cửa như trước. Giá thuê tại đây dự kiến vào khoảng 30 - 95 USD/m2/tháng.
Tại Hà Nội, hồi tháng 6 năm ngoái, Indochina Plaza Hanoi cũng hoàn thành cải tạo và đổi tên thành The Loop Shopping Center do Takashimaya quản lý. Trong 2 năm, trung tâm này đã thiết kế lại cảnh quan, nội, ngoại thất, với xu hướng xanh hóa chủ đạo. Định vị thương hiệu cũng nhắm đến giới trẻ thay vì giới hạn cho cư dân như trước.
Đáng chú ý, sau giai đoạn cải tạo hai dự án trên đều ghi nhận tỷ lệ lấp đầy cao.
Chuyên gia nhìn nhận, trung tâm thương mại vẫn đang là một trong những phân khúc tăng trưởng ổn định, có tiềm năng để đầu tư, trong bối cảnh nguồn cung bán lẻ hiện đại hạn chế nhưng tiêu dùng nội địa tăng mạnh và tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển. Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều đơn vị đua tranh “miếng bánh” thị phần, các doanh nghiệp cả cũ lẫn mới cần có chiến lược phát triển tốt để có phần “ngon” hơn.
Thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn đang trên đà bứt phá, nhưng khách hàng ngày càng đòi hỏi dịch vụ tốt hơn. Vì vậy, để giành lợi thế trong một cuộc đua đầy khốc liệt, các thương hiệu cần một cuộc “cách mạng” về cả không gian mua sắm lẫn dịch vụ hậu mãi nhằm thuyết phục đa số khách hàng.