Công ty tài chính bị cấm đòi nợ phản cảm

(NTD) - Từ ngày 15/3, các công ty cho vay tiêu dùng không được đe dọa khách hàng. Đây là nội dung mới trong Thông tư 43 mới được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), do điều kiện vay vốn của các công ty tài chính tiêu dùng rất dễ dãi, nên nhiều người không có khả năng trả nợ vẫn nhắm mắt ký bừa, dẫn tới rủi ro nợ xấu rất cao. Khi khách hàng không trả được nợ, các công ty tài chính chuyển sang đòi nợ kiểu xã hội đen, khiến khách hàng hoảng sợ. 80% khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng gửi về Cục thời gian qua liên quan đến tín dụng tiêu dùng.

Để ngăn chặn hành vi đòi nợ phản cảm, trong Thông tư 43/2016/TT-NHNN vừa ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra quy định về việc thu hồi nợ. Theo đó, biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật. Trong đó, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng.

Hiện quy mô thị trường này đã lên tới 10 tỷ USD và đang tăng trưởng với mức 2 con số. Sự hấp dẫn của thị trường tài chính tiêu dùng khiến ngày càng nhiều ngân hàng tham gia lĩnh vực này, với làn sóng mua bán công ty tài chính của các ngân hàng diễn ra trong thời gian qua. Tuy nhiên, cách đòi nợ phản cảm của các công ty tài chính thời gian gần đây đã để lại ấn tượng xấu, tạo ra cái nhìn sai lệch cho lĩnh vực này.

Mai Trinh

Nên đọc