Thị trường bất động sản có vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế, tuy nhiên, thực trạng hiện trường có những điểm nghẽn cần được khắc phục để phát huy được điểm mạnh tối đa cho xu hướng thị trường này.
Ông Trần Du Lịch, Phó chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, trong 20 năm qua, thị trường bất động sản đã đóng góp rất lớn trong quá trình đô thị hóa, phát triển hạ tầng công nghiệp… Tuy nhiên, thị trường bất động sản cũng có những khuyết tật, méo mó. Gần đây, sự liên thông giữa thị trường tài chính và thị trường bất động sản không minh bạch đã tạo ra rủi ro lớn. Do đó, Nhà nước đang chấn chỉnh và lành mạnh hoá 2 thị trường này.
Vấn đề cần chú ý là vốn, ông cho rằng, dù chấn chỉnh tín dụng thế nào thì Ngân hàng Nhà nước phải làm sao để những dự án bất động sản nhà ở, khu công nghiệp… đang vận hành tốt thì vẫn phải bơm vốn để dự án hoàn thành. Ngoài ra, trên thị trường còn rất nhiều điểm nghẽn kìm hãm sự phát triển của thị trường bất động sản. Đơn cử như, TPHCM có hàng trăm dự án “nghẽn” do liên quan thủ tục, luật đang khiến hàng trăm dự án ách tắc, làm vốn của doanh nghiệp đưa vào dự án nằm yên bất động. Những dự án này nguy hiểm với nhà đầu tư khi lượng tiền đổ vào khá lớn, nhưng không thể triển khai.
Ông Lịch nhấn mạnh: “Nếu thị trường bất động sản ngưng trệ sẽ tác động rất lớn tốc độ phát triển kinh tế. Đặc biệt đối với TPHCM, thị trường bất động sản càng quan trọng, vì nó sẽ thúc đẩy rất nhiều ngành phát triển, trong đó có ngành xây dựng”.
Ông đề xuất, dòng vốn vào bất động sản bị siết càng gây khó khăn cho thị trường này, tuy nhiên nhà nước chỉ nên siết tín dụng vào bất động sản đầu cơ, hỗ trợ tháo gỡ vốn cho nhà ở vừa túi tiền, nhà ở thực, nếu không thì sự ngưng trệ của bất động sản sẽ tác động tiêu cực rất lớn đến tốc độ phát triển kinh tế.
Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), ông Lê Hoàng Châu cho biết, thị trường bất động sản TPHCM đang gặp nhiều khó khăn, nguồn cung hạn hẹp, cung cầu lệch pha và hàng trăm dự án vướng mắc pháp lý chưa được tháo gỡ. Có 3 dòng vốn chính cho doanh nghiệp bất động sản thì 2 dòng đang bị “bóp” là tín dụng và trái phiếu, kênh huy động từ khách hàng cũng đang “tắc” thì làm sao doanh nghiệp bất động sản “thở”? Trái phiếu “rác” nhất trong lĩnh vực BĐS làm ảnh hưởng toàn bộ hoạt động phát hành trái phiếu huy động vốn của doanh nghiệp. Vì vậy, cần chấn chỉnh, phân loại, xếp hạng tín nhiệm các doanh nghiệp để có thể cởi trói cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu lành mạnh.
“Sức khoẻ của thị trường bất động sản phản ánh thực trạng, sức khoẻ của nền kinh tế. Nếu bất động sản yếu, nền kinh tế không thể mạnh. Làm sao để bất động sản như chim én báo hiệu mùa Xuân chứ không phải chim báo bão. Chính phủ cần định hướng dòng vốn tích cực để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững; có sự minh bạch, công bằng… chứ không phải lúc nóng sốt, lúc đóng băng”, ông Châu nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, bất động sản liên quan ít nhất 4 lĩnh vực có đóng góp lớn cho GDP là xây dựng, du lịch, lưu trú ăn uống và tài chính ngân hàng. Chưa kể, bất động sản là lĩnh vực liên quan đến 35 ngành nghề khác nhau, thu hút vốn FDI tới 10% trong những tháng đầu năm 2022.
“Bất động sản là ngành liên thông chặt chẽ giữa ngân hàng - chứng khoán- bảo hiểm. Nếu bất động sản bị ảnh hưởng thì hệ lụy kéo theo hàng loạt. Trong khi đó, nền kinh tế của chúng ta trên góc độ vĩ mô đang phục hồi rất tốt sau đại dịch, nếu để các yếu tố liên quan dòng vốn ảnh hưởng đến bất động sản, chứng khoán thì thực sự không đáng. Vì vậy, cần xem xét để phát triển doanh nghiệp xanh, trái phiếu xanh, bất động sản bền vững…”, ông Lực nói.
Một trong những lo lắng mà chuyên gia này chỉ ra, hiện nay mảng trái phiếu doanh nghiệp là một kênh huy động vốn quan trọng của các doanh nghiệp. “Vấn đề đặt ra hiện nay không phải siết chặt mà là điều tiết thị trường này như thế nào để phát triển lành mạnh hơn”.