Rời khỏi ghế nóng ABBank, ông Vũ Văn Tiền vẫn có tiếng nói lớn ở ngân hàng này. |
Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua chiều 20/11/2017 đã có những quy định, điều khoản nhằm hạn chế vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống TCTD hiện nay.
Theo quy định mới chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT), chủ tịch hội đồng thành viên (HĐTV), tổng giám đốc của một TCTD không được đồng thời là chủ tịch, thành viên HĐQT; chủ tịch, thành viên HĐTV, chủ tịch công ty, tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của bất kỳ một doanh nghiệp khác.
Vì vậy, dư luận đã “đau đầu” hộ nhiều đại gia như ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank và Doji, bà Thái Hương (TH True Milk và BacABank), ông Vũ Văn Tiền (ABBank và Geleximco)… Gần đây, ông Vũ Văn Tiền đã chọn rút khỏi “ghế nóng” ngân hàng để duy trì vị trí của mình tại doanh nghiệp.
Em rể giữ “ghế nóng” ABBank
CTCP Xuất nhập khẩu Tổng hợp Hà Nội (Geleximco) là một trong những doanh nghiệp gắn liền tên tuổi với ông Vũ Văn Tiền. Trước khi bước vào ABBank, vị đại gia này đã được biết đến với tên gọi “Tiền Geleximco”. Vì vậy, khi Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung có hiệu lực, ông Tiền đã chọn Geleximco.
Ông Tiền không chọn ngân hàng nhưng người ngồi thay “ghế nóng” của ông Tiền lại khiến cổ đông quan tâm hơn. Đó là ông Đào Mạnh Kháng, Phó Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ trước. Theo lời ông Tiền, ông Kháng đồng hành cùng ông Tiền tại ABBank từ năm 2005, là một trong những người hiểu sâu sắc nhất về quá trình hoạt động của ngân hàng.
Nhưng điều cổ đông quan tâm nhất chính là việc ông Kháng là em rể của ông Tiền. Với mối quan hệ tình thân này, ông Tiền hoàn toàn có khả năng “trấn giữ” ABBank trong khi vẫn duy trì quyền lực của mình tại Geleximco nói riêng và nhiều doanh nghiệp khác nói chung.
Vũ gia là cổ đông lớn của ABBank. |
Sở hữu chéo loạt công ty
Khi rời “ghế nóng” ABBank, ông Tiền đã có em rể “trấn giữ” ngân hàng. Nhưng quyền lực của ông Tiền không chỉ nằm ở đây. Ngoài việc giao “ghế nóng” cho người thân, ông Tiền còn có mối quan hệ sở hữu chéo tại nhiều công ty liên quan.
Cụ thể, Geleximco, công ty do ông Tiền đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đang sở hữu 12,99% vốn ABBank. Geleximco là cổ đông lớn thứ 2 tại ngân hàng này, chỉ sau Malayan Banking Berhad (Maybank).
Bản thân ông Tiền trực tiếp nắm giữ gần 2 triệu cổ phiếu ABB. Với thị giá cổ phiếu ABB trên thị trường OTC ở thời điểm hiện tại, khối tài sản này tương đương 32 tỷ đồng. Ông Kháng “giàu” hơn ông Tiền khi sở hữu 4,3 triệu cổ phiếu ABB (tương đương 69 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, ABBank nắm giữ 5,2% vốn Công ty CP Chứng khoán An Bình. Chứng khoán An Bình là nơi ông Đào Mạnh Kháng giữ chức vụ Trưởng Ban Kiểm soát. Hơn nữa, ông Kháng còn sở hữu hơn 2,5 triệu cổ phiếu ABS, tương ứng 6,34% vốn công ty. Bà Vũ Thị Thu Hương, vợ ông Kháng cũng là cổ đông tại ABS khi có hơn 1,4 triệu cổ phiếu ABS.
Các thành viên khác trong gia đình họ Vũ như em gái, em trai, em dâu của ông Tiền cũng sở hữu hàng chục triệu cổ phiếu ABB. Trong đó, dù không nắm giữ bất cứ chức vụ nào nhưng ông Vũ Văn Hậu lại “giàu” nhất gia đình khi nắm giữ hơn 10 triệu cổ phiếu ABB (160 tỷ đồng).
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng có “liên quan” tới ABBank nhờ mối quan hệ với ông Vũ Văn Tiền. Hiện tại, ngoài ABBank, Geleximco, ông Tiền còn là lãnh đạo nhiều đơn vị khác. Cụ thể, ông Tiền là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán An Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xi Măng Thăng Long, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giấy An Hòa.
Bảo Linh