Đầu năm nay, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) lên kế hoạch niêm yết trong quý 3 hoặc quý 4/2018. Tuy nhiên, khi quý 3 đã kết thúc, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa thấy sự xuất hiện của tân binh OCB. Vì vậy, nhiều khả năng, OCB có thể chào sàn trong 2 tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, OCB cũng đang nỗ lực tìm dòng vốn ngoại. Tờ Deal Street Asia cho biết Công ty Tài chính quốc tế (IFC) đang xem xét cấp khoản vay lên đến 100 triệu USD cho OCB. Gói tài chính nhằm giúp ngân hàng này mở rộng các hoạt động cấp vốn dài hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trước thời điểm quan trọng này, OCB liên tục công bố những báo cáo tài chính với các chỉ tiêu tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, “tác dụng phụ” của chúng lại không hề nhỏ. Đó là nợ xấu tăng chóng mặt.
Nợ xấu tại OCB đang tăng rất mạnh. |
Lợi nhuận tăng vọt trước thềm niêm yết
OCB đã khiến cổ đông nức lòng khi có một quý thành công rực rỡ. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của OCB đạt 1.041 tỷ đồng, tăng 645 tỷ đồng, tương ứng 163% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sang tới quý 3, OCB có thêm bước tiến mới. OCB vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018. Theo đó, lợi nhuận sau thuế quý 3/2018 đạt 434 tỷ đồng, tăng 197 tỷ đồng, tương ứng 83% so với quý 3/2017, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 1.477 tỷ đồng, tăng 844 tỷ đồng, tương ứng 133% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tất cả các hoạt động của OCB đều có nhiều cải thiện, trong đó đáng kể nhất là hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và hoạt động cho vay.
Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư mang về cho OCB khoản lãi 167 tỷ đồng trong quý 3. Cùng kỳ năm ngoái, con số này chỉ là 34 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng, OCB lãi 805 tỷ đồng, tăng mạnh so với 69 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2017.
Hoạt động cho vay mới thực sự khiến OCB “tỏa sáng”. Hoạt động này có nhiều bứt phá khiến chỉ tiêu thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự trong quý 3/2018 tăng 447 tỷ đồng, tương ứng 30,4% lên 1.919 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 5.516 tỷ đồng, mức cao kỷ lục của ngân hàng này.
OCB chuẩn bị chào sàn. (Ảnh minh họa). |
Nợ xấu tăng chóng mặt
Nhà đầu tư có thể nức lòng trước các chỉ tiêu tăng trưởng mạnh của OCB nhưng niềm vui chắc hẳn không còn trọn vẹn khi nợ xấu tại OCB tăng quá mạnh. Tại thời điểm 30/9/2018, nợ xấu tại ngân hàng này đạt 1.429 tỷ đồng, tăng 565 tỷ đồng, tương đương 65,4% so với số liệu đầu kỳ.
Trong khi đó, chỉ tiêu cho vay khách hàng chỉ đạt 53.716 tỷ đồng, tăng 5.533 tỷ đồng, tương ứng 11,5% so với số đầu kỳ. Có thể thấy, nợ xấu có tốc độ tăng nhanh gấp 6 lần tín dụng.
Nợ xấu chiếm 2,66% tổng dư nợ tín dụng. Trong khi đó, hồi cuối quý và đầu năm nay, tỷ lệ này lần lượt chỉ 2,06% và 1,79%. Có thể thấy, nợ xấu tại OCB đang tăng rất mạnh cả về số tuyệt đối lẫn tỷ lệ.
Trong đó, đáng chú ý, chỉ tiêu nợ dưới tiêu chuẩn và nợ nghi ngờ đang tăng rất mạnh, từ 162 tỷ đồng lên 464 tỷ đồng, và từ 130 tỷ đồng lên 418 tỷ đồng. Đây là những mối nguy lớn cho tương lai của OCB.
Trong thời gian gần đây, OCB phải mạnh tay cho trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Trong quý 3, số tiền mà OCB phải “treo” cho dự phòng là 133 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lên tới 548 tỷ đồng, tăng 328 tỷ đồng, tương ứng 149% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy, các chỉ tiêu kinh doanh chính đang “đẹp” lên trông thấy sẽ giúp cổ phiếu OCB trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư khi OCB chào sàn trong thời gian sắp tới. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi ở thời điểm này, cổ phiếu OCB chỉ dao động từ 14.000 -16.000 đồng/cổ phiếu trên thị trường tự do. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu quá cao cũng là một vấn đề nhà đầu tư nên lưu ý khi rót vốn vào OCB.
Bảo Linh