Theo VARS, cần đưa ra các biện pháp để “đánh thức" loại hình này, tận dụng tài nguyên đất đai, cải thiện nguồn cung nhà ở và nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Trong bản tin mới đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, hiện tượng nhà tái định cư bỏ hoang không còn hiếm gặp, riêng Hà Nội và TP HCM có ít nhất 13.000 căn. Nhiều khu tái định cư ở các thành phố lớn có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, thậm chí có những tòa nhà không có người ở. Các tòa nhà đều được xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nhưng lại bị bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng, các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.
tại TP HCM, thống kê của Sở Xây dựng cho thấy có gần 9.000 căn hộ tái định cư bỏ trống. Trong đó, riêng khu tái định cư Bình Khánh (TP Thủ Đức) có hơn 5.300 căn không có người ở, dự án Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 2.000 căn bỏ hoang.
Còn ở Hà Nội, thành phố cho biết có 174 khu nhà tái định cư đang được sử dụng với tổng số hơn 14.200 căn hộ. Số căn tái định cư bỏ hoang khoảng 4.000. Nhiều dự án có người dân về ở, nhưng diện tích kinh doanh dịch vụ cũng bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê hoặc sử dụng.
Vì sao hàng nghìn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang?
Nhà tái định cư là loại hình do Nhà nước cấp để bồi thường khi thu hồi đất của người dân, giúp họ có chỗ ở ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, tình trạng hàng nghìn căn không có người ở tại Hà Nội, TP HCM - nơi có nhu cầu nhà ở rất bức thiết, nguồn cung liên tục thiếu hụt, tạo ra nghịch lý rất lãng phí.
Nguyên nhân được nhiều chuyên gia chỉ ra là cơ chế bồi thường tái định cư bất cập trong nhiều năm, quy hoạch chưa bám sát nhu cầu người dân và chất lượng xây dựng nhanh xuống cấp.
Kẽ hở trong cơ chế bồi thường, hỗ trợ tái định cư dẫn đến tình trạng nhà xây xong không có người về ở. Theo Luật Nhà ở 2013, người dân bị Nhà nước thu hồi đất ở sẽ được nhận bồi thường bằng đất ở, nhà xây sẵn hoặc tiền.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), cho biết phần lớn người bị thu hồi đất sẽ lấy tiền bồi thường, thay vì chọn nhận nhà. Bởi, tại nhiều địa phương, người dân phải đóng thêm một khoản tiền đầu tư hạ tầng, lên đến vài trăm triệu đồng, để được hoán đổi nhà.
Còn theo góc nhìn của KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam nhận định, phần lớn tòa tái định cư ở vị trí xa, thiếu gắn kết với nơi đã giải phóng mặt bằng, như 5 tòa phục vụ giãn dân phố cổ.
Bên cạnh đó, chất lượng xây dựng kém, thiếu tiện ích cơ bản cũng khiến nhiều người dân thờ ơ với nhà tái định cư.
Nghiên cứu biện pháp đưa nhà tái định cư vào sử dụng
VARS cho rằng việc hàng chục nghìn căn hộ bỏ hoang trong khi nhiều người dân vẫn không có nhà ở là hiện tượng bất hợp lý. Từ năm 2018 đến nay, nguồn cung nhà ở, nhất là phân khúc căn hộ sụt giảm nghiêm trọng. Theo đơn vị này, số lượng dự án được phê duyệt ngày càng khan hiếm trong khi các dự án đang triển khai cũng chật vật bởi vướng mắc về pháp lý và nguồn vốn.
Vì vậy, tình trạng bỏ hoang nhà tái định cư cần được quan tâm, giải quyết kịp thời để đánh thức loại hình nhà ở này góp phần cải thiện nguồn cung, khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai.
Theo VARS, cần phải có phương án quy hoạch hợp lý vị trí xây dựng, giám sát chặt chẽ quá trình xây dựng để đảm bảo chất lượng và an toàn. Đồng thời, cần cải thiện chính sách đền bù, khuyến khích người dân tham gia vào quá trình quy hoạch và phát triển các dự án tái định cư để đảm bảo các dự án tái định cư được phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế và đạt được sự đồng thuận trong cộng đồng.
Cùng với đó, thúc đẩy thời gian có hiệu lực của Luật Đất đai mới với các quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đảm bảo quyền lợi của người bị thu hồi đất.
Đối với các dự án căn hộ tái định cư đang triển khai, cần rà soát, đẩy nhanh tiến độ các dự án chậm triển khai. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu mức giá bán và các biện pháp cho thuê nhà tái định cư, ghép nhà tái định cư với nhà ở xã hội, và cải thiện công tác quản lý, bảo trì tại các khu tái định cư.
Ngoài ra, cần áp dụng các chính sách khuyến khích và hỗ trợ tài chính cho người dân khi cho thuê nhà tái định cư, chẳng hạn như miễn giảm thuế, hỗ trợ vay vốn với lãi suất ưu đãi, và các khoản trợ cấp khác.
Việc thực hiện các giải pháp đồng bộ và linh hoạt sẽ giúp nâng cao chất lượng sống cho người dân, tận dụng hiệu quả tài nguyên và góp phần vào sự phát triển bền vững của đô thị.