Theo đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), so với tuần trước, số lượng nhà máy được phê duyệt giá tạm tính tăng thêm 2 dự án gồm: Nhà máy Điện gió số 2 - Sóc Trăng và Nhà máy Điện gió HBRE Hà Tĩnh.
Số lượng dự án đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện vẫn là 80/85 dự án, với tổng công suất 4.497,86MW.
Đáng chú ý, có 67 dự án đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương. Về phía EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 62/67 dự án.
Ngoài ra, có 20 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 1.171,72MW đã hoàn thành thủ tục COD, phát điện thương mại lên lưới; 23 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy hoặc một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Tuy vậy, tính đến thời điểm trên vẫn còn 5 dự án với tổng công suất 236,70MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Để nhanh chóng đưa các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành, tránh lãng phí tài nguyên và kinh phí đầu tư của chính các nhà đầu tư, đồng thời bổ sung nguồn điện sạch cho hệ thống điện Quốc gia, theo đại diện EVN cần sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp trên tinh thần thượng tôn pháp luật.
Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống 8 tháng vừa qua đạt 186,3 tỷ kWh, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, huy động thủy điện đạt 48,45 tỷ kWh, chiếm 26%. Nhiệt điện than là 88,08 tỷ kWh, chiếm 47,3%. Tua bin khí là 19,26 tỷ kWh, chiếm 10,3%. Nhiệt điện dầu là 1,23 tỷ kWh, chiếm 0,7%. Năng lượng tái tạo là 26,35 tỷ kWh, chiếm 14,1% (trong đó điện Mặt Trời đạt 18,33 tỷ kWh, điện gió đạt 7,38 tỷ kWh) và điện nhập khẩu là 2,62 tỷ kWh, chiếm 1,4%.