Tại Hội thảo “Cơ hội đầu tư bất động sản vùng lân cận TP.HCM năm 2020” do Tạp chí đầu tư bất động sản CafeLand tổ chức, TS. Sử Ngọc Khương cho biết: Từ những năm 1990, quy hoạch tại TP.HCM đã phát triển theo hướng từ phía nam rồi lan sang phía đông với các Q.2, Q.9 và Thủ Đức, tiếp đến là khu vực phía bắc như Gò Vấp.
TS. Sử Ngọc Khương nhận định, bất động sản vùng ven vẫn có cơ hội cho người ít vốn |
Quỹ đất tại TP.HCM không phải là đã cạn kiệt nếu nhìn về hướng huyện Bình Chánh, Củ Chi và Hóc Môn. Tuy nhiên, khu vực này hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chưa phát triển nhưng giá đất đã tăng khá cao, vượt quá tầm với của phần lớn người dân.
Thị trường vùng ven có quỹ đất rộng và giá cả thấp hơn nhưng sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư và người mua có nhu cầu ở. Bình Dương, Long An, Đồng Nai là các địa phương nổi bật.
Với những nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính không lớn thì việc mua bất động sản có diện tích nhỏ tại khu vực vùng ven TP.HCM là hướng đầu tư khôn ngoan. Thứ nhất, bất động sản có diện tích nhỏ nằm trong khả năng nguồn vốn nhỏ. Thứ hai, loại hình bất động sản này có tính thanh khoản rất cao do nhu cầu lớn. Thứ ba, tại những khu vực này giá trị của bất động sản được duy trì nhờ các nguồn thu như cho thuê làm nhà xưởng hay xây phòng trọ cho công nhân thuê lại.
Nhiều người có số vốn vài trăm triệu đồng đã chọn mua đất tại các thị trường vùng ven. Sau 3 - 5 năm, họ bán lại và có thể thu về khoản tiền lên đến vài tỷ đồng. Đối với nhà đầu tư tổ chức có tầm nhìn rất dài hạn, họ hình dung được tiến trình đô thị hóa. Do đó, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đã sở hữu quỹ đất lên đến hàng trăm ha tại các thị trường vùng ven. Quỹ đất này họ đã tích lũy cách đây từ 10-20 năm trước.
TS. Sử Ngọc Khương lưu ý, mặc dù hạ tầng đang được xem là đòn bẩy để tăng giá trị bất động sản song nhà đầu tư cần phải cẩn trọng để không gặp rủi ro. Bởi giá trị bất động sản tăng giá ngoài nhờ hạ tầng kỹ thuật còn phải có sự phát triển của hạ tầng xã hội như: trường học, bệnh viện, hạ tầng kinh tế… để thu hút người dân về sinh sống.
Nếu chỉ ăn theo hạ tầng, nhất là các dự án hạ tầng lớn thì sẽ rất rủi ro, bởi đây là các dự án phải triển khai trong nhiều năm, cần tầm nhìn dài hạn. Những bài học ở các “đô thị ma” lân cận TP.HCM vẫn còn đến hiện nay là minh chứng.
“Tóm lại, đầu tư bất động sản tại các vùng ven là một hướng đi triển vọng cho những người đầu tư có nguồn vốn ít trong thị trường hiện nay. Tuy nhiên, trước khi xuống tiền nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ quy hoạch, hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông để có cái nhìn toàn diện nhất”, TS. Sử Ngọc Khương nhận định.
Các chuyên gia kinh tế, tài chính và đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đều nhận định: Đồng Nai, Bình Dương hay Long An đang là những thị trường quyết định nguồn cung lớn trong năm 2020. Trong đó, sản phẩm nhà phố sẽ được ưu chuộng, nhất là các dự án có chủ đầu tư uy tín và pháp lý rõ ràng. |
Trả lời cho câu hỏi: Vì sao giá bất động sản hiện nay tăng mạnh như vậy? Bao giờ nguồn cung của TP.HCM sẽ quay trở lại. Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam cho biết: Dữ liệu hiện nay cho thấy thị trường sụt giảm nguồn cung so với năm 2018 vì rà soát thủ tục đất đai, tuy nhiên điều này diễn ra trên toàn quốc chứ không chỉ ở TP.HCM.
Không chỉ ở TP.HCM mà vùng TP.HCM cũng bị sụt giảm nguồn cung. Tuy nhiên, hiện nay ở TP.HCM nguồn cung đang có dấu hiệu tăng trở lại khi thủ tục cần thiết đang có tín hiệu rất lạc quan. Chẳng hạn như việc công bố danh sách dự án được chấp thuận chủ trương và đưa ra thị trường vừa qua đã cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cơ quan quản lý nhà nước.
Tuy nhiên rất khó để đưa ra thời điểm cụ thể mà thị trường hồi phục về nguồn cung. Nhưng nhìn trong cả vùng TP.HCM hiện nay như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu đang bổ trợ nguồn cung rất lớn cho thị trường bất động sản TP.HCM.
Như Nguyễn