Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khung xe mô tô, xe gắn máy

(CL&CS) - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 20/2024/TT-BGTVT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khung xe mô tô, xe gắn máy.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05 tháng 12 năm 2024. Thông tư này bãi bỏ khoản 4 Điều 1 Thông tư số 36/2010/TT-BGTVT ngày 01/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành 04 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về phụ tùng xe mô tô, xe gắn máy.

Về điều khoản chuyển tiếp, đối với hồ sơ thử nghiệm được đăng ký trước ngày Thông tư này có hiệu lực thì tiếp tục thử nghiệm và chứng nhận chất lượng theo QCVN 30:2010/BGTVT. Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, các khung xe mô tô, xe gắn máy đã được thử nghiệm hoặc chứng nhận phù hợp theo quy chuẩn QCVN 30:2010/BGTVT thì không phải thử nghiệm lại.

Quy định chung tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khung xe mô tô, xe gắn máy ban hành kèm theo Thông tư 20/2024/TT-BGTVT nêu rõ: Kết cấu và thông số kỹ thuật của khung phù hợp tài liệu kỹ thuật của cơ sở đăng ký thử nghiệm cung cấp. Sai số khối lượng khung theo đăng ký của cơ sở đăng ký thử nghiệm nhưng không vượt quá ± 10%;

 Ảnh minh hoạ.

Sai số kích thước chiều dày các chi tiết chính của khung (ống cổ, thân chính, thân khung) theo đăng ký của cơ sở đăng ký thử nghiệm nhưng không vượt quá ± 10%. Sai số kích thước bao của mặt cắt ngang các chi tiết chính của khung (ống cổ, thân chính, thân khung) và các kích thước chiều dài khác theo đăng ký của cơ sở đăng ký thử nghiệm nhưng không vượt quá ± 5%; Khung không được có vết nứt, gãy; Mối hàn trên khung (đối với khung có kết cấu hàn) không được bong, nứt.

Các mối ghép trên khung như mối ghép đinh tán, mối ghép bu lông, các loại mối ghép khác (nếu có) phải chắc chắn. Khung có khả năng chống han gỉ bằng cách sử dụng vật liệu chế tạo hoặc lớp phủ bảo vệ. Lớp phủ bảo vệ (nếu có) không được bong tróc, phồng rộp.

Khung phải được đóng mã nhận dạng khung trên chi tiết cố định của khung hoặc trên tấm kim loại gắn cố định trên khung và phải là duy nhất. Mã nhận dạng khung có thể trùng mã nhận dạng phương tiện (VIN). Trường hợp mã nhận dạng khung không trùng với mã VIN, mã nhận dạng khung phải bao gồm các ký tự để nhận biết được nhà sản xuất khung, dây chuyền sản xuất, kiểu dáng, năm sản xuất và số thứ tự sản xuất (trừ trường hợp khung nhập khẩu để thay thế, bảo hành).

TIN LIÊN QUAN