Just-in-time (JIT) là một phương pháp quản lý sản xuất và cung ứng hàng hóa dựa trên việc sản xuất đúng sản phẩm, đúng số lượng và đúng thời điểm cần thiết. Just in time hướng tới mục tiêu là giảm thiểu lãng phí, tối ưu hóa tồn kho và tăng cường hiệu suất.
Theo các chuyên gia năng suất, để giảm thiểu rủi ro gây ra bởi khủng hoảng, một số khuyến nghị được đưa ra bao gồm: Thực hành thử nghiệm tính ổn định đối với rủi ro; Chia sẻ bài học và năng lực tốt nhất (nếu phù hợp), đặc biệt là trong các ngành công nghiệp và chính phủ; Đầu tư vào nguồn lực phục vụ cho việc đào tạo và tài trợ cho khả năng thích ứng của doanh nghiệp.
Hệ thống JIT giúp tối ưu hóa hoạt động sản xuất, tránh lãng phí
Đối với doanh nghiệp đang hoạt động theo mô hình JIT, điều quan trọng nhất có lẽ là việc tiến hành phân tích chi phí-lợi ích chú tâm vào nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra bởi nhiều sự kiện, từ những nguyên nhân chủ quan hay khách quan như do khủng hoảng toàn cầu hoặc nhà cung cấp vật liệu đầu vào chính bị đóng cửa.
Áp dụng thành công mô hình JIT, đảm bảo về mặt thời gian, đạt tiêu chuẩn, tăng chất lượng sản phẩm
Ý tưởng cơ bản của mô hình JIT là sản xuất các hàng hóa đúng sản phẩm, đúng lượng và đúng thời điểm cần thiết, từ đó giảm thiểu sự lãng phí và tăng hiệu suất sản xuất. Thay vì sản xuất hàng loạt lớn và lưu trữ hàng tồn kho lâu dài, JIT tập trung vào việc sản xuất các đơn hàng nhỏ và phân phối chúng ngay khi khách hàng yêu cầu.
JIT là hệ thống sản xuất, trong đó các luồng nguyên vật liệu, hàng hóa và sản phẩm truyền vận trong quá trình sản xuất và phân phối được lập kế hoạch chi tiết từng bước sao cho quy trình tiếp theo có thể thực hiện ngay khi quy trình hiện thời chấm dứt.
Qua đó, không có hạng mục nào rơi vào tình trạng để không, chờ xử lý, không có nhân công hay thiết bị nào phải đợi để có đầu vào vận hành. Trong sản xuất hay dịch vụ, mỗi công đoạn của quy trình sản xuất ra một số lượng đúng bằng số lượng mà công đoạn sản xuất tiếp theo cần tới. Các quy trình không tạo ra giá trị gia tăng phải bỏ. Điều này cũng đúng với giai đoạn cuối cùng của quy trình sản xuất, tức là hệ thống chỉ sản xuất ra cái mà khách hàng muốn.
Những lợi ích mà JIT mang lại cho nhà sản xuất là rất lớn như: Giảm tối đa hiện tượng tồn kho, ứ đọng vốn; giảm diện tích kho bãi; tăng chất lượng sản phẩm; giảm phế liệu, sản phẩm lỗi; tăng năng suất nhờ giảm thời gian chờ đợi; linh hoạt trong thay đổi qui trình sản xuất, thay đổi mẫu mã sản phẩm. Bên cạnh đó, công nhân được tham gia sâu trong việc cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; giảm lao động gián tiếp; giảm áp lực của khách hàng.
Mô hình JIT có những đặc trưng quan trọng như: Áp dụng những lô hàng nhỏ với quy mô sản xuất gần như nhau, tiếp nhận vật tư trong suốt quá trình sản xuất tốt hơn là sản xuất những lô hàng lớn rồi để tồn kho, ứ đọng vốn. Nó cũng giúp dễ kiểm tra chất lượng, giảm thiệt hại khi có sai sót.
Luồng "hàng hóa” lưu hành trong quá trình sản xuất và phân phối được lập chi tiết cho từng bước sao cho công đoạn tiếp theo thực hiện được ngay sau khi công đoạn trước hoàn thành. Không có nhân công hay thiết bị nào phải đợi sản phẩm đầu vào. Mỗi công đoạn chỉ làm một số lượng sản phẩm/bán thành phẩm đúng bằng số lượng mà công đoạn sản xuất tiếp theo cần tới. Người công nhân ở quy trình tiếp theo chính là khách hàng của quy trình trước đó.
Doanh nghiệp điển hình đang áp dụng thành công JIT là Công ty Cổ phần Pin Ắc quy miền Nam (PINACO). Sau thời gian áp dụng mô hình JIT, doanh nghiệp đã có nhiều chuyển biến rõ rệt khi giải quyết được vấn đề về đơn hàng tồn đọng, quá trình phân phối đơn hàng trong và ngoài nước được kịp thời, thông suốt hơn.
Ngoài ra, phương pháp sản xuất JIT còn giải quyết một vấn đề lớn cho doanh nghiệp PINACO chính là kích cỡ của lô hàng sản xuất và chi phí vận chuyển. JIT đã giúp PINACO có kế hoạch cân đối tương đối giữa nhà cung cấp nguyên vật liệu một cách hiệu quả, tiết kiệm nhất. Đơn hàng vận chuyển sang nước ngoài được đảm bảo về mặt thời gian và đạt tiêu chuẩn, tạo niềm tin với các đối tác…
Hay điển hình khác là Toyota, đây là một trong những công ty tiên phong và thành công trong việc áp dụng mô hình Just In Time (JIT). Công ty đã áp dụng JIT một cách hiệu quả từ năm 1970 và tiếp tục là một trong những ví dụ thành công về sự áp dụng hệ thống JIT. Chiến lược sản xuất của Toyota, còn được gọi là “sản xuất Toyota”, không dự trữ nguyên liệu thô trừ khi có đơn đặt hàng từ khách hàng và sản phẩm đã sẵn sàng để chế tạo.
Trong quá trình sản xuất, các bộ phận thành phần chỉ được sử dụng khi có yêu cầu và chỉ đáp ứng tại các trạm sản xuất cụ thể. Điều này giữ cho lượng hàng tồn kho ở mức tối thiểu, giúp giảm thiểu chi phí. Đồng thời, phương pháp này cũng cho phép Toyota thích ứng nhanh chóng với nhu cầu của khách hàng, giảm thiểu rủi ro từ việc tích tụ quá nhiều hàng tồn kho. Các yếu tố quan trọng trong thành công của Toyota bao gồm: Dự trữ một lượng nhỏ nguyên liệu thô tại mỗi trạm sản xuất, đảm bảo luôn có đủ kho dự trữ để bắt đầu sản xuất bất kỳ sản phẩm nào; Dự báo nguyên liệu chính xác.