Áp dụng khoa học kỹ thuật để nuôi chim công năng suất cao, cho lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm

(CL&CS) - Kỹ thuật nuôi chim công không hề đơn giản như các loài chim khác bởi đây là giống chim hiếm, nguồn cung cấp giống tương đối khó đòi hỏi người nuôi phải thật sự quyết tâm mới có thể thành công được. Việc biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật để nuôi chim công giúp mang lại lợi nhuận, nâng cao đời sống cho người dân.

Có thể khẳng định rằng chim công chính là loài có bộ lông đẹp nhất trong tất cả các loài chim ở Việt Nam và được xếp vào danh sách đỏ. Đây cũng là loài chim được xếp là 1 trong 10 loài chim đẹp nhất hành tinh nên nhu cầu chơi, nuôi loài này làm cảnh trong 1 số hộ gia đình có điều kiện kinh tế, các khu villa, nhà vườn, khu du lịch sinh thái ngày càng tăng. Nhưng làm sao để có kỹ thuật nuôi chim công chuẩn nhất lại không phải đơn giản.

Trang trại nuôi chim công của anh Trần Văn Toản ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ

Những năm gần đây nhu cầu mua chim công phục vụ làm chim cảnh lớn và giá bán chim công cũng ở mức khá cao tại Đồng bằng Sông Cửu Long. Theo đó, nông dân Trần Văn Toản ở khu vực Bình Yên B, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ mạnh dạn đầu tư trang trại nuôi chim công rộng gần 400m2.

Mỗi năm anh Toản xuất bán từ 100 cho tới 150 con chim công các loại, giúp mang về lợi nhuận từ 250 đến 300 triệu đồng

Hiện trang trại chim công nhà anh có tổng đàn hơn 100 con, trong đó có 18 con công bố mẹ đang cho sinh sản. Chai sẻ với báo Nông Nghiệp về loài chim này, anh Toản cho hay, gia đình anh chủ yếu nuôi 2 loại công gồm chim công má vàng Việt Nam và chim công Silver có xuất xứ Thái Lan.

Mặc dù giống chim này dễ nuôi và giá bán khá đắt đỏ nhưng ít người biết đến. Thời gian qua, giá chim công con (từ 1,5 tháng tuổi trở lên) được anh Toản bán ra cho thị trường ở mức từ 8 đến 8,5 triệu đồng/cặp đối với công má vàng, còn công Silver có giá từ 17 đến 20 triệu đồng/cặp. Riêng chim công má vàng bố mẹ có giá lên đến 55 tới 60 triệu đồng/cặp và khoảng 75 đến 95 triệu đồng/cặp đối với công Silver.

Với giá bán chim công cao như vậy nên trước khi xuất chuồng lứa chim mới cho khách hàng, anh Toản luôn có đủ các giấy tờ theo quy định của ngành chức năng.  Sau nhiều năm chăm chỉ chăn nuôi, mỗi năm anh Toản xuất bán từ 100 cho tới 150 con chim công các loại, giúp mang về lợi nhuận từ 250 đến 300 triệu đồng.

Nói về cái duyên làm giàu với nghề nuôi chim công, anh Toản cho hay, công việc nuôi chim công bắt đầu từ năm 2015, lúc đầu chỉ nuôi với số lượng nhỏ có vài con. Sau thời gian nuôi, chim công đã đẻ trứng, mỗi con chim công đẻ được số lượng trứng lên đến 10 tới 15 quả với tỉ lệ ấp nở khá cao, do vậy anh đã mua thêm công bố mẹ về để phát triển mô hình bền vững hơn nữa.

Vừa làm vừa đúc rút kinh nghiệm đến anh chắc tay trong việc tái đàn và đầu tư mở rộng trang trại. Muốn phát triển bền vững những gì vốn có trang trại, anh Toản để trứng chim công sau khi đẻ được anh đưa vào máy ấp, tỉ lệ nở con đạt lên tới 90%, đàn công từ đó cũng tăng nhanh về số lượng và chỉ trong vài năm nuôi đã có một số lượng lớn công được bán ra thị trường.

Kỹ thuật nuôi chim công khó ở chỗ tìm giống bởi đây là loài chim hiếm, nguồn giống tương đối khó nhập. Còn việc chăm sóc chim công cũng giống như chúng ta nuôi gà bởi chúng là loài ăn tạp. Thức ăn chủ yếu là lúa, bắp kết hợp với cám tổng hợp.

Chim non sau khi lấy từ lò ấp ra được nuôi trong lồng nhỏ, sử dụng lồng bằng lưới thép để nuôi chim. Tùy vào số lượng chim giống mà ta chuẩn bị máng ăn, bình nước uống và hệ thống bóng đèn sưởi ấp cho chim. Khi chim Công mới nở ra có khả năng tự ăn như gà con ,thức ăn sử dụng 100% cám tổng hợp dùng cho gà. Sau 30 ngày tuổi có thể cho ăn kết hợp thêm với ngô, thóc nghiền theo tỉ lệ cám tổng hợp 70 %, thực phẩm bổ sung 30 %.

Còn khi chúng đã lớn, tỉ lệ cám tổng hợp sẽ điều chỉnh theo xu hướng giảm dần. Đến khi chim đạt từ 6 – 8 tháng tuổi có thể nuôi ngoài chuồng lớn với nền chuồng bằng cát. Lúc này tỉ lệ cám tổng hợp bổ xung chỉ còn khoảng 50 % là hợp lý. Không nên cho ăn quá nhiều cám tổng hợp chim sẽ mất dần sức đề kháng tự nhiên, đồng thời giảm sắc tố bóng đẹp của màu lông và ảnh hưởng đến tỉ lệ đẻ sau này. Chú ý tuyệt đối khi nuôi chim công cần phải cho uống nước sạch, cũng có thể sử dụng nước đun sôi để nguội trong giai đoạn chim con.

Ngoài thức ăn sạch, việc xây dựng chuồng trại nuôi công đơn giản, ít tốn chi phí, chỉ cần đảm bảo được tiêu chuẩn sạch, thoáng và khô ráo để các cá thể công luôn khỏe mạnh, ít bệnh tật. Chuồng được rào bằng lưới B40, lợp nóc chuồng bằng mái lá để che mưa, nắng. Tùy vào số lượng chim công nuôi dưỡng, độ rộng hẹp của chuồng có thể khác nhau, một chuồng có thể nuôi từ 4 đến 6 cá thể chim công trưởng thành, hoặc 10 đến 15 cá thể từ 6 đến 12 tháng tuổi.

Nhờ những nỗ lực làm giàu tại quê hương, hiện trang trại nuôi công của anh Toản được nhiều người đánh giá là lớn nhất tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, với nhiều con chim công đẹp và có giá trị cao. 

Không chỉ chăn nuôi, anh Toản còn tích cực hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ các kinh nghiệm trong chăn nuôi chim công để giúp bà con nuôi tốt loại chim này, cũng như có thể cho chim công sinh sản thành công. Ngoài ra, anh nông dân này cũng bao tiêu, thu mua lại sản phẩm cho những bà con có nhu cầu trao đổi mua bán chim công.

TIN LIÊN QUAN