Áp dụng Kaizen-5S tích hợp ISO 45001:2018: Cải thiện an toàn lao động, sức khỏe lĩnh vực cơ khí

(CL&CS) - Lĩnh vực cơ khí luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro về an toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp. Việc áp dụng mô hình tích hợp công cụ 5S vào Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp theo ISO 45001:2018 vào mọi hoạt động trong các công ty thuộc lĩnh vực cơ khí để hạn chế rủi ro trong lao động là rất cần thiết…

Các rủi ro tai nạn thường xảy ra tại doanh nghiệp

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB & XH), năm 2022, toàn quốc xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), tăng 18.66% so với năm 2021, khiến 7.923 người bị nạn, tăng 18,99% so với năm 2021. Trong đó, những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất là TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai.

Các yếu tố chấn thương chủ yếu làm chết người nhiều là: Ngã từ trên cao, rơi chiếm 21,9% tổng số vụ và 21,51% tổng số người chết; Đổ sập chiếm 11,02% tổng số vụ và 11,71% tổng số người chết; Điện giật chiếm 10,23% tổng số vụ và 9,9% tổng số người chết; Vật văng bắn, va đập chiếm 9,05% tổng số vụ và 8,7% tổng số người chết…

Nhìn vào số vụ tai nạn lao động trên, đặc biệt là lĩnh vực cơ khí người lao động luôn phải tiếp xúc trực tiếp với máy móc rất dễ xảy ra rủi ro về an toàn sức khỏe nghề nghiệp (ATSKNN), nhận thức được việc cần phải đảm bảo ATSKNN nhằm hạn chế tối đa thương tổn, tai nạn cho người lao động, tránh gây mất mát và thiệt hại về người và của trong quá trình sản xuất… Công ty Thang máy Thiên Nam – Chi nhánh Nhà máy Long An đã tiên phong tham gia Chương trình Quốc gia “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030”.

Thiên Nam là đơn vị sản xuất thang máy, thang cuốn từ vật tư thép tấm, thép hình, phụ kiện cơ khí và cấu kiện điện tử, trải qua các công đoạn gia công cơ khí, gồm công đoạn như: ép, uốn, cắt, khoan, mài, chà nhám, sơn,… lắp ráp thành sản phẩm thang máy. Toàn bộ nhà máy chia làm 5 khu vực xưởng thực hiện các công đoạn sản xuất.

Nhà máy như một đại công trường gồm khu vực để vật tư là các tấm thép hoặc cây thép góc cạnh & sắt nhọn; các bán thành phẩm tại khu vực sản xuất là các khối sắt thép góc cạnh & sắt nhọn không bao gói, để trên hành lang, lối đi chung; dây cung cấp nguồn điện cho thiết bị cầm tay; nhiều dụng cụ điện cầm tay để trên sàn nhà; dung môi hữu cơ dùng để vệ sinh (cồn IPA, acetone,…) để tại khu vực sản xuất gia công cơ khí;…

Hiện trường sản xuất tại công ty Thiên Nam.

Theo khảo sát của chuyên gia năng suất chất lượng (NSCL), một số mối nguy về ATSKNN tại các nhà xưởng bao gồm: Thiết bị che chắn không đảm bảo an toàn; Người lao động không tuân thủ quy định an toàn như không sử dụng bảo hộ lao động, không tuân thủ hướng dẫn sử dụng an toàn máy móc, thiết bị,…;

Không gian làm việc chưa tốt như thiếu ánh sáng, thiếu thông gió; Dây cung cấp nguồn điện cho thiết bị cầm tay & nhiều dụng cụ điện cầm tay có điện để trên sàn nhà, lối đi, trong khu vực để vật tư, bán thành phẩm; Nhà xưởng sản xuất để bừa bộn, không có sự sắp xếp gọn gàng máy móc, nguyên liệu và bán thành phẩm; Giao thông trong xưởng không thuận tiện; Nhiều mối nguy tiềm ẩn, nếu không tập trung có thể gây tai nạn lao động, ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân viên trong nhà máy và NSCL công việc. Việc sắp xếp các khu vực trong nhà xưởng hiện tại chưa thuận tiện, gọn gàng, gây lãng phí thời gian tìm kiếm, lãng phí thao tác thừa khi di dời các bán thành phẩm…

Áp dụng Kaizen-5S tích hợp vào HTQL

Chuyên gia Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (QUATEST 3) - đơn vị triển khai Chương trình Quốc gia “Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030” đã có buổi trao đổi với lãnh đạo nhà máy để ghi nhận mong muốn mà đơn vị hướng đến.

Lãnh đạo Công ty Thiên Nam mong muốn cải thiện cách quản lý có hệ thống và môi trường làm việc hướng đến an toàn tuyệt đối cho sản xuất và con người, nhà xưởng ngăn nắp gọn gàng hơn, nhằm nâng cao hình ảnh công ty với đối tác, khách hàng, đồng thời nâng cao NSCL và loại bỏ lãng phí trong sản xuất…

Chuyên gia khảo sát và thấy rằng: Nhà máy đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015 và Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015 nhưng chưa áp Hệ thống quản lý ATSKNN. Theo đó, chuyên gia đã tư vấn cho đơn vị áp dụng Hệ thống quản lý an toàn ATSKNN theo ISO 45001:2018 và công cụ cải tiến NSCL (Kaizen) tích hợp vào Hệ thống quản lý hiện hành của công ty theo ISO 9001:2015 & ISO 14001:2015 và được lãnh đạo nhà máy thống nhất áp dụng.

Hệ thống quản lí ATSKNN ISO 45001 đưa ra yêu cầu phải kiểm soát tất cả yếu tố có thể dẫn đến bệnh tật, thương tích và tử vong, bằng cách giảm thiểu mối nguy có thể gây bất lợi đến tinh thần, tình trạng thể chất, nhận thức của người lao động, giúp doanh nghiệp có nơi làm việc an toàn và lành mạnh cho người lao động. Xây dựng và áp dụng HTQL ATSKNN theo ISO 45001:2018, Nhà máy áp dụng tuân thủ thủ tục theo yêu cầu như xác định và giải quyết các rủi ro về ATSKNN, diễn tập các tình huống ứng phó sự cố khẩn cấp về ATSKNN; kiểm định an toàn các thiết bị theo quy định,…

Đồng thời, áp dụng công cụ Kaizen-5S để cải thiện không gian, sắp xếp lại các khu vực làm việc trong nhà xưởng. Do diện tích nhà xưởng lớn, nên việc thực hiện chia làm 2 giai đoạn gồm:

Giai đoạn 1: Chọn 2 xưởng chính để thực hiện, 3 xưởng còn lại tham gia học hỏi và rút kinh nghiệm để tự triển khai giai đoạn 2 sau khi hoàn thành giai đoạn 1. Theo nguyên tắc 5S, các xưởng thực hiện các bước, chụp hình trước – sau khi thực hiện từng S:

- Sàng lọc (S1): Loại bỏ các vật tư, dụng cụ, thiết bị không cần dùng, giữ lại các vật tư và dụng cụ, thiết bị còn dùng. Việc sàng lọc này thực hiện từng khu vực nhỏ, cho đến khi hoàn thành cả xưởng.

- Sắp xếp (S2) vật tư, dụng cụ, thiết bị vào các khu vực, kệ, tủ để dùng hàng ngày theo quy định: + Định danh: Có gắn các bảng nhận dạng khu vực, tủ kệ; + Định lượng: Số lượng tồn tối thiểu – tối đa; + Định vị: kẻ đường phân chia các khu vực, vị trí cố định; + Thường dùng để gần, ít dùng để xa.

- Sạch sẽ (S3): Phân công công tác vệ sinh, duy trì hiện trạng các khu vực làm việc định kỳ.

- Săn sóc (S4): Xây dựng bảng tiêu chí đánh giá và tiến hành kiểm tra đánh giá việc duy trì. Hiện tại, nhà máy đang duy trì tần suất đánh giá hàng tuần.

- Sẵn sàng (S5): Xây dựng chính sách khen thưởng cho hoạt động cải tiến định kỳ và áp dụng. Hiện tại, việc đánh giá tổng kết thi đua khen thưởng đang quy định hàng quý.

Giai đoạn 2: Triển khai 3 xưởng còn lại: các Đội trưởng tham gia học học kinh nghiệm thực hiện ở giai đoạn 1 là người trực tiếp triển khai thực hiện như giai đoạn 1. Chuyên gia QUATEST3 và Quản đốc giám sát và đánh giá.

Hiệu quả từ việc xác định và xử lý các mối nguy về ATSK

Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ từ lãnh đạo nhà máy Thiên Nam và sự hướng dẫn của chuyên gia QUATEST 3, việc triển khai Chương trình quốc gia tại doanh nghiệp đã đạt một số kết quả như sau: Đội ngũ quản lý cấp trung của nhà máy đã được trang bị kiến thức và kỹ năng quản lý sản xuất như: Kaizen, 5S; Xây dựng, áp dụng và đánh giá nội bộ Hệ thống quản ATSKNN theo ISO 45001:2018; Nhà máy đã xây dựng, áp dụng và được đánh giá, cấp Giấy chứng nhận HTQL ATSKNN phù hợp yêu cầu tiêu chuẩn ISO 45001:2018;

Thay đổi trước và sau khi áp dụng 5S.

Nhà xưởng được sắp xếp gọn gàng, sạch sẽ góp phần giảm thiểu mối nguy trong quá trình sản xuất, hạn chế tối đa tai nạn lao động, gây ra bệnh tật, thương tích và tử vong; Đảm bảo an toàn lao động trong quá trình sản xuất; Hoạt động sản xuất diễn ra liên tục, đảm bảo đúng tiến độ; Tiết kiệm được chi phí cho doanh nghiệp...

Kết thúc triển khai Chương trình, nhìn nhận về kết quả đạt được, Giám đốc Nhà máy chia sẻ: “Việc áp dụng Kaizen-5S tích hợp với HTQL ATSKNN theo ISO 45001:2018 đã hỗ trợ rất hiệu quả trong việc xác định và xử lý các mối nguy về ATSKNN trong Nhà máy. Mỗi đợt chuyên gia đến triển khai, anh em hiểu và vui vẻ làm; nhà xưởng gọn gàng, sạch sẽ hơn; hiệu quả ATSKNN cũng rõ ràng hơn”.

TIN LIÊN QUAN