Vượt qua Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) - Doanh nghiệp cần làm gì?

(CL&CS) - Nhận thức đúng về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Technical Barriers To Trade –TBT) và có giải pháp cụ thể thì doanh nghiệp mới vượt qua rào cản kỹ thuật giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Vậy hàng rào kỹ thuật trong thương mại là gì? Làm thế nào để doanh nghiệp vượt qua?

Hàng rào kỹ thuật trong thương mại là các biện pháp kỹ thuật gây ảnh hưởng đến thương mại. Theo Hiệp định về Hàng rào kỹ thuật trong thương mại của Tổ chức Thương mại quốc tế (Hiệp định WTO/TBT), Hàng rào kỹ thuật trong thương mại bao gồm các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn. Tuy nhiên trong thực tiễn cần hiểu hàng rào kỹ thuật trong thương mại theo nghĩa rộng hơn, như các quy định về chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt các yêu cầu liên quan đến an toàn, vệ sinh, sức khỏe, môi trường; các yêu cầu về kiểm dịch động, thực vật; các yêu cầu bao gói; ghi nhãn; các quy định về đánh giá sự phù hợp, như thử nghiệm, chứng nhận, giám định, kiểm tra…; các yêu cầu về phương pháp sản xuất/khai thác và chế biến sản phẩm; các  quy định về an toàn, sức khoẻ nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội; các quy định về tiết kiệm năng lượng; quy định về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường, năng lượng, truy xuất nguồn gốc và các quy định khác....Thực tê, phần lớn các quy định, yêu cầu trên (biện pháp kỹ thuật) thường được thể hiện qua: các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, văn bản quy phạm pháp luật.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Hiệp định WTO/TBT nhằm mục đích hướng dẫn các nước thành viên ban hành, sử dụng và thực hiện các biện pháp kỹ thuật chính đáng, khuyến khích sử dụng tiêu chuẩn, hướng dẫn quốc tế và bảo đảm các biện pháp này không gây ra trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế. Hiệp định này, trước hết thừa nhận tiêu chuẩn quốc tế và quy trình đánh giá sự phù hợp có đóng góp to lớn cho việc nâng cao năng suất và thúc đẩy thương mại quốc tế. Do đó, Hiệp định đưa ra các quy định về công bố/ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và quy trình đánh giá sự phù hợp cho các thành viên, với mong muốn các quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn, bao gồm cả các yêu cầu về bao gói, ký hiệu, ghi nhãn, v.v... không tạo ra các cản trở không cần thiết đối với thương mại quốc tế.

Đối với doanh nghiệp, để vượt qua hàng rào kỹ thuật trong thương mại cần lưu ý:

- Các doanh nghiệp cần chủ động  quan tâm, nâng cao nhận thức và hiểu biết các vấn đề về TBT; nhận biết được hàng rào kỹ thuật  của thị trường xuất khẩu mà doanh nghiệp dự định xuất khẩu. Doanh nghiệp cần am hiểu về tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục đánh giá sự phù hợp và các quy định liên quan khác đối với hàng hóa của mình tại thị trường xuất khẩu. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh hoạt động thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, như: tìm kiếm, thu thập các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn liên quan; nghiên cứu tìm hiểu nội dung  các tiêu chuẩn; theo dõi quá trình xây dựng, công bố, soát xét tiêu chuẩn các cấp; các thông báo TBT của tất cả các nước thành viên WTO trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.  

-  Doanh nghiệp cần có giải pháp ứng phó chủ động, lâu dài.Doanh nghiệp cần có chiến lược nghiên cứu phát triển sản phẩm, nâng cao chất lượng, đổi mới công nghệ, cải thiện năng lực quản trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần nghiên cứu công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường của mình sao cho thỏa mãn được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, cộng đồng, đồng thời giúp  nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh một cách bền vững. Trong nhiều trường hợp tồn tại những tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài cho các sản phẩm, hàng hóa mà doanh nghiệp sản xuất. Trong trường hợp này, doanh nghiệp nên tập trung nỗ lực chấp nhận tối đa các tiêu chuẩn đó, đặc biệt là những tiêu chuẩn quốc tế.  Cần lưu ý rằng, Tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam (TCVN) cũng như tiêu chuẩn quốc gia của các nước được quan tâm xây dựng với tỷ lệ hài hòa/ tương đương với các tiêu chuẩn quốc tế tương đối cao. Doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế và tuân thủ các quy định của các quy chuẩn kỹ thuật, các quy định có liên quan đến sản phẩm, hàng hóa của mình. Đồng thời chủ động áp dụng các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý tiên tiến được phổ cập rộng rãi trên thế giới nhằm một mặt giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của mình, mặt khác đáp ứng các yêu cầu thường đòi hỏi từ phía các đối tác, từ đó tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường. Các tiêu chuẩn đó là các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, quản lý môi trường, quản lý năng lượng, an toàn thực phẩm, an toàn thông tin, trách nhiệm xã hội,… Các tiêu chuẩn đó thường là các tiêu chuẩn quốc tế và đã được các nước chấp nhận thành các tiêu chuẩn quốc gia. Ngoài ra còn có nhiều tổ chức xây dựng và công bố các tiêu chuẩn khác cũng được phổ biến rộng rãi trên thế giới mà  doanh nghiệp cũng cần quan tâm áp dụng.

- Doanh nghiệp cần tích cực tham gia hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương có liên quan. Đây thực sự là biện pháp hữu ích để bảo vệ quyền lợi của chính doanh nghiệp. Khi tham gia vào quá trình xây dựng một tiêu chuẩn bất kỳ, ngoài việc nắm được nội dung tiêu chuẩn, học hỏi được kinh nghiệm của các bên có liên quan, thì các lợi ích chính đáng của doanh nghiệp cũng được quan tâm chú ý tới, điều đó làm cho doanh nghiệp dễ dàng áp dụng và áp dụng có hiệu quả tiêu chuẩn đó hơn. Doanh nghiệp có thể cử các chuyên gia đại diện của mình tham gia vào các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật/ ban soạn thảo tiêu chuẩn quốc gia, ban soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương hoặc dự các hội nghị chuyên đề góp ý dự thảo có liên quan. Doanh nghiệp có thể góp ý nội dung dự thảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương có liên quan hoặc đề nghị các dự án xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, xây dựng dự thảo cho các đối tượng có liên quan.

- Doanh nghiệp cần tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc tế. Ở những nước phát triển, nhiều doanh nghiệp, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn rất tích cực cử các chuyên gia đại diện của mình tham gia vào các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế và nhìn chung các doanh nghiệp rất tích cực tham gia góp ý nội dung dự thảo các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan. Ở nước ta việc cử các chuyên gia đại diện của mình tham gia vào các ban kỹ thuật, tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế là một việc khó khăn chung. Tuy nhiên việc tham gia góp ý nội dung dự thảo các tiêu chuẩn quốc tế có liên quan là việc làm cần đẩy mạnh, các doanh nghiệp có thể tham gia góp ý dự thảo tiêu chuẩn cho các đối tượng có liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình. Quá trình xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế là quá trình mở; mọi ý kiến của các tổ chức, cá nhân đều được quan tâm và tiếp thu khi có cơ sở khoa học và hợp lý. Việc tổ chức đóng góp ý kiến này thông qua tổ chức  tiêu chuẩn hóa quốc gia.

-  Doanh nghiệp cần tham gia giải quyết các quan ngại thương mại, tức là tham gia xử lý nội dung các văn bản quy phạm pháp luật, các quy chuẩn, quy định, thủ tục,... mà có ảnh hưởng đến thương mại mà các nước thành viên WTO đã hoặc sẽ ban hành. Việc giải quyết các quan ngại thương mại được tổ chức thực hiện thông qua mạng lưới TBT Việt Nam. Các quan ngại thương mại này nếu không được doanh nghiệp tham gia xử lý giải quyết thì hậu quả có thể xảy ra là sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp sẽ bị cản trở, không thể xuất khẩu được vào quốc gia/ lãnh thổ gây nên các quan ngại thương mại đó.

Trên đây chỉ là một số giải pháp cơ bản liên quan đến TBT. Để có thể thực hiện có hiệu quả, doanh nghiệp cần tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức liên quan, trong đó có Văn phòng TBT Việt Nam và mạng lưới TBT, các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các đối tác, các tổ chức tư vấn, chứng nhận,… Cổng Thông tin điện tử của Văn phòng TBT Việt Nam và các trang thông tin điện tử của các Bộ và địa phương cung cấp các thông tin chung cũng như các hàng rào kỹ thuật của các nước thành viên để các cơ quan và doanh nghiệp tham khảo. Chỉ có sự cố gắng nỗ lực của chính mình doanh nghiệp mới có thể chủ động vượt qua được các hàng rào kỹ thuật.

TS Vũ Văn Diện

Bình luận

Nổi bật

Phát triển năng lượng phi truyền thống ở Việt Nam với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Phát triển năng lượng phi truyền thống ở Việt Nam với mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 14:09

(CL&CS) - Ngày 26/4/2024, tại Cung triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch xây dựng Quốc gia đã diễn ra Hội thảo “Tiềm năng phát triển năng lượng phi truyền thống ở Việt Nam” do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phối hợp cùng Công ty TNHH Dịch vụ triển lãm SES Việt Nam tổ chức, Hội thảo đã tập trung vào hai dạng năng lượng chính: khí hóa than ngầm và năng lượng địa nhiệt.

ĐHCĐ VINAMILK: Cổ đông quan tâm về chiến lược thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững

ĐHCĐ VINAMILK: Cổ đông quan tâm về chiến lược thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 08:19

(CL&CS) - Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.

Masan đặt mục tiêu 30 triệu hội viên WIN vào năm 2025

Masan đặt mục tiêu 30 triệu hội viên WIN vào năm 2025

sự kiện🞄Thứ sáu, 26/04/2024, 08:04

(CL&CS) - Ra mắt vào năm 2023, chương trình hội viên WIN đã thu hút số lượng 8,5 triệu vào cuối quý 1/2024 và Masan dự kiến ​​sẽ đạt 30 triệu hội viên WIN vào năm 2025.