Dữ liệu cũ
Thứ hai, 16/10/2017, 20:24 PM

Vụ mua gần 800.000 tấn than trái Chỉ thị của Thủ tướng: Chủ tịch Tập đoàn PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn có vô can?

(NTD) - Từ tháng 8/2015, Thủ tướng đã có Chỉ thị số 21/CT-TTg yêu cầu các nhà máy điện phải mua than của TKV và Tổng Công ty Đông Bắc nhưng lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và nhiều đơn vị khác đã tìm mọi cách làm trái, mua tới gần 800.000 tấn than nhập khẩu và nội địa từ Công ty Hoành Sơn.

Hàng loạt lãnh đạo liên quan

Theo Kết luận Thanh tra của Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký được công bố rộng rãi trong các đơn vị PVN cho thấy, thương vụ mua bán số lượng than lớn tới hơn 1.500 tỷ đồng bộc lộ nhiều sai phạm của lãnh đạo PVN.

Ngày 26/8/2015, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 21/CT-TTg phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện từ nguồn than trong nước do TKV và Tổng Công ty Đông Bắc sản xuất và chỉ đạo PVN mua than trong nước cho sản xuất điện từ hai đơn vị này.

Tuy nhiên trước đó, ngày 22/1/2015, PV Power gửi PVN Công văn số 186/ĐLDK-TM, kiến nghị giải pháp cấp than cho vận hành thương mại Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 (NMNĐ Vũng Áng 1) khi chưa ký được hợp đồng với TKV.

Ngày 21/3/2015, PVN có Công văn số 1778/DKVN-TMTT đồng ý để Ban QLDA làm việc với Công ty Hoành Sơn về cung cấp than cám 5aHG cho NMNĐ Vũng Áng 1 cho đến khi đạt được thỏa thuận với TKV.

Ngày 9/4/2015, PVN có Công văn số 2317/DKVN-TMTT cho phép Ban QLDA ký kết hợp đồng với Công ty Hoành Sơn để mua bổ sung than phục vụ vận hành NMNĐ Vũng Áng 1 năm 2015.

nguyen vu truong son
Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn

Đáng chú ý, trong thương vụ này, PVN được sự hậu thuẫn của ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương. Cụ thể, tại Thông báo số 122A/TB-BCT ngày 18/3/2016 do ông Đỗ Văn Côi - Phó Chánh Văn phòng Bộ Công thương ký về Kết luận của Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng trong cuộc họp ngày 11/3/2016 để giải quyết vướng mắc trong đàm phán hợp đồng mua bán điện của một số nhà máy điện, đã nêu rõ kết luận của ông Hoàng Quốc Vượng: “Đồng ý để NMNĐ Vũng Áng 1 được thanh toán chi phí than đã mua từ nguồn khác…”.

Mặt khác, tại Công văn số 565/BCT-ĐTĐL ngày 19/1/2017, do Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng ký, có nêu chỉ đạo của ông: “Cho phép PV Power được mua than từ Cty Hoành Sơn và EVN được phép thanh toán cho PV Power chi phí mua than từ công ty Hoành Sơn, tổng khối lượng than mua không vượt quá 900.000 tấn...”.

Kết luận Thanh tra đã chỉ rõ, Chỉ thị số 21/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã không được cả lãnh đạo Bộ Công Thương lẫn PVN quán triệt và thực hiện nghiêm túc.

Như trên đã nói, sang năm 2016, ông Nguyễn Vũ Trường Sơn làm Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN. Lẽ ra, ông Sơn phải có trách nhiệm quán triệt, triển khai đúng Chỉ thị số 21 của Thủ tướng, rà soát và hủy bỏ những hợp đồng sai tinh thần chỉ đạo nhưng PVN vẫn không báo cáo trung thực, tiếp tục cho phép triển khai mua than của Công ty Hoành Sơn đến tận giữa năm 2017.

Trong một công văn gửi báo chí ngày 11/10/2017, ông Phạm Hoành Sơn - TGĐ Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn, cho biết việc đơn vị này ký kết hợp đồng (HĐ) mua bán than với  NMNĐ Vũng Áng 1  do cầu cảng của nhà máy không thể tiếp nhận tàu than từ tháng 8 năm nay đến tháng 3 năm sau do mưa bão; TKV không thể cung cấp đủ khối lượng than bằng đường biển và đường bộ. So sánh với giá mua của TKV, thì giá than của Công ty Hoành Sơn là 103.410 đồng/tấn, rẻ hơn và đã tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước khoảng 81 tỷ đồng.

Nhưng theo chính số liệu nguồn than  năm 2016 được đăng tải trên trang web của Công ty Hoành Sơn, thì đến hết tháng 3/2016, TKV còn tồn kho lên đến gần 10 triệu tấn than và chính TKV lại là đơn vị nhập khẩu than lớn nhất. Vậy thì PVN chỉ đạo vẫn mua than của Hoành Sơn vào thời điểm đầu năm 2016 khi ông Nguyễn Vũ Trường Sơn đã là Tổng giám đốc, là thiếu trách nhiệm khi giám sát các hợp đồng. Lẽ ra, ông Sơn phải chỉ đạo xem xét trách nhiệm của TKV khi vì sao không thực hiện được hợp đồng đã ký kết và chỉ đạo của Thủ tướng. Hơn nữa, sau tháng 3/2016, khi mà cầu cảng đã có thể tiếp nhận than TKV, PVN vẫn cho phép gia hạn hợp đồng với Hoành Sơn, phải chăng là có mục đích riêng? Giá than nhập khẩu theo trang web của Hoành Sơn, khi về tới Việt Nam luôn thấp hơn từ 5-10USD/tấn, thì mức giá than mà Hoành Sơn bán cho NMNĐ Vũng Áng 1 chỉ rẻ hơn 100.000 đồng/tấn là quá đắt. Ông Sơn là Tổng Giám đốc PVN, liệu đã làm tròn trách nhiệm khi để mua than với mức giá “hớ” như vậy?

Tại sao chậm trễ thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng và Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu lãnh đao PVN phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các tập thể và cá nhân sai phạm, có hình thức xử lý kỷ luật và báo cáo Bộ trưởng trước ngày 30/10/2017. Vậy mà đến nay, đã giữa tháng 10, vẫn chưa hề thấy ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Phó bí thư Đảng ủy phụ trách, Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV, có chỉ đạo việc kiểm điểm, xử lý các tập thể và cá nhân liên quan.

Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng "có vướng mắc gì" nên ông Sơn không thể xử lý rốt ráo? Được biết, đây không phải là lần đầu ông Sơn chậm trễ trong thực hiện các chỉ đạo của cấp trên. Tháng 7/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã từng phê bình gay gắt ông Nguyễn  Vũ Trường Sơn trong xử lý các dự án thua lỗ tại PVN. Phó Thủ tướng chỉ đích danh trách nhiệm ông Sơn và nói nếu không làm được, phải thay cán bộ. Thế nhưng đến nay, hơn 3 tháng trôi qua, việc xử lý các dự án thua lỗ tại PVN vẫn giẫm chân tại chỗ.

Nhiều nghi vấn trong quản lý, điều hành

Được biết, trước khi được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc PVN, ông Sơn là Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí PVEP (giai đoạn 2009-2012). Bộ Nội vụ kết luận, trong vòng 1,5 năm (từ đầu năm 2015 đến giữa năm 2016), ông Vũ Huy Hoàng trước khi nghỉ hưu trên cương vị Bộ trưởng Bộ Công thương, đã bổ nhiệm 97 cán bộ, trong đó có Nguyễn Vũ Trường Sơn. Trong giai đoạn này, khi lấy phiếu tín nhiệm cán bộ, có hai ứng cử viên chức Tổng Giám đốc PVN, trong đó có ông Nguyễn Quốc Thập, tuy lúc đầu được phiếu tín nhiệm cao hơn nhưng sau đó ông Sơn đã được lựa chọn vào cương vị Tổng Giám đốc PVN.

nhiet dien vung ang 1
Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng

Trong một diễn biến khác, được biết gần đây, C46 đang điều tra làm rõ việc quản lý tài chính, sử dụng quỹ, sử dụng hàng trăm tỷ đồng gửi ngân hàng trái quy định từ năm 2014 đến nay tại Ban Quản lý dự án (QLDA) Công trình liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn. Lãnh đạo đơn vị này cho biết, việc gửi tiền trên được Tập đoàn giao cho chủ động và sẽ báo cáo Tập đoàn.

Ngoài ra, cơ quan chức năng đã yêu cầu xem xét, làm rõ một số vấn đề xung quanh các dự án tại Tổng Công ty Thăm dò khai thác dầu khí PVEP như: Thương vụ khách sạn Thái Bình với giá trị 111 tỷ đồng nhưng thu hồi tiền rất chậm; thương vụ chuyển nhượng tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 2. Đặc biệt, hai dự án đầu tư tại nước ngoài gồm dự án dầu khí Junin 2 (tại Venezuela) và dự án khai thác dầu tại lô 67 và lô 39 ở Peru cũng bộc lộ nhiều sai phạm, gây thiệt hại vô cùng lớn cho ngân sách.

Thành Vĩnh – Hồng Quang

Bình luận

Nổi bật

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

Những phi cơ già cỗi nhất thế giới, bay trên bầu trời nửa thế kỷ vẫn còn hoạt động

sự kiện🞄Thứ ba, 20/02/2024, 10:09

Trên thế giới còn rất nhiều những chiếc phi cơ 'lão thành' ngót nghét 50 tuổi vẫn đang bay trên bầu trời.

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

Người phụ nữ mắc ung thư gan giai đoạn cuối vì 1 loại thực phẩm quen thuộc, chuyên gia cảnh báo thói quen này nhiều người mắc phải

sự kiện🞄Thứ bảy, 14/10/2023, 05:57

Loại thực phẩm nhiều người xem như vô hại này lại là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng, chúng thường được gọi là "sát thủ thầm lặng" tàn phá sức khoẻ con người.

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

Cảng Chu Lai đón tàu lớn và nâng cao hiệu suất khai thác hàng rời

sự kiện🞄Thứ năm, 29/06/2023, 15:00

(CL&CS) - Cảng Chu Lai thuộc Công ty Giao nhận - vận chuyển quốc tế Trường Hải (THILOGI) đang dần khẳng định năng lực tiếp nhận tàu lớn, khai thác đa dạng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy giao thương tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.