Thứ bảy, 26/10/2019, 10:11 AM

Viwasupco quá coi thường dân với lời xin lỗi chống chế, vô trách nhiệm

(NTD) - Sau hơn 2 tuần, sự cố nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu thải, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) vừa gửi thông báo xin lỗi đến khách hàng và "xin được cung cấp nước miễn phí trong kỳ xảy ra sự cố, tương đương với 1 tháng tiền nước". Điều này, khiến nhiều người tỏ ra bức xúc, không đồng tình về động thái phản tác dụng của Viwasupco và việc xin lỗi chẳng qua là do sức ép từ phía dư luận chứ không phải xuất phát từ "tâm thành" trong đạo đức kinh doanh.

Ngày 25/10, hơn 2 tuần xảy ra sự cố nghiêm trọng khi nguồn nước sạch cung cấp cho hơn 250.000 hộ dân trên địa bàn Hà Nội bị nhiễm dầu thải, Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà mới gián tiếp thông qua cơ quan thông tấn báo chí để chuyển lời xin lỗi muộn màng tới người dân và mong được lượng thứ. Kèm theo lời xin lỗi, đơn vị này bồi thường cho dân miễn phí một tháng tiền nước (tháng mà dân phải sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm) và thừa nhận chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp, dẫn đến lúng túng trong xử lý ban đầu, gây ra những đảo lộn trong sinh hoạt bình thường của người dân.

o_nhiem_nuoc_zing_1_1
Lời xin lỗi của Viwasupco ở thời điểm này là một lời xin lỗi vô nghĩa, chỉ mang tính xoa dịu dư luận, không có ý nghĩa về mặt pháp lý (ảnh Internet)

Lời xin lỗi quá muộn màng

Chị Hoàng Ngọc D. (một cư dân ở khu vực tổ hợp 12 toà HH, Linh Đàm, Hoàng Mai, Hà Nội) bức xúc nói: "Chúng tôi vừa đọc được lời xin lỗi của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà thông qua Internet nhưng tại sao họ không trực tiếp gặp gỡ dân và xin lỗi để chúng tôi còn trực tiếp cảm thông về sự cố xảy ra. Họ chỉ gián tiếp xin lỗi kiểu muộn màng như thế này thì Viwasupco quá coi thường dân với lời xin lỗi chống chế, vô trách nhiệm, sức khỏe con người là trên hết nhưng cách miễn phí 1 tháng tiền nước nghĩa là họ đang quá coi thường tính mạng của dân. Chúng tôi bỏ tiền ra mua nước hàng tháng, họ thu tiền của dân đầy đủ không thiếu một đồng nào nhưng cái mà người dân nhận lại là sự giả dối và phải dùng nước bẩn, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe và đời sống tinh thần trong những ngày qua". 

Nói về động thái xin lỗi của Viwasupco sau sự cố khủng hoảng bởi nước nhiễm dầu thải khiến cho cuộc sống người dân thủ đô bị xáo trộn, Luật sư Hoàng Tùng – Trưởng VPLS Trung Hòa, nhận định: "Thông cáo của Viwasupco ngày 25/10/2019 về việc xin lỗi người tiêu dùng bởi sự cố nước sạch sau 17 ngày là hành động rất muộn màng thể hiện sự vô trách nhiệm, vô cảm của họ với người tiêu dùng về tính mạng, sức khỏe hàng triệu người dân Hà Nội. Hơn nữa, văn bản này cũng không có người đại diện pháp luật công ty ký đóng dấu mà chỉ là dấu treo". 

Luật sư Tùng cho biết, theo Nghị định 117/2007 và sau này là nghị định 124/2011/NĐ CP ngày 28/2/2011 quy định về sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch cũng như Thông Tư 41/2018 ngày 14/12/2018 của Bộ trưởng bộ y tế ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt“ đã có hiệu lực thi hành từ ngày 15/6/2019 quy định rất rõ trách nhiệm của đơn vị cấp nước và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Tại điều 5 thông tư này quy định về trách nhiệm thi hành khoản 7 quy định đơn vị cấp nước phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng nước sạch do đơn vị mình cung cấp. Báo cáo kết quả thử nghiệm chất lượng nước sạch hàng quý, lưu trữ và quản lý hồ sơ theo dõi về chất lượng nước sạch và chịu sự thanh tra, kiểm tra giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thông tin với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 25/10, ông Nguyễn Anh Trí - Đại biểu Quốc hội Hà Nội cho biết, “lời xin lỗi của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà là muộn màng và cách bồi thường của đơn vị này cũng không thể chấp nhận được”. Theo ông Trí, trong cuộc làm việc với HNĐN, UBND Hà nội trước kỳ họp Quốc hội thứ 8, ông được biết Công ty nước sạch sông Đà cung cấp 12% lượng nước cho TP với khoảng 250.000 hộ, nếu tính trung bình mỗi hộ có 4 người thì công ty này cung cấp nước cho khoảng 1 triệu người. Vì thế, phải đặc biệt chú trọng chất lượng nguồn nước đầu vào và an ninh nguồn nước.

Việc xin lỗi của Viwasupco khiến dư luận chưa thực sự hài lòng bởi thông qua 1 tờ thông cáo báo chí đóng dấu treo và không có bất cứ thông tin nào về lãnh đạo hay người đại diện công ty đứng ra chịu trách nhiệm.

Có hay không việc cố ý cấp nước bẩn và hành vi thiếu trách nhiệm? 

Nhấn mạnh thêm về trách nhiệm của Viwasupco khi sự cố nước nhiễm dầu thải gây ảnh hưởng tới đời sống người dân, Luật sư Hoàng Tùng thông tin: "Viwasupco cần cá thể hoá trách nhiệm cá nhân đối với cán bộ trực tiếp được phân công giám sát các chỉ tiêu nước bị nhiễm bẩn đã báo cáo và đề xuất hướng xử lý cũng như đề nghị tạm ngừng cung cấp bán nước chưa, nếu có thì lãnh đạo nào cụ thể chỉ đạo việc vẫn tiếp tục bán cấp nước bẩn khi đã có đề nghị của giám sát kỹ thuật, phòng ban liên quan".

Ngoài ra, theo Luật sư Tùng "các đơn vị liên quan cần xem xét hàng loạt trách nhiệm cá nhân tại Viwasupco mới rõ ràng và cá thể hoá trách nhiệm, đem lại lòng tin của người tiêu dùng cũng như thực hiện quy trình sản xuất nước một cách khắt ke an toàn nhất. Hậu quả xảy ra đặc biệt nghiêm trọng như vậy không thể bỏ qua trách nhiệm người đứng đầu lại đơn vị này. Các cá nhân người có trách nhiệm cụ thể này cần đánh giá mức độ lỗi cố ý hay vô ý biết nước? Cơ quan Công an nên mời hoặc triệu tập những cá nhân liên quan của Viwasupco và của các cơ quan quản lý tới làm rõ việc có hay không việc cố ý dùng nước ô nhiễm sản xuất bán nước không đảm bảo cho người dân"?

Luật sư Tùng cho biết thêm: "UBND TP mà nhất là Hội đồng nhân dân cùng các tổ chức đoàn thể chi bộ Đảng khẩn trương có văn bản yêu cầu cấp trên của tổ chức mình và Viwasupco phải thỏa thuận mức bồi thường cụ thể cho các khách hàng trên cơ sở tập hợp ý kiến người dân hoặc hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng".

Cũng liên quan đến hành động xin lỗi của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà, luật sư Lê Hằng (Công ty Luật TAT Law Firm) cho rằng: "Luật bảo vệ môi trường, luật tài nguyên nước, luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định rất cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của chủ cơ sở sản xuất, cơ quan quản lý, các cấp chính quyền địa phương trong việc phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, xác định thiệt hại và khắc phục sự cố. Theo đó, người đứng đầu trực tiếp của tổ chức phải chịu trách nhiệm đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường có liên quan đến hoạt động của tổ chức mình".

"Do giữa Công ty Sông Đà và người dân có Hợp đồng dịch vụ cung cấp nước sinh hoạt nên Công ty phải chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ theo Hợp đồng. Trường hợp Công ty có lỗi trong việc cung cấp nguồn nước không đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng thì phải chịu trách nhiệm dân sự, hình sự hoặc bồi thường thiệt hại cho người dân khi phát sinh hậu quả", luật sư Hằng phân tích.

Theo Luật sư Hằng, việc Viwasupco đưa ra mức chia sẻ chi phí với người dân 1 tháng tiền nước. Tuy nhiên trong trường hợp không đồng ý với phương án trên, người dân có quyền yêu cầu doanh nghiệp này chi trả mức bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Cụ thể, tại điều 608, Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ mà gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì phải bồi thường”. Đồng thời, tại khoản 1, điều 23, luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng ghi nhận: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng”.

Nước sạch là một mặt hàng kinh doanh thiết yếu ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng, đời sống hàng ngày của mọi người dân, vậy nên ngay cả khi lĩnh vực này đã được xã hội hóa, thì chính quyền vẫn phải có trách nhiệm ban hành một quy trình quản lí và cơ chế giám sát chặt chẽ đối với sự an toàn, chất lượng nguồn nước ở mọi nơi.

Theo tìm hiểu của PV, trong 9 tháng đầu năm 2019, Viwasupco có mức doanh thu 401 tỷ đồng, lợi nhuận 199 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa là nhờ bán nước “sạch” cho dân, họ kiếm được gần 1,5 tỷ đồng doanh thu và xấp xỉ 740 triệu đồng lợi nhuận mỗi ngày. Nghĩa là, 1 tháng, họ thu khoảng 22 tỷ đồng tiền lợi nhuận nhờ cam kết bán nước “sạch”.

Nhiều chuyên gia cũng tỏ ra băn khoăn và đặt câu hỏi :"Với các hành xử lúng túng và chậm trễ của chính quyền TP Hà Nội cũng như tỉnh Hòa Bình, liệu có phải là biểu hiện bao che cho việc đổ dầu thải, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân?".

Và đến nay, việc đơn vị bán nước sinh hoạt bẩn cho người dân mà lại không có bất kỳ hình thức xử lý, truy cứu trách nhiệm nào được đưa ra, khiến người dân rất hoang mang.

Hồng Liên

Bình luận

Nổi bật

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận: Chú trọng thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân

Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Thuận: Chú trọng thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:19

(CL&CS) - Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn bức xạ, hạt nhân được chú trọng thực hiện nhằm góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, phát huy hiệu quả trong các nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn đời sống cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Cảnh giác trước quảng cáo đào tạo nghề thẩm mỹ với hình ảnh trái phép

Cảnh giác trước quảng cáo đào tạo nghề thẩm mỹ với hình ảnh trái phép

sự kiện🞄Thứ hai, 13/05/2024, 20:14

Dù không được uỷ quyền hay liên kết tuyển sinh, đào tạo nghề thẩm mỹ nhưng nhiều cơ sở spa, “học viện” ở TPHCM đua nhau “mọc lên” rồi dùng hình ảnh của một số trường nghề để tuyển học viên.

Hơn 1.200 ca nhập viện do thuốc lá điện tử trong một năm

Hơn 1.200 ca nhập viện do thuốc lá điện tử trong một năm

sự kiện🞄Thứ ba, 07/05/2024, 13:55

(CL&CS) - Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua đã có hơn 1.200 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử. Số lượng các quốc gia và vùng lãnh thố áp dụng chính sách cấm sản phẩm thuốc lá điện tử đang tăng lên.