Thứ bảy, 18/05/2024, 14:57 PM

Nguồn gốc tên gọi của 'vùng đất lớn an bình và một Việt Nam thu nhỏ': Được Bác Hồ trực tiếp đặt tên, là tỉnh có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất cả nước

Tỉnh này cách Hà Nội khoảng 160km và thường xuyên nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về tăng trưởng.

Quảng Ninh là vùng đất lịch sử lâu đời. Ở khu vực vịnh Hạ Long, các nhà khảo cổ đã tìm được di chỉ của người tiền sử từ 3.000-1.500 năm TCN. Tuy nhiên, tên gọi "Quảng Ninh" ngày nay chỉ mới xuất hiện cách đây hơn 60 năm.

Tên gọi này gắn với việc sáp nhập tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng. Theo các tư liệu lữu trữ tại Quốc hội, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá II ngày 30/10/1963, Chính phủ xin Quốc hội phê chuẩn việc hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính mới.

Bác Hồ về thăm Quảng Ninh vào ngày 4/10/1957. Ảnh tư liệu/Báo Dân Việt

Bác Hồ về thăm Quảng Ninh vào ngày 4/10/1957. Ảnh tư liệu/Báo Dân Việt

Trong thời gian này, kỳ họp liên tịch giữa Hội đồng Nhân dân khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh về việc đặt tên tỉnh mới khi sáp nhập cũng có nhiều tranh luận, ý kiến sôi nổi.

Các đại biểu phía Hải Ninh đề nghị đặt tên tỉnh là Hải Đông với cái lý là tên này đã tồn tại suốt mấy trăm năm thời Lý-Trần. Phía đại biểu khu Hồng Quảng có nhiều phương án như là Quảng Yên, An Quảng, Yên Quảng. Lại có ý kiến đề nghị là Hồng Hải, vì vừa có chữ Hồng của khu Hồng Quảng lại vừa có chữ Hải của tỉnh Hải Ninh, nhiều tỉnh khác cũng thường đặt tên như vậy. Nhưng có ý kiến phản bác, cho là tên gọi này không có nội dung gì.

Cuối cùng, việc đặt tên để lại cho Trung ương quyết định. Viết về sự kiện đặt tên cho tỉnh Quảng Ninh, cố nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, đồng tác giả của cuốn Địa chí Quảng Ninh, Tống Khắc Hài từng ghi lại lời kể của ông Hoàng Chính (1922-1990), nguyên Bí thư tỉnh uỷ Hải Ninh (giai đoạn 1946-1948, 1955-1963); nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh Quảng Ninh (1964-1969).

Theo đó, ngày 30/10/1963, trong phiên họp toàn thể Quốc hội khoá II, kỳ họp thứ 7, tất cả các đại biểu đều nhất trí thông qua tờ trình của Chính phủ hợp nhất tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một tỉnh mới lấy tên là tỉnh Quảng Ninh. Thế nhưng, thực ra trước đó ít nhất là 3 năm, Bộ Chính trị khi chuẩn bị Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ III và Chính phủ soạn thảo kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965), vấn đề xây dựng vùng Đông Bắc thành một đơn vị hành chính vững mạnh đã được đặt ra một cách cấp bách.

Trong lần tháp tùng Bác Hồ về thăm tỉnh Hải Ninh ngày 19 và 20/2/1960, khi ngồi trên máy bay, Bác nhắc "Hải Ninh và Hồng Quảng núi sông biển trời liền một dải. An Quảng, Quảng Yên là đây, xa hơn nữa là An Bang, là Hải Đông". Rồi Bác nói thêm: "Thời Trần, Hải Đông lừng lẫy chiến thắng Bạch Đằng giang". Nghe Bác nói vậy, ông Hoàng Chính nhớ mãi cái tên Hải Đông.

Trong cuộc họp giữa nhân dân hai địa phương, cái tên Hải Đông cũng được đa số đồng ý. Ông Chính càng thêm đinh ninh tên này sẽ được chọn. Giữa tháng 9/1963, khi Bác Hồ hỏi về chuyện đặt tên tỉnh, ông Hoàng Chính báo cáo tên Hải Đông.

Cách Hà Nội khoảng 160km, Quảng Ninh là tỉnh có di sản văn hóa đồ sộ, đa dạng và giàu bản sắc nhất trong cả nước, được xem là Việt Nam thu nhỏ. Ảnh: Báo Đầu tư

Cách Hà Nội khoảng 160km, Quảng Ninh là tỉnh có di sản văn hóa đồ sộ, đa dạng và giàu bản sắc nhất trong cả nước, được xem là Việt Nam thu nhỏ. Ảnh: Báo Đầu tư

Ông kể lại, khi đó Bác cười, nói: "Tên Hải Đông gợi nhớ thời Trần oanh liệt, nhưng thực chất nó chỉ có nghĩa chỉ vùng biển về phía Đông. Bác đã hỏi ý kiến nhiều đồng chí, Bác đề nghị lấy mỗi tỉnh một chữ cuối của khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, ghép lại thành Quảng Ninh, vừa dễ hiểu, vừa dễ nhớ, lại có nhiều nghĩa. Quảng là rộng lớn, Ninh là yên vui, bền vững. Quảng Ninh là một vùng rộng lớn, yên vui, bền vững. Ông cha ta đã chẳng từng đặt những tên An Bang, Ninh Hải, Hải Ninh, An Quảng, Quảng Yên đó sao? Chú thấy có được không?".

Trải qua hơn 60 năm, cái tên Quảng Ninh đã gắn liền với sự phát triển của địa phương vùng Đông Bắc này. Nhắc tới Quảng Ninh là nhắc tới tỉnh có hơn 250km đường bờ biển với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, chiếm 2/3 số đảo cả nước (2.779 đảo). Nơi đây còn có Di sản thế giới vịnh Hạ Long nổi tiếng, được bình chọn là 1 trong 7 Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới, năm 2011.

Phong cảnh tuyệt đẹp dọc hai bên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh: Báo Lao Động

Phong cảnh tuyệt đẹp dọc hai bên cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh: Báo Lao Động

Quảng Ninh có nhiều di tích lịch sử như bãi cọc Bạch Đằng - nơi diễn ra trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử Việt Nam (năm 1288); núi Yên Tử - nơi vua Trần Nhân Tông xuất gia tu hành và sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm...

Về kinh tế, Quảng Ninh thường xuyên nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về tăng trưởng. Theo dữ liệu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Quảng Ninh đứng đầu trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam.

Đây là tỉnh đầu tiên của cả nước có bốn thành phố trực thuộc (Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Hạ Long).

Diện mạo thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) hôm nay. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Diện mạo thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) hôm nay. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tỉnh Quảng Ninh được quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn và tái lập thị xã Tiên Yên.

Quỳnh Như

Bình luận

Nổi bật

Dự án quan trọng của 'siêu’ sân bay Long Thành mới đạt 98,9% kế hoạch: Tiến độ dự án khó theo lộ trình

Dự án quan trọng của 'siêu’ sân bay Long Thành mới đạt 98,9% kế hoạch: Tiến độ dự án khó theo lộ trình

sự kiện🞄Thứ ba, 28/05/2024, 16:05

Mặt bằng một dự án quan trọng của sân bay Long Thành đến nay vẫn chưa được bàn giao hoàn chỉnh cho chủ đầu tư và các đơn vị thi công.

Hà Nội ra quy định tiêu chuẩn chung cư 25-45m2 chỉ 1 người ở, 45-75m2 chỉ 2 người ở

Hà Nội ra quy định tiêu chuẩn chung cư 25-45m2 chỉ 1 người ở, 45-75m2 chỉ 2 người ở

sự kiện🞄Thứ ba, 28/05/2024, 16:04

Quyết định số 34/2024/QĐ-UBND được UBND TP. Hà Nội ban hành vào ngày 27/5 vừa qua.

TP. HCM dự 'rót' 5.200 tỷ nâng cấp 'sợi dây huyết mạch' để 'cứu nguy' cho cửa ngõ phía Tây

TP. HCM dự 'rót' 5.200 tỷ nâng cấp 'sợi dây huyết mạch' để 'cứu nguy' cho cửa ngõ phía Tây

sự kiện🞄Thứ ba, 28/05/2024, 15:07

Tuyến đường dài hơn 7km qua huyện Bình Chánh và Tân Bình hiện đang được đề xuất mở rộng lên 30m để 'cứu nguy' cho cửa ngõ phía Tây TP. HCM thoát khỏi tình trạng ùn tắc.