Thứ sáu, 04/02/2022, 10:36 AM

Việt Nam cần gói kích thích đủ lớn để hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch

(CL&CS) - Người dân và doanh nghiệp khắp cả nước đang trông chờ vào gói kích thích, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn sau đại dịch lần thứ 4 đã được Quốc hội thông qua tại cuộc họp tổ chức vào tháng 1/2022.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân hiện đang đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đại biểu Quốc hội khóa XV, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ.

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân hiện đang đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đại biểu Quốc hội khóa XV, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng Chính phủ.

Tạp chí Chất lượng và Cuộc sống đã phỏng vấn PGS.TS. Trần Hoàng Ngân, Đại biểu Quốc hội khóa XV, xung quanh gói kích thích kinh tế này.

Thưa PGS.TS Trần Hoàng Ngân, vì sao bây giờ Việt Nam mới đề xuất gói kích thích kinh tế, trong khi thế giới đã làm từ năm 2020?

- PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Thế giới vốn dĩ chưa bình yên khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm náo động thị trường, kinh tế toàn cầu bình quân tăng trưởng khoảng 3%. Đến 2020, đại dịch Covid-19 càng làm kinh tế giảm sâu, tăng trưởng âm. Năm 2021, thế giới bắt đầu phục hồi trở lại, kinh tế nhiều nước tăng trưởng dương. Từ tháng 4/2021, biến chủng Delta hoành hành, vaccine mũi 1-2 phủ rộng rãi đã mở ra hy vọng mới thì cuối 2021, đại dịch lại xuất hiện biến thể Omicron cho nên các dự báo gần đây của thế giới thận trọng cho năm 2022. Biến thể mới xuất hiện đã "cướp" đi mùa Giáng sinh và năm mới của nhiều nước Âu - Mỹ. Bởi đây là thời điểm mua sắm, nhu cầu du lịch, đi lại khổng lồ.

Chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, nhiều quốc gia đã tung ra hàng loạt gói kích thích kinh tế từ năm 2020, bình quân 15-16% GDP. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Việt Nam thành công khi đạt mục tiêu kép: Kiểm soát dịch và kinh tế tăng trưởng 2,91%. Việt Nam tự hào là ngọn hải đăng, điểm sáng toàn cầu, là một trong mười nước tăng trưởng dương, nhiều nơi học tập trao đổi... Nhưng đợt dịch lần thứ 4 tại Việt Nam quá khủng khiếp, ảnh hưởng tới mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa xã hội, nhất là sức khỏe và tính mạng con người. Sức khỏe ở đây suy về cả thể chất lẫn tinh thần, làm cho mình trở nên nhút nhát sợ sệt hơn, băn khoăn, suy nghĩ tâm tư...

Mặc dù Chính phủ đã hành động rồi, từ năm 2020 có Nghị quyết 41, 42, sau đó Nghị quyết 68, 86, hàng loạt nghị quyết hỗ trợ cho người lao động, người nghèo, khó khăn, chính sách... nhưng từ những tác động đa chiều đó, Việt Nam cần có gói kích thích hỗ trợ đủ mạnh, lớn hơn.

Ngày 11/1/2022, 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 11/1/2022, 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quy mô gói hỗ trợ của Việt Nam phụ thuộc vào đâu, thưa ông?

- PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Tổng Bí thư có nói, chưa bao giờ Việt Nam có tiềm lực, cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Quy mô kinh tế đạt 360 tỷ USD, nằm trong top 40 quốc gia hàng đầu có quy mô lớn nhất thế giới, dân số đứng hạng thứ 15. Việt Nam đã ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tư do, hiệp định song phương, tạo vị thế và uy tín trên trường quốc tế. 

Quy mô gói hỗ trợ phụ thuộc vào không gian tài khóa, hiện nay nợ công ở mức 43,7% GDP, thấp hơn mức trần cho phép 60% GDP nên còn nhiều dư địa. Tuy nhiên, cần xem xét tỷ lệ an toàn nợ công. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/tổng thu ngân sách phải dưới 25%/tổng thu ngân sách nhưng tỷ lệ của Việt Nam đang là 24,8%, gần tiệm cận mức 25%.

Quy mô gói hỗ trợ còn phụ thuộc vào chính sách tiền tệ. Cụ thể, lạm phát mục tiêu 4%, hiện là dưới 2% như vậy có thể nới lỏng, có thể giảm lãi suất điều hành. Như vậy không gian tài khóa, tiền tệ vẫn còn cho phép. Ngoài ra, dự trữ ngoại hối trên 100 tỷ USD, có thể can thiệp vào thị trường để giữ ổn định tỷ giá khi cần.

Trên hết, còn một yếu tố nữa là khát vọng. Chúng ta có muốn nghèo hoài không? Câu trả lời là không, chúng ta phải vươn lên, khát vọng vươn lên. Đại hội Đảng toàn quốc lần XIII thổi vào khát vọng lớn, Việt Nam phải trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045 khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Đó là những áp lực đòi hỏi chúng ta phải có một gói kích thích kinh tế đủ lớn, đảm bảo được các yếu tố đã nêu ở trên.

Gói kích thích kinh tế đó cần được phân bổ như thế nào?

- PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Việt Nam cần tập trung vào y tế, an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp và đầu tư công.

Ngành y tế

Đầu tiên là phải làm cho doanh nghiệp yên tâm không còn giãn cách, cách ly, không còn ngăn sông cấm chợ, trong doanh nghiệp nếu có F0 thì bóc tách, doanh nghiệp vẫn tiếp tục hoạt động, cho một thông điệp để doanh nghiệp trong và ngoài nước bỏ tiền đầu tư vào Việt Nam. Yếu tố mang tính chất tiên quyết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Như vậy, phải dành một nguồn lực cho ngành y tế, không để ngành này than thở thiếu tiền.

Nguồn lực phải giải quyết bài toán vaccine, bên cạnh ngoại giao vaccine, vaccine thương mại, Việt Nam cần tự chủ được vaccine trong nước mới có cơ hội gia cố thêm nếu xuất hiện biến chủng mới. Ví dụ, khi có biến chủng mới, Pfizer nghiên cứu thêm để điều trị biến chủng Omicron. Hiện nay, chúng ta phải rà soát vaccine trong nước, vừa chuyển giao công nghệ, vừa tự sản xuất. Các ca F0 hiện nay có thuốc điều trị là yên tâm nếu đã tiêm vaccine. Như vậy, sớm cấp phép cho các đơn vị sản xuất thuốc điều trị trong nước, từ đó xã hội hóa, người dân có thể mua thuốc điều trị Covid-19 như các loại cảm cúm thông thường.

Không được để trang thiết bị, máy móc, vật tư sinh phẩm, khẩu trang, nước rửa tay, quần áo bảo hộ thiếu như trước đây. Củng cố công tác dự báo, không để bị động như khi biến chủng Delta xuất hiện. Không cho phép anh nói việc "chưa có tiền lệ".

Các y, bác sĩ đã quá mệt, chưa có cuộc chiến nào họ xa gia đình lâu ngày như vậy. Sức khỏe bị suy giảm, phải có chính sách đãi ngộ với ngành y tế, đặc biệt là thu nhập. Y tế phường, xã phải được xem trọng. Với tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay thì có thể còn sinh ra nhiều loại dịch bệnh trong tương lai.

Với TP.HCM, là một địa phương đông dân, biên chế cho y tế xã phường phải được xem xét lại, có chính sách ưu tiên cho những địa bàn đông dân 100.000 - 150.000 người nhằm góp phần giúp công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn.

Quốc hội đã thông qua gói kinh tế quy mô 350.000 tỷ đồng hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Quốc hội đã thông qua gói kinh tế quy mô 350.000 tỷ đồng hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

An sinh xã hội

Dịch bệnh kéo dài đã hai năm, tác động tới nhiều mặt đời sống, đặc biệt ảnh hưởng tới công tác giảm nghèo. Hộ nghèo, cận nghèo có xu hướng tăng nên phải có chính sách hỗ trợ. Đặc biệt là hộ có người thân mất vì Covid cần quan tâm, xoa dịu tình thương và nỗi đau của trẻ em mồ côi. Trước giờ, chúng ta nói nhiều tới trẻ em mồ côi dưới 17 tuổi nhưng cần phải chú ý tới các em 18 tuổi trở lên, nhất là sinh viên đại học có cha mẹ mất thì rất sốc. Tiền học khó khăn, các em có thể đi làm thêm nhưng làm đâu, ai nhận, những em này không có tiền đóng học phí có thể gãy ngang giữa đường.

An sinh xã hội còn cần quan tâm người lao động thất nghiệp, chưa bao giờ số lượng này tăng cao như vậy. Quý 3 là nặng nhất, có 17 triệu lao động giảm việc làm và mất việc làm. Quý 4 bắt đầu phục hồi trở lại nhưng tình trạng lao động mất việc làm còn lớn nên phải có thêm chính sách. Trước đây có quỹ bảo hiểm thất nghiệp đã trả một lần, bây giờ nên trả thêm.

Hỗ trợ doanh nghiệp

Chỉ có ít doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng cơ hội nhờ ứng dụng công nghệ 4.0 sớm nên đã phát triển được những sản phẩm thương mại điện tử, giao dịch từ xa, làm việc tại nhà. Những doanh nghiệp này thích ứng nhanh, chuẩn bị tốt nhưng chỉ khoảng 10-20% còn lại 80% vất vả trong 2 năm qua. Cho nên các doanh nghiệp cần có gói hỗ trợ, những gì cần nộp cho ngưng lại, hoãn, giãn, giảm. Ví dụ về thuế, phí, tiền thuê đất, cơ cấu cợ, hoãn trả nợ, giảm phí lãi vay. Ngân hàng Nhà nước có Thông tư 01, 03, 14 thì tiếp tục kéo dài ít nhất tới hết năm 2022.

Bây giờ doanh nghiệp phục hồi cần vay vốn, mở rộng nên giúp hỗ trợ lãi suất. Đại đa số quan điểm chung là hỗ trợ 2% trên dư nợ vay mới và kéo dài khoảng 2 năm. Tôi đề nghị hỗ trợ cho dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng vì hiện nay dư nợ nền kinh tế khoảng trên 10 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ dành cho sản xuất kinh doanh khoảng 8-9 triệu tỷ đồng. Năm sau tăng dư nợ khoảng 12-14% tức tăng thêm 1 triệu tỷ đồng, hỗ trợ 2%/năm, khoảng 20.000 tỷ đồng và 40.000 tỷ đồng/2 năm.

Những doanh nghiệp nào được vay thì có cơ hội phục hồi. Còn doanh nghiệp không vay được khó mà phục hồi nổi thì cho giãn, hoãn. Doanh nghiệp đóng thuế thì giảm thuế, doanh nghiệp vay thì hỗ trợ lãi vay. Ngược lại, doanh nghiệp muốn vay nhưng không đủ điều kiện vay thì phải bảo lãnh qua quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có, thời gian qua có tiêu cực nhất định nên quỹ này yếu đi. Giờ phải củng cố quỹ, bổ sung vốn, con người để bảo lãnh doanh nghiệp vay và cần có nguồn lực cho quỹ này.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phải hỗ trợ tái đào tạo đội ngũ lao động phục vụ dự án thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, khai thác cho được thị trường 100 triệu dân của Việt Nam.

Nhà nước cần có quỹ đất để cho doanh nghiệp sản xuất tập trung, có khu đất dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại khu công nghệ cao chủ yếu doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp lớn còn doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ thấy đất ở đâu giá rẻ là làm nhà máy, xí nghiệp nhưng như vậy sẽ tác động tới môi trường.

Đầu tư công

Đầu tư công mang nhiều nhiệm vụ thực hiện các dự án lớn mang tầm quốc gia, có ảnh hưởng rộng, hiệu quả xã hội hơn là hiệu quả kinh tế. Quốc hội đã có quyết định 2,87 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 2021-2025, bình quân mỗi năm khoảng 550.000 tỷ đồng/năm nhưng bây giờ là gói tăng thêm.

Đại đa số ủng hộ tăng cho đầu tư tuyến giao thông, cụ thể là 12 tuyến cao tốc. Trước đây, dự kiến hợp tác công tư (PPP) nhưng dự án kéo dài hiệu quả không cao nên không thu hút nhà đầu tư, do đó đầu tư công cho 12 dự án này là hợp lý.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đã cao và nếu nâng được tổng thu thì tỷ lệ 24,8%/tổng thu ngân sách sẽ giảm. Tổng thu ngân sách năm 2021 ước vênh khoảng 180.000 tỷ đồng so với 2019 - giai đoạn trước dịch. Với riêng TP.HCM, năm 2019 thu 410.000 tỷ đồng, 2021 dự kiến giảm 40.000 tỷ đồng. Như vậy, bây giờ phải tính đầu tư công tăng thêm cho tỉnh, thành nào có khả năng làm tăng tổng thu ngân sách. Đông Nam bộ và Đồng bằng Sông Hồng chiếm 80% tổng thu ngân sách nên phải tăng đầu tư công cho hai khu vực này.

Nhà nước phải đầu tư thêm cho những động lực tăng trưởng đó. Điều chú ý nhất hiện nay là đường vành đai 3 cần nguồn vốn 100.000 tỷ đồng. Vành đai 3 quyết định cho động lực Đông Nam bộ - nơi đóng góp tới 40% GDP cũng như 40% tổng thu ngân sách của cả nước. 

Trong đầu tư công, nếu còn nguồn vốn thì giải quyết bài toán về đầu tư xã hội, về nhà ở; hiện nhà ở đang để cho ngân sách địa phương lo. Bài toán của TP.HCM là dành nguồn lực cho công tác nhà ở cho người có thu nhập thấp, người lao động. Theo quan điểm của tôi, hiện nay nên đầu tư nhà ở dưới dạng ký túc xá cho công nhân. Ví dụ, công nhân ở Đồng Tháp lên TP.HCM làm, ở xong về quê, sinh viên vào đại học ở xong về trả lại phòng cho người khác ở. Làm ký túc xá công nhân dễ hơn và người ta chỉ trả tiền thuê giống như thuê trọ nhưng cuộc sống tốt hơn, điều kiện tốt hơn, chi phí chỉ bằng thuê... giải quyết vấn đề vệ sinh, trật tự, giảm ô nhiễm, đảm bảo phòng chống dịch. Tôi ủng hộ làm ký túc xá hơn là làm nhà bán nhà cho công nhân, tiền đâu họ trả hay toàn tiền người đứng tên giùm. Chương trình nhà ở vừa qua thất bại vì vượt quá sức chi trả của người lao động. Nên cần tăng thêm nhà cho thuê dưới dạng ký túc xá mà Singapore đã làm nhiều.

Giải pháp phi tiền tệ

PGS.TS. Trần Hoàng Ngân đưa ra giải pháp phi tiền tệ, đó là giải pháp về thể chế, tháo gỡ các điểm nghẽn về luật pháp, xung đột hệ thống luật… khi tháo được thì các dự án bị vướng sẽ chạy.

Nếu Việt Nam có thêm nguồn lực thì tăng đầu tư, thúc đẩy lại quá trình nền kinh tế đi nhanh hơn. Ví dụ, đầu tư thêm cho hạ tầng số, chuyển đổi số, hỗ trợ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn làm nhưng không biết làm sao thì phải hỗ trợ. Doanh nghiệp ứng dụng được chuyển đổi số thì giảm được tiền thuê mặt bằng nhưng để chuyển đổi số được là phải có tiền và Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số. Nói chung phải hướng tới Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số, ứng dụng công nghệ cao, sử dụng trí tuệ nhân tạo, điện toán đám máy, big data... để làm được thì phải có gói đầu tư.

Nguyễn Như

Bình luận

Nổi bật

Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:11

(CL&CS) - Vừa qua, tại Hòa Bình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tổ chức Diễn đàn nông nghiệp chủ đề: “Khuyến nông gắn với du lịch nông nghiệp, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

Tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công

Tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công

sự kiện🞄Thứ năm, 14/11/2024, 09:03

(CL&CS) - Các bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước tập trung chỉ đạo, đôn đốc, tăng cường hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu trong giải ngân vốn đầu tư công. Các bộ, cơ quan, địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch năm 2024, khẩn trương thực hiện phân bổ chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án, phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn mới được bổ sung.

Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí

Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí

sự kiện🞄Thứ tư, 13/11/2024, 08:21

(CL&CS) - Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trong quy hoạch báo chí, có một nội dung rất quan trọng là Nhà nước tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho 6 cơ quan báo chí chủ lực để trở thành sức mạnh truyền thông; đồng thời trong quá trình sửa luật theo hướng, Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù về kinh tế báo chí cho các cơ quan báo chí chủ lực.