Văn hóa và Đời sống
Thứ sáu, 12/04/2024, 09:47 AM

Vị tướng nức danh trung nghĩa là ‘khai quốc công thần’ triều Nguyễn, được xưng tụng là 1 trong 5 mãnh tướng tài ba của ‘Ngũ hổ tướng Gia Định’

Khi bị Nguyễn Huệ bắt được, ông đành tạm theo Tây Sơn nhưng vẫn chỉ một lòng với Nguyễn Ánh.

Dòng dõi công lao mở đất

Nguyễn Huỳnh Đức sinh năm 1748 tại Giồng Cái Én thuộc làng Tường Khánh, huyện Kiến Hưng (nay thuộc phường Khánh Hậu, TP. Tân An, tỉnh Long An). Nguyễn Huỳnh Đức gốc họ Hoàng, tên Tường Đức. Vì kiêng tên của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng nên gọi "chệch" Hoàng thành Huỳnh. Nhờ lập được nhiều công lao trong việc phò giúp chúa Nguyễn nên được ban họ của Vua. Do đó, đổi họ và tên đệm, gọi là Nguyễn Huỳnh Đức.

Ông vốn dĩ là con nhà võ tướng. Ông nội của Nguyễn Huỳnh Đức là Huỳnh Châu, cùng với cha của ông là Huỳnh Lương đều là những võ tướng nổi tiếng ở xứ Đàng Trong, được các chúa Nguyễn phong làm chức Cai đội.

Chân dung truyền thần Hổ tướng Nguyễn Huỳnh Đức được vẽ năm 1802, hiện còn lưu giữ tại đền thờ ở Long An. Ảnh: Bùi Nguyên Đào Thụy

Chân dung truyền thần Hổ tướng Nguyễn Huỳnh Đức được vẽ năm 1802, hiện còn lưu giữ tại đền thờ ở Long An. Ảnh: Bùi Nguyên Đào Thụy

Từ năm 1731, các ông theo tướng Trương Phước Vĩnh dẹp yên cuộc nổi loạn Sá Tốt của người Chân Lạp. Vua nước Chân Lạp đã xin đem vùng đất Peam Mesar, nay gọi là Mỹ Tho, cùng với vùng đất bấy giờ gọi là Long Hor (bây giờ là Vĩnh Long) dâng cho chúa Nguyễn Phúc Chú. Vị chúa này sau đó đã chấp thuận ngay, cho chuyển đặt Peam Mesor và Long Hor thành châu Định Viễn, dinh Long Hồ.

Các tướng Huỳnh Châu, Huỳnh Lương sau khi lập công đã trở thành nhân vật trọng yếu trong bộ máy của chúa Nguyễn. Hai người nuôi dạy, rèn tập cho Nguyễn Huỳnh Đức nên người, kế nghiệp vẻ vang trong bối cảnh đó.

Nức danh trung nghĩa

Luyện binh từ nhỏ, Nguyễn Huỳnh Đức được sách sử chép lại là có "dung mạo khôi ngô, khoẻ mạnh hơn người, ai cũng coi là Hổ tướng". Ông vừa rèn tập võ nghệ vừa khai hoang, vỡ đất, đánh đuổi thú dữ, trở thành một thủ lĩnh có tiếng ở quê hương. Đương thời, ông cùng Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Trương, Nguyễn Văn Nhơn, Trương Tấn Bửu được người thời bấy giờ xưng tụng là "Ngũ hổ tướng Gia Định".

Năm 1781, ở độ tuổi "tam thập nhi lập", ông gia nhập lực lượng "Đông Sơn quân" của tướng Đỗ Thành Nhơn, theo giúp chúa Nguyễn Ánh chống đánh quân Tây Sơn. Sau này chủ tướng bị Nguyễn Ánh giết nhưng bộ tướng Nguyễn Huỳnh Đức vẫn được chúa Nguyễn Ánh tin dùng, thậm chí đến năm 1782 còn được phong chức Tiền Quân. Từ đây, Nguyễn Huỳnh Đức gắn bó chặt chẽ cuộc đời của mình với chúa Nguyễn Ánh.

Di tích trung thần Nguyễn Huỳnh Đức tại TP Tân An, tỉnh Long An

Di tích trung thần Nguyễn Huỳnh Đức tại TP Tân An, tỉnh Long An

Sách Đại Nam chính biên liệt truyện kể nhiều về mối thâm tình của Huỳnh Đức với vua Gia Long. Trong đó có việc, khi vua tôi nhà Nguyễn phải chạy tan tác vì bị quân Tây Sơn đánh thua xiểng liểng ở Sài Gòn, Huỳnh Đức vẫn chạy theo cứu giá, lựa đường đưa vua lên thuyền trốn về miền Tây.

Khi thuyền mắc cạn giữa sình lầy, trong đêm tối, ở mặt rừng phía trước thấy trắng những cánh cò ngủ đậu nhưng “trông gà hóa cuốc” tưởng là cờ hiệu của Tây Sơn trên nóc các cột buồm, Nguyễn Ánh đã hoảng loạn toan bỏ thuyền, lên bờ chạy tiếp. Duy chỉ có Nguyễn Huỳnh Đức nhận ra cánh cò không phải cờ hiệu, lại ngại lội sông lên bờ sẽ gặp cá sấu nên cố giữ chúa ở lại thuyền. Vì quá mệt mỏi, giữa đêm vua gối đầu vào đùi Huỳnh Đức ngủ. “Hổ tướng” cứ thế xua muỗi suốt đêm cho vua, vừa canh chừng động tĩnh.

Đến sáng, tỉnh giấc, nhận ra tình cảnh ấy, vua Gia Long cảm động, khen ông là người có lòng trung quân, coi Huỳnh Tường Đức là người cùng dòng máu.

Bàn thờ Hổ tướng Nguyễn Huỳnh Đức tại Long An. Ảnh: Bùi Nguyên Đào Thụy

Bàn thờ Hổ tướng Nguyễn Huỳnh Đức tại Long An. Ảnh: Bùi Nguyên Đào Thụy

Năm 1783, Nguyễn Huỳnh Đức đánh với quân Tây Sơn nhưng thua, bị bắt cùng 500 thuộc hạ. Nguyễn Huệ thấy ông khỏe mạnh, muốn thu dùng. Không còn đường nào khác, Nguyễn Huỳnh Đức đành tạm theo Tây Sơn nhưng vẫn chỉ một lòng với Nguyễn Ánh, luôn nuôi ý trốn về.

Thời gian lưu lại doanh trại của Nguyễn Huệ, do nhớ thương chủ cũ nên trong lòng ông thường phẫn uất. Một đêm mơ ngủ, Nguyễn Huỳnh Đức quát mắng Nguyễn Huệ rất to. Quân tướng giận, muốn đem giết nhưng Nguyễn Huệ cho là lời trong giấc ngủ, không nỡ bắt tội.

Nguyễn Huệ còn tặng ông rất nhiều châu ngọc, muốn tỏ sự hậu đãi để lôi kéo nhưng Huỳnh Đức vẫn không suy chuyển. Ông lập lời thề với Quang Trung rằng, chỉ giúp đánh họ Trịnh chứ không quay giáo đánh chúa Nguyễn. Vị anh hùng Tây Sơn vì thế càng mến tài trung nghĩa của ông.

Ba năm sau, khi Nguyễn Huệ đưa quân Tây Sơn ra Bắc "Phù Lê diệt Trịnh" thì có đưa Nguyễn Huỳnh Đức theo. Sau khi toàn thắng, dẫn quân trở về Phú Xuân, Nguyễn Huệ đã để lại Nguyễn Huỳnh Đức làm phó tướng cho chánh tướng Nguyễn Văn Duệ, trấn thủ Nghệ An.

Nơi chôn cất thi hài danh tướng Nguyễn Huỳnh Đức

Nơi chôn cất thi hài danh tướng Nguyễn Huỳnh Đức

Người này vốn là thuộc hạ của Nguyễn Nhạc nên không thích ở dưới quyền của Nguyễn Huệ. Huỳnh Đức nhân đó lập mưu bảo Duệ theo đường tắt trong rừng mà lẻn về Quy Nhơn với Nhạc. Duệ tin lời, đem hơn 5.000 quân theo đường rừng về Nam. Khi đi, ông xin làm tiền phong và được Duệ sai đi trước mở đường.

Đi được hơn mươi ngày, ông cho người đến tạ ơn Duệ rồi đưa thuộc hạ sang hướng khác, tránh Duệ mang quân truy đuổi. Đi đường rừng hiểm trở, mất nhiều thời gian nên lương cạn, quân sĩ phải ăn lá cây. Sau đó ông lần đường đến xứ Vạn Tượng (tức Viêng Chăn ngày nay) rồi đi tiếp sang Xiêm La, vì những tưởng Nguyễn Ánh đang nương náu ở đây.

Tuy nhiên, lúc này, Nguyễn Ánh đã trở về Gia Định. Vua ở đây cũng muốn giữ lại làm tướng nhưng ông nhất quyết về Sài Gòn tìm chúa Nguyễn Ánh. Biết không thể mua chuộc được Nguyễn Huỳnh Đức, vua Xiêm đành phải cấp cho binh thuyền để ông tìm đường về nước gặp Nguyễn Ánh.

Năm 1799, ông được thăng chức Chưởng quản Hữu quân dinh, dẫn binh ra đánh, lấy được Phan Ri (Bình Thuận) rồi Thi Nại (Bình Định). Năm 1800, Nguyễn Huỳnh Đức lại dẫn quân đánh hạ được thành Quy Nhơn. Những trận đánh này đã giúp Nguyễn Ánh xoay chuyển cục diện chiến trường. Sau khi chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Ánh giao ông trấn giữ thành Quy Nhơn.

Bình phong có bài minh văn do chính vua Gia Long ngự phê

Bình phong có bài minh văn do chính vua Gia Long ngự phê

Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, Nguyễn Huỳnh Đức được phong Quận công, liệt vào hàng "khai quốc công thần". Năm 1810, ông được làm Tổng trấn Bắc thành kiêm Khâm sai Chưởng tiền quân. Sáu năm sau, ông làm Tổng trấn Gia Định cùng với Hiệp Tổng trấn Trịnh Hoài Đức, cai quản toàn miền Nam, trở thành người duy nhất trong lịch sử buổi đầu triều Nguyễn lần lượt làm Tổng trấn cả hai miền.

Năm 1819, Nguyễn Huỳnh Đức mất khi đang tại chức, thọ 71 tuổi, an táng ở Long An. Ông được thờ ở miếu Trung hưng công thần tại Huế.

“Hổ chết để da, người chết để tiếng”

Cách trung tâm TP. Tân An chừng 3,5km về phía Tây, lăng Nguyễn Huỳnh Đức là một quần thể kiến trúc bao gồm các công trình chính như cổng, lăng mộ và đền thờ Kiến Xương Quận công. Lăng được xây dựng năm 1817 (trước khi ông mất) và vẫn còn tồn tại gần như nguyên vẹn cho đến ngày nay. Di tích chịu ảnh hưởng bởi phong cách, kiểu dáng kiến trúc thời Nguyễn nhưng vẫn mang bản sắc địa phương và đã trở thành điển hình cho lối kiến trúc lăng mộ của tầng lớp quan lại đầu thế kỷ XIX.

Khu mộ của Hổ tướng Nguyễn Huỳnh Đức tại Long An hiện được dòng họ chăm sóc tốt

Khu mộ của Hổ tướng Nguyễn Huỳnh Đức tại Long An hiện được dòng họ chăm sóc tốt

Đặc biệt, bên trong đền thờ có bộ da hổ nhồi trấu. Ông Nguyễn Huỳnh Thoại - cháu đời thứ 7, người trông coi lăng mộ giải thích: “Năm 1965, bộ da hổ này được tặng để tỏ lòng kính trọng một bậc công thần khai quốc triều Nguyễn. Đồng thời, cũng với ý nghĩa là cụ dũng mãnh như hổ”.

Tiến sĩ Lê Hữu Phước - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, cho biết, Nguyễn Huỳnh Đức là võ tướng trung nghĩa vẹn toàn. Vị tướng quân được nhiều vua chúa yêu mến, quý trọng vì lòng trung nghĩa, đạo đức.

Ông cũng chia sẻ thêm, công đức của tiền nhân là di sản hết sức quý báu, thiêng liêng mà các thế hệ kế thừa phải nối tiếp nhau giữ gìn và phát huy giá trị. Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức chính là bậc tiền nhân được lưu danh hiển hách trong sử sách và được nhân dân địa phương tôn thờ như một vị tướng vẹn toàn trung nghĩa.

Tấm lòng trung hiếu của “Hổ tướng” Nguyễn Huỳnh Đức được đời sau ca tụng qua nhiều câu thơ: Quận công Huỳnh Đức nghĩa trung/ Cảm lòng chúa Nguyễn, Quang Trung mến tài/ Hổ tướng có một, không hai/ Người đầy dũng mãnh mấy ai sánh bì?/ Một lòng thề nguyện khắc ghi/ Phò vua vượt khó sá chi thân mình/ Qua khốn khổ đến bình minh/ Công trạng như núi hiển vinh muôn đời.

Bàn thờ hổ với bộ da hổ nhồi trấu bên trong đền thờ

Bàn thờ hổ với bộ da hổ nhồi trấu bên trong đền thờ

Hiện, tên ông được đặt cho nhiều đường tại các tỉnh miền Tây như Long An, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long. Trước 1985, Sài Gòn có đến hai con đường mang tên Nguyễn Huỳnh Đức nhưng đã đổi thành đường Trần Tuấn Khải (quận 5) và Huỳnh Văn Bánh (Phú Nhuận). Ngoài ra, trước năm 1976, quận 5 còn có phường Nguyễn Huỳnh Đức, ngày nay là địa bàn các phường 5 và 6.

Tham khảo:
- Hổ tướng Sài Gòn nức danh trung nghĩa - Báo VnExpress (16/10/2016)
- Hổ tướng Nguyễn Huỳnh Đức - Báo Long An (30/01/2022)
- Nguyễn Huỳnh Đức và tấm lòng trung trinh của người mở đất - Báo Người Lao Động (18/12/2022)

Nam Trần

Bình luận

Nổi bật

Cô gái đạt điểm thi 29/42 Olympic Toán quốc tế cao nhất Việt Nam, sang Mỹ nhờ học bổng Chính phủ

Cô gái đạt điểm thi 29/42 Olympic Toán quốc tế cao nhất Việt Nam, sang Mỹ nhờ học bổng Chính phủ

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 23:39

Dù đã 16 năm trôi qua nhưng thành tích mà cô gái này đạt được vẫn là kết quả cao nhất của học sinh nữ Việt Nam trên đấu trường Olympic Toán quốc tế.

Việt Nam chính thức thông tuyến cao tốc đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận, chạy băng những cánh đồng điện gió đẹp mê ở vùng 'gió như phang, nóng như rang'

Việt Nam chính thức thông tuyến cao tốc đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận - Bình Thuận, chạy băng những cánh đồng điện gió đẹp mê ở vùng 'gió như phang, nóng như rang'

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 23:35

Mỗi thời điểm trong năm, cánh đồng điện gió lại khoác trên mình chiếc áo với sắc màu khác nhau mang đến khung cảnh tuyệt đẹp.

2 gia vị rẻ bèo là ‘thần dược’ hạ đường huyết, ngăn biến chứng tiểu đường, hầu như nhà nào cũng để sẵn trong bếp

2 gia vị rẻ bèo là ‘thần dược’ hạ đường huyết, ngăn biến chứng tiểu đường, hầu như nhà nào cũng để sẵn trong bếp

sự kiện🞄Thứ hai, 29/04/2024, 23:32

Trong gian bếp của mỗi gia đình thường có 2 gia vị "quốc dân" giúp hạ đường huyết, ngăn biến chứng tiểu đường hiệu quả.