Khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025
(CL&CS) - Ngày 6/5, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 khai mạc với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.
Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người
Đại lễ Vesak chính thức diễn ra từ ngày 6-8/5 tại Học viện Phật giáo Việt Nam (huyện Bình Chánh, TPHCM). Đây là một sự kiện đối ngoại hết sức quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, với sự tham dự của các đại biểu quốc tế đến từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường và Đại lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Đức Pháp chủ GHPGVN tham dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025
Tham dự khai mạc có Chủ tịch nước Lương Cường ; nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó thủ tướng Mai Văn Chính; Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thanh Nghị; Bộ trưởng Bộ Dân tộc - Tôn giáo Đào Ngọc Dung...
Đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc là một trong những sự kiện văn hóa quốc tế quan trọng được Liên Hiệp Quốc công nhận, nhằm tôn vinh các giá trị nhân văn và hòa bình toàn cầu.
Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 20 có chủ đề: "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững", được Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức tại TP.HCM nhân dịp đất nước Việt Nam kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất và kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Nhiều phật tử dõi theo lễ cung thỉnh xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức về Việt Nam Quốc Tự - Ảnh: Fanpage Vesak 2025
Đại lễ Vesak 2025 là dịp để tín đồ Phật giáo trên khắp thế giới cùng tưởng niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn của Đức Thích Ca Mâu Ni; là dịp để thắt chặt tình đoàn kết với bạn bè khắp năm châu và giới thiệu những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, góp phần xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc và hữu nghị.
Bên cạnh 2 thông điệp chính về “đoàn kết” và “bao dung” - vốn là truyền thống văn hóa Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước - thì chủ đề của Đại lễ cũng thể hiện thông điệp của Liên Hợp Quốc về hòa bình, phát triển bền vững; lấy con người làm trung tâm, chủ thể; vì nhân sinh, nhân phẩm con người; vì sự phát triển bền vững và hòa bình thế giới.
Theo hòa thượng Thích Thiện Nhơn, chủ đề "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững" chính là thông điệp cấp thiết hơn bao giờ hết, mang một ý nghĩa đầy nhân văn, sâu sắc và đầy tính thời đại mà cộng đồng Phật giáo muốn gửi đến toàn thế giới.
Theo hòa thượng, trong một thế giới còn nhiều bất ổn, con người luôn phải đối mặt với nhiều thách thức chưa từng có, thì hơn bao giờ hết chúng ta cần phải khơi dậy tinh thần đoàn kết và bao dung, lấy con người làm trung tâm của mọi hành động.
Đức Phật có dạy rằng "Tất cả chúng sinh đều có Phật tính". Đó chính là lời khẳng định về giá trị và phẩm giá bình đẳng của mọi con người, không phân biệt màu da, tôn giáo, quốc tịch hay địa vị xã hội. Đồng thời Đức Phật cũng chỉ ra cho chúng ta thấy "Không có con đường nào dẫn đến hòa bình, mà chính hòa bình là con đường".
Tinh thần đoàn kết và bao dung không chỉ là lời dạy của Phật giáo mà còn là nguyên lý cốt lõi của Liên hợp quốc. Trong một thông điệp gửi đến Đại lễ Vesak những năm trước, tổng thư ký Liên hợp quốc từng nhấn mạnh "Tuệ giác Phật giáo có thể giúp nhân loại tìm lại sự cân bằng, vượt qua chia rẽ và kiến tạo một thế giới dựa trên lòng nhân ái, sự bền vững, tôn trọng nhân phẩm con người".
Vì vậy chúng ta cùng nhau kêu gọi hãy gác lại những khác biệt để xây dựng một cộng đồng toàn cầu đoàn kết; hãy dùng ánh sáng của trí tuệ để hóa giải vô minh và bạo lực; hãy lấy con người làm trung tâm, tôn trọng phẩm giá, không ai bị bỏ lại phía sau trên hành trình phát triển bền vững.
Nhiều hoạt động ý nghĩa được diễn ra
Trước đó, ban tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 tổ chức lễ thượng kỳ lá cờ Phật giáo có kích thước 500m² trong khuôn viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM - cơ sở 2. Tính đến thời điểm này, đây là lá cờ Phật giáo có kích thước lớn nhất thế giới. Lá cờ được may bằng vải siêu bền theo truyền thống quốc tế. Cờ có năm màu: xanh, vàng, đỏ, trắng và cam, được sắp xếp thứ tự theo mẫu chuẩn của cờ Phật giáo, chiều dài 25,69m, chiều ngang 19,47m. Trong đó chiều dài 25,69m có ý nghĩa biểu tượng chiều dài lịch sử Phật giáo qua 2.569 năm.
Năm màu sắc của lá cờ còn là biểu tượng cho sự gắn kết năm châu, thể hiện khát vọng hòa bình thế giới, cũng là ước vọng của Phật giáo muốn lan tỏa lòng từ bi, đúng theo tinh thần chủ đề Vesak năm nay.
Cũng trước đó, triển lãm Văn hóa Phật giáo Việt Nam khai mạc trưng bày 87 bảo vật quốc gia nhằm giới thiệu những nét khái quát về văn hóa Phật giáo Việt Nam trên các khía cạnh ngôn ngữ, pháp phục, kiến trúc, di sản, qua đó thể hiện sự phong phú, đa dạng của văn hóa Phật giáo Việt Nam.
Mỗi bức tượng, tác phẩm thư pháp, bảo vật có câu chuyện, là tiếng vọng của nghìn năm lịch sử đạo Phật, in đậm trong lòng người dân Việt Nam. Đi kèm các giá trị Phật giáo tiêu biểu đã được Nhà nước công nhận Bảo vật quốc gia là hệ thống hình ảnh, tư liệu và trích đoạn giới thiệu về giá trị của chúng đang được lưu giữ tại các bảo tàng, tu viện, di tích lớn trên cả nước.
Mỗi bảo vật đều gắn với một thời kỳ lịch sử, phản ánh sâu sắc sự hòa quyện giữa nghệ thuật, tín ngưỡng và tư tưởng triết lý nhà Phật.
Đoàn đại diện Phật giáo Việt Nam đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cung thỉnh xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức về Việt Nam Quốc Tự (TP.HCM) tôn trí. Thông báo của hòa thượng Thích Lệ Trang - phó chủ tịch Hội đồng trị sự, trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, phó chủ tịch Ủy ban tổ chức Đại lễ Phật đản Vesak Liên hợp quốc 2025 - nhận định: "Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân ngày 20-6-1963 tại ngã tư Lê Văn Duyệt và Phan Đình Phùng, Sài Gòn (nay là ngã tư đường Cách Mạng Tháng 8 - Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP.HCM) để lại xá lợi trái tim bất diệt, biểu tượng cho tinh thần từ bi, trí tuệ của Phật giáo và truyền thống dân tộc Việt Nam".
Xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức được cung thỉnh, tôn trí tại Việt Nam Quốc Tự (số 242-244 đường 3 Tháng 2, phường 12, quận 10, TP.HCM). Theo ban tổ chức, thời gian chiêm bái sẽ bắt đầu từ 14h ngày 6 đến 10-5. Sau đó ban tổ chức cung thỉnh xá lợi trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức tôn trí vĩnh viễn tại tháp Đa Bảo của Việt Nam Quốc Tự.
Năm 2025 là lần thứ tư Việt Nam tổ chức sự kiện trọng đại này, sau thành công trong việc tổ chức đại lễ Phật đản Vesak Liên Hiệp Quốc tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình (TP.Hà Nội) năm 2008, tại chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình) năm 2014, tại chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) năm 2019.
Thiện Phúc
- ▪Vesak 2025: Loạt hoạt động trong ngày hội lớn nhất của Phật giáo tại núi Bà Đen
- ▪Du khách sẽ được chiêm bái bảo vật Phật giáo tại núi Bà Đen
- ▪Tâm điểm CL&CS: Tính lãi 0,05%/ngày đối với chậm nộp phạt giao thông
- ▪Ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới xây dựng từ 300.000 viên đá núi lửa, đứng vững suốt 1.200 năm mà không cần xi măng
Bình luận
Nổi bật
Khai mạc Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025
sự kiện🞄Thứ ba, 06/05/2025, 11:11
(CL&CS) - Ngày 6/5, Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025 khai mạc với chủ đề “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững”.
Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân bắt đầu thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan
sự kiện🞄Thứ ba, 06/05/2025, 11:09
Đúng 17h25' (giờ địa phương), ngày 5/5, chuyên cơ chở Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân, cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến Sân bay Astana (Kazakhstan), bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan từ ngày 5-7/5, theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev.
Tổng Bí thư Tô Lâm: Lắng nghe ý kiến Nhân dân khi góp ý sửa đổi Hiến pháp 2013
sự kiện🞄Thứ hai, 05/05/2025, 14:54
Tham gia thảo luận tại Tổ 1 (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, tại Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thảo luận, quyết định nhiều nội dung quan trọng, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013. Công việc này phải bảo đảm đúng quy trình, quy định. Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu lắng ý kiến của Nhân dân khi góp ý với nội dung rất quan trọng này.
anh đứcLorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipisicing elit. Quis cum, ut esse cupiditate autem. Dolor est dolorem sunt, sequi omnis corporis cumque ratione accusamus ex deserunt, molestiae consequuntur natus beatae.