Thứ tư, 20/12/2023, 11:50 AM

Vì đâu tuyến đường ven biển gần 4.000 tỷ đi qua Hải Phòng, Thái Bình đang xây lại dừng?

Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình đã thi công đạt đến hơn 70% nhưng hiện chủ đầu tư phải tạm ngừng do nhiều nguyên nhân.

Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình đầu tư theo hình thức đối tác công tư (BOT) được nhà đầu tư triển khai từ năm 2018 dự kiến cuối năm 2020 hoàn thành. Gặp nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai, dự án được gia hạn thời gian hoàn thành vào cuối tháng 6/2023. Tuy nhiên, tới nay dù đã quá hạn, dự án mới hoàn thành gần 70% giá trị và đang phải thi công cầm chừng chờ "giải cứu".

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển đoạn qua TP. Hải Phòng và tỉnh Thái Bình dài gần 30km. Trong đó, 20,7km của tuyến đi qua 3 quận, huyện: Đồ Sơn, Tiên Lãng và Kiến Thụy (TP.Hải Phòng); 9km qua địa bàn huyện Thái Thụy (Thái Bình).

Dự án được UBND TP. Hải Phòng phê duyệt, điểm đầu tại nút giao đường tỉnh 353 thuộc quận Đồ Sơn, TP. Hải Phòng, điểm cuối trên Quốc lộ 37 mới, khớp nối với dự án đường ven biển qua địa phận huyện Thái Thụy, Thái Bình.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.768 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước là 720 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng trên địa bàn TP. Hải Phòng. Phần vốn đầu tư xây dựng hơn 3.000 tỷ đồng do nhà đầu tư đảm nhiệm gồm vốn chủ sở hữu 900 tỷ đồng và vốn vay hơn 2.100 tỷ đồng.

cau-van-uc-1009

Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình chậm tiến độ do nhiều lần gặp khó về vay vốn.

Ban đầu nhà đầu tư thực hiện dự án là liên danh bốn doanh nghiệp gồm Tổng công ty Xây dựng số 1-CTCP (CC1), Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng Bùi Vũ, Tổng công ty IDICO - CTCP và Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông 9. Liên danh đã thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư đường ven biển Hải Phòng để thực hiện dự án BOT này.

Dự án sau khi triển khai đã gặp khó khăn về vốn vì trong năm 2018-2019 nguồn vốn vay BOT bị siết chặt. Ngân hàng ban đầu dự định cho vay vốn đã từ chối cho vay, dự án bế tắc do không có vốn triển khai. Đến năm 2020, hai thành viên xin rút khỏi dự án. Công ty Cổ phần Đầu tư đường ven biển Hải Phòng được cơ cấu lại với hai thành viên là Tổng Công ty Xây dựng số 1-CTCP và Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bùi Vũ.

Theo Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hải Phòng, dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình thực hiện theo hình thức BOT. Do khó khăn về vốn nên dự án đã bị chậm tiến độ, không thể hoàn thành vào cuối năm 2020, nên đã được gia hạn thời gian hoàn thành thi công xây dựng đến ngày 30/6/2023. 

Nguyên nhân chậm tiến độ một phần do trước đó ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 gây nên khan hiếm nhân công, tác động của một số thay đổi cơ chế chính sách như thắt chặt tín dụng... Đặc biệt, trong quá trình thi công, các nhà thầu gặp khó khăn về nguồn vật liệu cát và giá các loại nguyên vật liệu tăng cao. Cụ thể, giá cát thời điểm ký hợp đồng chỉ khoảng 95.000 đồng/m3 thì thời điểm này đã tăng lên tới trên 200.000 đồng/m3. Nguồn cung cấp cát san lấp cũng vô cùng khan hiếm.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai dự án đường ven biển nối Hải Phòng - Thái Bình, được cho là gặp vướng mắc liên quan đến áp dụng quy định về lãi suất vốn vay dẫn đến có sự chênh lệch lớn giữa lãi suất doanh nghiệp dự án phải hạch toán với bên cho vay và lãi suất được quyết toán theo quy định của hợp đồng BOT.

Với việc chưa điều chỉnh lãi suất vốn vay được cho là sẽ dẫn đến rủi ro lớn cho chủ đầu tư dự án đường ven biển nối Hải Phòng - Thái Bình. Bởi vậy, chủ đầu tư đã có văn bản về việc dừng thực hiện Hợp đồng BOT số 68/HĐ.BOT cho đến khi các bên thương thảo, đàm phán điều chỉnh lãi suất vốn vay, nguyên tắc xác định vốn vay.

Được biết, liên quan đến vấn đề này, hiện UBND TP. Hải Phòng đã có báo cáo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc điều chỉnh lãi suất vốn vay Hợp đồng BOT Dự án đường ven biển nối Hải Phòng - Thái Bình theo quy định tại Khoản 2, Điều 14 và Khoản 3, Điều 26 Thông tư số 88/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Dự án tiếp tục “lỗi hẹn”, không thể hoàn thành trong năm 2023 theo lần gia hạn trước đó. Hiện nhà đầu tư đang rà soát, xác định chính xác, cụ thể thời gian hoàn thành của dự án.

Minh Châu

Bình luận

Nổi bật

Đắk Lắk bất ngờ tuyên án tử cho khu đô thị tiền tỷ vì bị bỏ trống nhiều năm

Đắk Lắk bất ngờ tuyên án tử cho khu đô thị tiền tỷ vì bị bỏ trống nhiều năm

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 20:00

Dự án vốn được chấp thuận từ năm 2019, nhưng đến nay vẫn là bãi đất trống, được quây tôn.

Tập đoàn Ceo Group sẽ 'bắt tay' với doanh nghiệp Nhật làm trung tâm đào tạo điều dưỡng

Tập đoàn Ceo Group sẽ 'bắt tay' với doanh nghiệp Nhật làm trung tâm đào tạo điều dưỡng

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 17:03

Đây là một trong những điểm đáng chú ý tại Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 2 của Tập đoàn Ceo Group.

Việt Nam sẽ có sân vận động đạt chuẩn quốc tế trong năm 2024?

Việt Nam sẽ có sân vận động đạt chuẩn quốc tế trong năm 2024?

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 16:06

Sân vận động được thiết kế có sức chứa lên tới 22.000 khán giả, có mái che và các hệ thống trang thiết bị đồng hồ hiện đại, diện tích sân bóng đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế