TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký VINASME: Doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng với tình hình mới!

(CL&CS) - Năm nay giới Doanh nhân Việt Nam kỷ niệm ngày của mình trong bối cảnh đặc biệt. Dịch COVID-19 đã tác động nặng đến hoạt động của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt các DN nhỏ và vừa (DNNVV). Nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) đã trả lời phòng vấn TC Chất lượng và cuộc sống…

Thưa ông, dịch COVID-19 tác động như thế nào đến DNNVV Việt Nam? DNNVV đang phải đối mặt với những thách thức nào?

Trước những tác động bất lợi của đại dịch COVID-19, suy thoái kinh tế toàn cầu là điều không thể trách khỏi và thực sự là nó đang diễn ra mạnh mẽ. Đó cũng chính là thách thức vô cùng lớn đối với Việt Nam, với tư cách là một nền kinh tế có độ mở lớn, sau gần hai năm chống chọi với đại dịch, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4 gần đây.

Có quá nhiều bằng chứng cho thấy đại bộ phận các DN đang đuối sức, đặc biệt là các DNNVV, hộ kinh doanh. Đại dịch khiến gần đại bộ phận các DN trong các lĩnh vực ngành nghề đều sụt giảm nguồn thu, lợi nhuận âm hoặc sụt giảm nghiêm trọng, thiếu nguồn cung ứng nguyên liệu, thiếu nguồn lao động do chính sách giãn cách xã hội, nhưng có nơi lại thừa nguồn lao động do doanh thu giảm, DN không thể duy trì hoạt động…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2021 cả nước có hơn  85 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020. Cũng có nghiên cứu khác cho rằng tổng cầu trong các DN giảm trên 50%. Trong đó, ngành Du lịch, lưu trú, ăn uống  giảm rất mạnh khoảng 87%, các DN nhỏ và siêu nhỏ doanh thu giảm khoảng  72%...

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME)

TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME)

Thách thức lớn nhất của các DN hiện nay chính là xuất phát từ các biện pháp phống dịch. Chúng ta thực hiện mục tiêu kép, có nghĩa vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch mà công cụ thực hiện 2 mục tiêu này ngược nhau. Đây là vấn đề phải chấp nhận, bới nếu “mở” ra thì tình hình rất phức tạp trong điều kiện vắc- xin chưa được bao phủ. Cộng đồng kinh doanh cũng hiểu điều đó.

Nhưng với các DNNVV khó khăn này lại nhân lên gấp bội. Mặc dù tính chất linh hoạt, mềm dẻo có thể là lợi thế của DNNVV trong một trường kinh doanh bình thường, nhưng trong môi trường kinh doanh thực hiện các biện pháp chống dịch (chi phí phòng chống dịch, test COVID-19, thực hiện “3 tại chỗ”...), với quy mô nhỏ, địa bàn nhỏ, vốn tích lũy không nhiều, sau gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh, nguồn vốn đã  cạn kiệt trong khi khả năng tiếp cận vốn mới khó khăn, thì DNNVV rất khó khăn...

Hiện nay, Chính phủ các Bộ ngành có nhiều chính sách hỗ trợ DN, các DNNVV tiếp cận các chính sách này như thế nào thưa ông?

Trong thời gian qua, Việt Nam đã chủ động ban hành các chính sách hỗ trợ DN  với mục tiêu chủ yếu là tập trung vào hỗ trợ người lao động, hỗ trợ các DN thông qua việc miễn, giảm, giãn hoãn các loại thuế, phí, bảo hiểm, cung cấp khoản vay ưu đãi, bảo lãnh tín dụng; giảm giá điện, nước, điện thoại … nhằm duy trì sự tồn tại của các DN, giảm thiểu việc sa thải lao động, thất nghiệp và bảo đảm mức thu nhập ổn định cho người lao động trong thời gian giãn cách. Mục tiêu xa hơn là thông qua ngăn chặn sự suy giảm để chuẩn bị cho giai đoạn kích thích phục hồi. Các chính sách bao gồm các biện pháp là tương đối rõ ràng và đúng hướng, việc xác định các đối tượng hỗ trợ nhận được sự đồng thuận cao trong cộng đồng kinh doanh, người dân và các học giả, chuyên gia. Và đang từng bước phát huy hiệu quả, đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, thực tế khảo sát cho thấy, DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ này không đồng đều. Khảo sát của chúng tôi cho thấy, trong khi chính sách thuế, BHXH được DN đánh giá là thiết thực nhất, thì nhiều chính sách chưa đạt được hiệu quả mong muốn, ví dụ như chính sách hỗ trợ tín dụng...

Trong thời gian qua Ngân hàng nhà nước cũng có nhiều chính sách hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng với lãi suất thấp, thủ tục nhanh gọn, Vậy vướng mắc ở đâu, thưa ông?

Khảo sát của chúng tôi cho thấy, có đến 75% DNNVV cho biết khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Đúng là Ngân hàng nhà nước rất tích cực cải thiện khả năng tiếp cận vốn của DNNVV từ các nguồn vốn chính thống của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên chuẩn tín dụng của các ngân hàng Việt Nam rất cao, các DNNVV không đáp ứng được (như độ minh bạch về SXKD, tài sản bảo đảm, giải trình dòng tiền, khả năng thu hồi vốn…). Thực ra ngân hàng cũng muốn cho vay nhưng quy định của pháp luật là như vậy nên DN không làm thế nào tiếp cận được...

Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ khuyến khích thành lập các quỹ như Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ phát triển DNNVV…, nhưng cũng không phát huy được hiệu quả. Cơ bản là phạm vi hoạt động của quỹ rất hạn chế, chủ yếu hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo mà DN đổi mới sáng tạo chỉ chiếm  trên dưới 1% DNNVV; Thêm nữa, Quỹ có vốn thấp, năng lực vốn yếu, cơ chế vừa cho vay, vừa ủy thác qua ngân hàng đã làm cho cung đường dài ra, thủ tục đương nhiên phải tăng thêm so với cho vay thông thường. Với Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV ở các địa phương, kết quả cho thấy, số lượng không đáp ứng được bao nhiêu cho DN. Cũng là do cơ chế tổ chức của nó vẫn vướng do liên quan đến các chủ thể khác nhau, vướng mắc về các mối quan hệ, thẩm quyền...

Đại dịch cũng chính là cơ hội để DN nhìn lại mình. Ông có lời khuyên nào cho DN trong bối cảnh hiện nay?

Con số hơn  85 nghìn DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng đầu năm là con số rất lớn. Nhưng cũng phải nói rằng, trong số đó có không ít DN đã hoạt động sa sút từ trước mà dịch COVID-19 chỉ thúc đẩy nhanh hơn quá trình ngừng hoạt động, giải thể. Tất nhiên điều này còn mang tính quy luật sàng lọc của kinh tế thị trường. Bây giờ đặt vấn đề này có vẻ là vô cảm nhưng đó là thực các DN cần nhìn lại chính mình.

Về phía DN, điều quan trọng đầu tiên là DN cần phải thích ứng với tình hình mới. Để làm được điều đó, trước hết DN cần cơ cấu lại, không làm tràn lan, phải số hóa những gì cần số hoá để làm sao nâng cao khả năng cạnh tranh hơn, bởi thị hiếu của người tiêu dùng, của bạn hàng cũng bắt đầu thay đổi theo chiều hướng sử dụng số hóa nhiều hơn. Thứ hai, DN không thể không thực hiện tốt các quy định về phòng dịch, bởi chỉ cần 1 ca FO trong DN thì DN đã bị ảnh hưởng rất nhiều rồi. Đặc biệt, DN phải hết sức chú trọng giữ chân người lao động,  bằng tình cảm bằng sự chia sẻ, để làm sao họ cảm thấy được quan tâm sẻ chia, có thu nhập ồn định để vững tin ở lại.

Một lưu ý quan trọng nữa là, DN cần phải nghiên cứu kỹ để có thể tiếp cận tối đa các chính sách hỗ trợ của nhà nước để vượt qua đại dịch. Đây cũng là lúc các DN cần phải liên kết với nhau để cùng nhau vượt qua những tác động bất lợi của đại dịch. Thực tế cho thấy, DN đã nhỏ, yếu nhưng khi liên kết tốt với nhau sẽ tạo quy mô đủ lớn chống chọi với đại dịch...

* Xin trân trọng cám ơn ông!

Thanh Thanh (thực hiện)

Bình luận

Nổi bật

Bà Lê Hải Liễu: Gỗ Đức Thành sẽ “vượt bão” thành công

Bà Lê Hải Liễu: Gỗ Đức Thành sẽ “vượt bão” thành công

sự kiện🞄Thứ bảy, 18/05/2024, 09:34

(CL&CS) - “Tôi tin rằng với chiến lược kinh doanh phù hợp, kế hoạch triển khai cụ thể, cùng với kinh nghiệm và bản lĩnh sẵn có, Gỗ Đức Thành sẽ lại “vượt bão” thành công”, đó là thông điệp của bà Lê Hải Liễu, Chủ tịch HĐQT Gỗ Đức Thành trong năm 2024.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh nhà khoa học có nghiên cứu xuất sắc

Giải thưởng Tạ Quang Bửu vinh danh nhà khoa học có nghiên cứu xuất sắc

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 13:37

(CL&CS)- Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu cơ bản xuất sắc.

Saigon Co.op - nhà bán lẻ thuần việt lâu đời nhất Việt Nam

Saigon Co.op - nhà bán lẻ thuần việt lâu đời nhất Việt Nam

sự kiện🞄Thứ tư, 15/05/2024, 09:09

(CL&CS) - Trong 34 năm, Saigon Co.op không ngừng phát triển và đổi mới liên tục thay đổi theo xu thế như phát triển đa dạng các mô hình bán lẻ, thực hiện chuyển đổi số, tái cơ cấu nguồn nhân lực, quản trị, tinh gọn các khâu, mang đến chất lượng và dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng…