Văn hóa và Đời sống
Thứ năm, 22/02/2024, 10:48 AM

Truyền thuyết về Thăng Long tứ trấn - 4 ngôi đền trấn giữ, bảo vệ tứ phương huyết mạch của Hà Nội (P1)

Xuyên suốt triều đại nhà Lý, truyền thống thờ phụng Thăng Long tứ trấn dần trở thành một phần của tín ngưỡng dân gian.

Trong Thiên đô chiếu (chiếu dời đô), Hoàng đế Lý Thái Tổ đã miêu tả Đại La (Thăng Long) là nơi “ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước.” Ông cho rằng một nơi như vậy ắt sẽ mang lại thái bình và thịnh vượng, nên phải được bảo vệ một cách linh thiêng.

Thăng Long tứ trấn là bốn ngôi đền phục vụ cho việc thờ cúng bốn vị thần trấn giữ tứ phương của thành, được xây dựng ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Trong đó, đền Bạch Mã trấn giữa phía Đông, đền Voi Phục trấn ở phía Tây, đền Quán Thánh trấn yểm phía Bắc, đền Kim Liên trấn ở phía Nam.

1. Đền Bạch Mã - "Trấn Đông thành Thăng Long", thờ thần Long Đỗ

Nằm giữa lòng Phố Cổ, đền Bạch Mã là "tuyến phòng vệ" trấn giữ phía Đông thành cổ. Được khởi dựng vào thế kỷ thứ 9, đền Bạch Mã được xem là ngôi đền lâu đời nhất của Tứ Trấn. Vị thần được thờ phụng ở đây là thần Long Đỗ (có nghĩa là “rốn rồng”), hay còn gọi là thần Bạch Mã.

Cổng đền

Cổng đền

- Lịch sử:

Tương truyền khi vua Lý Thái Tổ dời đô đến Đại La đổi tên thành kinh đô Thăng Long, vua đã cho xây dựng và đắp thành, nhưng đắp đến đâu thành đổ đến đó. Vua liền sai người tới đây cầu lễ, vừa khấn xong thì thấy ngựa trắng trong đền đi ra, đi một vòng từ đông sang tây, đi đến đâu để lại dấu chân đến đó.

Tượng Thần Long Đỗ

Tượng Thần Long Đỗ

Thấy vậy, vua sai người đắp thành theo dấu chân ngựa, quả nhiên thành đắp xong vững chãi. Từ đó, nhà vua cho tu sửa lại ngôi đền và phong thần Long Đỗ làm "Quốc đô Định bang Thành Hoàng Đại Vương", và gọi tên ngôi đền là "Bạch Mã linh từ".

- Kiến trúc:

Trải qua những thăng trầm lịch sử, đền Bạch Mã (nằm trong Thăng Long tứ trấn) đã được trùng tu nhiều lần nhưng vẫn giữ được cảnh quan uy nghiêm và dấu tích cổ hiếm thấy. Ngôi đền mang giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt và là một trong những di tích kiến trúc tiêu biểu của Thủ đô.

Pho tượng Bạch Mã và biểu tượng Mặt Trời trên tấm đệm yên ngựa. Tại Việt Nam và nhiều nền văn hóa khác, việc tôn thờ hướng Đông cũng chính là tôn thờ Mặt Trời

Pho tượng Bạch Mã và biểu tượng Mặt Trời trên tấm đệm yên ngựa. Tại Việt Nam và nhiều nền văn hóa khác, việc tôn thờ hướng Đông cũng chính là tôn thờ Mặt Trời

Đền bao gồm các công trình: tam quan, đại bái, phương đình, thiêu hương, cung cấm và nhà hội đồng. Tam quan được chia thành 5 gian. Phương đình xây dựng theo kiến trúc lối hai tầng 8 mái đao cong.

Nối giữa phương đình và đại bái là mái vòm hình mai cua. Trên các cột gỗ đều được trang trí phong phú bởi sự khéo léo, tinh xảo của các nghệ nhân.

Sân trước

Sân trước

Điện thờ Bạch Mã ở sân trước

Điện thờ Bạch Mã ở sân trước

Thiên hương và cung cấm ở đền có kiến trúc khá giống nhau, mái vuốt góc đao cong hai tầng. Tượng thần Bạch Mã được đặt trong cung cấm.

Hiện nay, đền còn lưu giữ 15 văn bia cổ và nhiều dị vật cổ có giá trị như bức hoành phi "Đông trấn linh từ", "Cỗ Long ngai", đồ thờ gồm các vũ khí thời xưa như: đao, câu liêm, xích,... được chạm khắc tinh xảo.

Điện thờ thần Long Đỗ

Điện thờ thần Long Đỗ

Đặc biệt, ngôi đền thiêng trong Thăng Long tứ trấn này còn giữ được huyệt thông âm. Đó là một cái giếng nằm ở phía bên phải đền, một thứ quan trọng theo quan điểm tả dương hữu âm và giếng huyệt chính là âm.

Với bề dày lịch sử và kiến trúc độc đáo, đền Bạch Mã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa từ năm 1986.

- Lễ hội:

Hằng năm, cứ vào ngày 13/2 âm lịch, lễ hội chính của đền Bạch Mã được tổ chức. Đây là lễ hội mang nghi thức cung đình, vừa là tập tục dân gian quan trọng được duy trì từ ngàn đời mang đến không khí vui tươi, phấn khởi của ngày xuân.

Mãn nhãn Lễ rước kiệu đền Bạch Mã đón nhận bằng di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Mãn nhãn Lễ rước kiệu đền Bạch Mã đón nhận bằng di tích Quốc gia đặc biệt. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Rất đông du khách và người dân địa phương đến ngôi đền nằm trong Thăng Long tứ trấn này để chiêm bái, cầu may mắn và bình an cho cả năm.

2. Đền Kim Liên trấn giữ phía Nam, thờ thần Cao Sơn Đại Vương

Đền Kim Liên là ngôi đền linh thiêng trấn giữ phía Nam, nơi thờ phượng thần Cao Sơn, một trong 100 người con của thủy tổ Lạc Long Quân và Âu Cơ. Theo chân mẹ lên núi, ông đã giúp Sơn Tinh đánh bại Thủy Tinh để mang lại giang sơn ấm no và thái bình cho người dân.

Lối vào đền Kim Liên

Lối vào đền Kim Liên

Cao Sơn Đại vương cũng là vị thần bảo hộ, phù trì nhân dân chống lại thiên tai, cường địch, giữ gìn sự bình yên của cuộc sống. Du khách đến trấn phía Nam trong Thăng Long tứ trấn để cầu mọi việc xuôi chèo mát mái.

- Lịch sử:

Theo tín ngưỡng dân gian, thần Cao Sơn là một người con của Lạc Long Quân và Âu Cơ. Sau khi theo mẹ lên núi đã có công trong việc bảo vệ, trấn giữ xua đuổi tà ma cho dân chúng phía Nam thành Thăng Long. 

Sau đó, ngài xin vua cha về vùng đất hoang vu lập nghiệp (nay là phường Phương Liên, quận Đống Đa, Hà Nội). Với mong muốn ghi nhớ công ơn, sau khi ngài mất, nhân dân đã lập đền để thờ thần Cao Sơn.

- Kiến trúc:

So với ba ngôi đền còn lại, đền Kim Liên được cho là hoàn thiện muộn nhất, vào thế kỷ 16-17 từ khi được khởi công sau sự kiện dời đô. Qua thời gian, dân làng Kim Liên xây thêm cổng tam quan cạnh hồ Kim Liên. Nhiều công trình bổ trợ cũng đã được xây dựng và ngôi đền dần kiêm luôn chức năng của một ngôi đình làng.

Cổng Tam quan

Cổng Tam quan

Cổng đình và cửa chính của chính điện đều quay mặt về hướng Tây. Kiến trúc của đình gồm hai phần: phần trước gò có cổng cột, hai gian hai bên sân gạch rộng rãi và kiến trúc chính của di tích nằm ở khuôn viên.

Đình chính gồm: Nghi môn, Đại bái, Hậu cung. Nghi môn là ngôi nhà ba gian. Từ ngoài vào trong có cột cổng, đỉnh cột đặt gạch gốm úp vào nhau, bên dưới treo đèn lồng, trong có tứ linh được chạm khắc khéo léo, tinh xảo. 

Kiến trúc chính của khu di tích gồm ba cổng, một ngôi đền thờ thần. Đi hết thềm, bạn sẽ qua chín bậc gạch cao xây bằng gạch lớn thời Lê Trung Hưng, nối kiến trúc ngoài trời với kiến trúc chính. Hai bên bậc tam cấp, sát sân gạch có hai con cá sấu đá có từ thời Lê. Hết bậc tam cấp là ba lối vào đền Cao Sơn.

Ao Kim Liên, nơi gắn liền với câu chuyện

Ao Kim Liên, nơi gắn liền với câu chuyện "nghề thợ cạo"

Chính điện có hình chữ đinh rất độc đáo. Hậu cung là ngôi nhà có ba gian dọc, xây bằng gạch, lợp mái ngói. Nằm ở gian cuối cùng của Hậu cung là nơi thờ Cao Sơn Đại Vương và hai vị nữ thần giao hòa.

Ngoài kiến trúc ấn tượng, ngôi đền nằm trong Thăng Long tứ trấn này còn lưu giữ nhiều di vật: 33 bản sắc phong các thời Lê, Nguyễn, tấm bia đá "Cao Sơn Đại Vương Thần Từ Bi Minh" năm 1510... Đây đều là những bảo vật quý hiếm có giá trị lịch sử cao.

Văn bia đá được chạm trổ tinh xảo

Văn bia đá được chạm trổ tinh xảo

Nằm trong Thăng Long tứ trấn, cùng kiến trúc độc đáo cũng như sở hữu nhiều di vật quý hiếm, đền Kim Liên được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia ngày 9/1/1990.

- Lễ hội:

Lễ hội đền Kim Liên được tổ chức vào ngày 16 tháng 3 âm lịch hằng năm. Vào ngày này, dân làng lại mở hội truyền thống, nghe tế lễ để báo đáp công lao của thần. Bạn có thể đến đây vào bất cứ ngày nào để tham quan.

*Ảnh: Saigoneer

Hải Yến

Bình luận

Nổi bật

Vườn quốc gia hàng đầu châu Á của Việt Nam mở tour tham quan ban đêm xem đom đóm và động vật hoang dã

Vườn quốc gia hàng đầu châu Á của Việt Nam mở tour tham quan ban đêm xem đom đóm và động vật hoang dã

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 22:39

Du khách sẽ được ngắm đom đóm, soi côn trùng và khám phá cuộc sống về đêm của các loài động vật quý hiếm như tê tê, cầy vằn, cầy Mực, mèo rừng, rái cá và culi.

Sắp ngừng khai thác đường bay siêu ngắn, khách ngồi 7 phút đã hạ cánh sau gần 30 năm hoạt động

Sắp ngừng khai thác đường bay siêu ngắn, khách ngồi 7 phút đã hạ cánh sau gần 30 năm hoạt động

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 10:51

Việc dừng khai thác chặng bay nối liền 2 đảo khiến người dân vô cùng lo lắng.

Ngắm ngôi làng ‘sạch nhất châu Á’ tại quốc gia ô nhiễm bậc nhất thế giới, nắm giữ cây cầu được UNESCO công nhận là Di sản

Ngắm ngôi làng ‘sạch nhất châu Á’ tại quốc gia ô nhiễm bậc nhất thế giới, nắm giữ cây cầu được UNESCO công nhận là Di sản

sự kiện🞄Thứ sáu, 03/05/2024, 10:50

Mặc dù Ấn Độ được biết đến như một trong những quốc gia ô nhiễm nhất trên thế giới, nhưng một ngôi làng ở phía Đông Bắc của đất nước này lại được công nhận là nơi sạch nhất châu Á.