Tin bất động sản hôm nay ngày 18/11: Quảng Ngãi có 3 dự án khu du lịch đã được thuê đất, chưa xây dựng

(CL&CS) - Quảng Ngãi có 3 dự án khu du lịch đã được thuê đất, chưa xây dựng; Thủ tướng lập tổ công tác gỡ khó cho các dự án bất động sản; Gần 200 dự án đưa vào danh mục thu hồi đất tại Đồng Nai; Thu hồi 1.500ha đất để thực hiện hàng chục dự án ở Bình Thuận; Quảng Trị đốc thúc dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng là những thông tin đáng chú ý hôm nay ngày 18/11.

Quảng Ngãi có 3 dự án khu du lịch đã được thuê đất, chưa xây dựng

Trong báo cáo số 142/BC-UBND ngày 14/11/2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tính đến cuối tháng 8 vừa qua, toàn tỉnh Quảng Ngãi có 27 dự án đầu tư về du lịch còn hiệu lực hoạt động, với quy mô sử dụng đất là 588,72 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 15.145 tỷ đồng.

Cụ thể, trong khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp có 9 dự án quy mô 213,1 ha, với tổng vốn đầu tư 9.268 tỷ đồng và ngoài Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp có 18 dự án quy mô 375,62 ha, với tổng vốn đầu tư 5.878 tỷ đồng.

Trong số các dự án nêu trên, có 6 dự án hoàn thành (đã được thuê đất, đã xây dựng) gồm dự án khách sạn 4 sao Mường Thanh; khu nghỉ dưỡng Bãi Dừa; khu sinh thái, nghỉ dưỡng tắm bùn suối nước nóng Nghĩa Thuận; khu dịch vụ du lịch sinh thái Núi Sứa; khu du lịch sinh thái Suối Chí; khu du lịch sinh thái Thiên Đàng.

Đồng thời có 1 dự án đưa vào hoạt động (đã xây dựng, chưa được thuê đất) là dự án khu du lịch sinh thái Thác Trắng – Đập Đồng Cần; 1 dự án đang triển khai (đã được thuê đất, đang triển khai xây dựng) là dự án khu phức hợp chế biến sản phẩm giá trị gia tăng từ hành tỏi, và du lịch sinh thái Thiên đường tỏi Lý Sơn; 16 dự án chưa triển khai xây dựng và đang trong quá trình triển khai các thủ tục sau chấp thuận chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 khu du lịch gồm khu du lịch Quê Hương, khu du lịch biển Mỹ Khê, khu du lịch Casa Marina Bay đã được thuê đất và chưa xây dựng.

Thủ tướng lập tổ công tác gỡ khó cho các dự án bất động sản

Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP Hà Nội, TPHCM và một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ảnh minh họa.  

Theo đó, tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gồm 8 thành viên, do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng. Hai tổ phó là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú và Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh.

Các thành viên còn lại gồm: Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Cao Lục, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân và Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản tại các địa phương, doanh nghiệp ở Hà Nội, TPHCM và các tỉnh, thành. Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan tới triển khai thực hiện các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của Thủ tướng.

Ngoài ra, tổ công tác sẽ tổng hợp, tham mưu Thủ tướng báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết các vấn đề vượt thẩm quyền của Thủ tướng; đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan cũng như tham mưu, kiến nghị các cấp sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan.

Tổ công tác có quyền yêu cầu các bộ ngành, địa phương, các doanh nghiệp liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án bất động sản đang triển khai nhưng có khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý; kiến nghị giải pháp.

Bên cạnh đó, tổ công tác được mời lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương có liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia phối hợp, tham vấn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Đồng Nai: gần 200 dự án đưa vào danh mục thu hồi đất

Theo các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai, địa phương này hiện có gần 200 dự án đưa vào danh mục thu hồi đất đã quá hạn 3 năm chưa thực hiện xong, với tổng diện tích đất đề nghị thu hồi lên đến hơn 4.000ha.

Danh mục các dự án thu hồi đất trên đã được HĐND tỉnh Đồng Nai thông qua trong 6 năm liền, từ năm 2014-2019. Trong đó, đa số dự án thuộc hạ tầng giao thông, hệ thống thủy lợi, trường học, khu dân cư...

Như dự án Cụm công nghiệp Phú Túc nằm trên địa bàn xã Phú Túc (huyện Định Quán) có diện tích thu hồi 50ha; Hệ thống thủy lợi trồng mía Định Quán ở các xã Gia Canh, Phú Hòa hơn 11ha (huyện Định Quán); Cụm công nghiệp Xuân Hưng (xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc) có diện tích gần 21ha; Hệ thống thoát nước khu vực suối Chùa, suối Bà Lúa, suối Cầu Quan (thành phố Biên Hòa)… Ngoài ra, còn có những dự án có diện tích khá lớn như: Khu đô thị Du lịch sinh thái Long Thành tại phường Phước Tân và phường Tam Phước (thành phố Biên Hòa) 771ha; Khu Nhà ở biệt thự và khu tái định cư núi Dòng Dài ở phường Phước Tân (thanh phố Biên Hòa) gần 155ha; Khu Đô thị dịch vụ Amata ở xã Tam An (huyện Long Thành) 753ha… Có những dự án đang trong giai đoạn lập thủ tục về đất đai, thông báo thu hồi đất, áp giá bồi thường, đang thực hiện công tác bồi thường… Nhiều dự án, người dân bị thu hồi đất nhưng chưa đồng thuận với giá bồi thường nên vướng mắc tại khâu này, phải đợi tháo gỡ.

Thu hồi 1.500ha đất để thực hiện hàng chục dự án ở Bình Thuận

Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Bình Thuận vừa có báo cáo kết quả tổng hợp danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và danh mục dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất năm 2023 cấp huyện.

Theo đó, Sở Tài nguyên Môi trường đề xuất hủy bỏ đối với 6 dự án do không có khả năng thực hiện. Đồng thời, cho phép chuyển tiếp thực hiện đối với 36 dự án để tiếp tục thực hiện các thủ tục về đất đai vì các dự án này Trung tâm phát triển quỹ đất cấp huyện đã kiểm kê hiện trạng, thông báo thu hồi đất, đã bố trí được kinh phí thực hiện.

Đối với danh mục các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất sau 3 năm chưa thực hiện, đề xuất hủy bỏ đối với 12 dự án do không có vốn, không có khả năng thực hiện; cho phép chuyển tiếp thực hiện đối với 99 dự án.

Riêng danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ thực hiện năm 2023, Sở Tài nguyên Môi trường kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận thống nhất danh mục có 17 dự án chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có 12 dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa với diện tích gần 23 ha và 5 dự án chuyển mục đích sử dụng đất rừng phòng hộ với diện tích hơn 15 ha để thực hiện năm 2023.

Với danh mục các dự án thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất thực hiện năm 2023, thống nhất danh mục có 50 dự án với diện tích là 1.519 ha thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để thực hiện năm 2023.

Quảng Trị đốc thúc dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng vừa chủ trì buổi làm việc với Tổ hợp nhà đầu tư Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1, công suất 1.500 MW để nghe báo cáo tình hình triển khai dự án.

Theo báo cáo, hiện nay, dự án đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc như phạm vi thu hồi đất xây dựng dự án khá lớn ảnh hưởng đến nhiều thửa đất, nhiều hộ dân phải di dời nhà cửa, tái định cư trong khi đó yêu cầu về tiến độ giải phóng mặt bằng dự kiến hoàn thành trước 31/12/2022. Công tác đo đạc, quy chủ thu hồi đất còn chậm so với tiến độ yêu cầu đề ra… Vì vậy, đại diện Tổ hợp nhà đầu tư đề xuất các phương án điều chỉnh tổng mặt bằng dự án. Trong đó, điều chỉnh vị trí mặt bằng xây dựng các hạng mục của Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 và quy hoạch mặt bằng cho giai đoạn 2.

Kết luận buổi làm việc, ông Hà Sỹ Đồng giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh chủ trì phối hợp các sở, ngành, địa phương xem xét, rà soát các phương án điều chỉnh tổng mặt bằng dự án đảm bảo phù hợp quy hoạch chung của tỉnh.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Trị yêu cầu Tổ hợp nhà đầu tư khẩn trương hoàn thiện các báo cáo về nghiên cứu khả thi dự án, đánh giá tác động môi trường và các hồ sơ, thủ tục liên quan. Đồng thời, phối hợp với Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh và huyện Hải Lăng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, ký quỹ đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thu hồi đất tái định cư theo đúng quy định để sớm triển khai thực hiện dự án đúng tiến độ cam kết.

Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng, giai đoạn 1 được xây dựng tại địa phận hai xã Hải An và Hải Ba (huyện Hải Lăng), nằm trong khu phức hợp năng lượng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 10/2021, quy mô diện tích đất sử dụng khoảng 148 ha.

Dự án sẽ xây dựng Trung tâm kho cảng LNG Hải Lăng (giai đoạn 1), tiếp nhận tàu chở LNG từ 170.000 - 226.000 m3, công suất tiếp nhận 1,5 triệu tấn LNG/năm và Trung tâm điện lực Hải Lăng (giai đoạn 1) có công suất phát điện 1.500 MW.

Chủ đầu tư của dự án gồm tổ hợp nhà đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Tổng công ty Năng lượng Hanwha, Tổng công ty Khí Hàn Quốc (KOGAS), Tổng công ty Điện lực Nam Hàn Quốc (KOSPO).

Tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án lên tới gần 54.000 tỷ đồng (hơn 2,3 tỷ USD). Theo kế hoạch, dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào năm 2026 - 2027.

Bảo Châu (t/h)

Bình luận

Nổi bật

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

Phân khúc bất động sản khu công nghiệp vẫn giữ vị thế ổn định

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 18:00

Bất động sản khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút dòng vốn FDI trong nhiều năm qua. 9 tháng đầu năm 2024, tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 17.34 tỷ USD, tăng gần 9% so với cùng kỳ; trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với hơn 1,4 tỷ USD, chiếm hơn 8% vốn thực hiện.

Đồng Khởi và Tràng Tiền tiếp tục lọt nhóm mặt bằng cho thuê đắt nhất thế giới

Đồng Khởi và Tràng Tiền tiếp tục lọt nhóm mặt bằng cho thuê đắt nhất thế giới

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:59

Giá thuê mặt bằng trên đường Đồng Khởi xếp thứ 14 trên thế giới, trong khi Tràng Tiền Plaza Hà Nội góp mặt ở vị trí 18, theo bảng xếp hạng các đại lộ bán lẻ đắt đỏ nhất thế giới của đơn vị Cushman & Wakefield.

Bất động sản công nghiệp: Nhiều “ông lớn” đua nhau rót tiền, tương lai vẫn còn rất tươi sáng?

Bất động sản công nghiệp: Nhiều “ông lớn” đua nhau rót tiền, tương lai vẫn còn rất tươi sáng?

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:57

Trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, bất động sản công nghiệp (BĐS KCN) đang trở thành một "miền đất hứa" thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ.