Thị trường trái phiếu có thể bị "siết" mạnh hơn?

(CL&CS) - Trong bản dự thảo mới nhất sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-Cp về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ vẫn có những nội dung được cho là quá chặt chẽ và làm “khó” doanh nghiệp.

Sau nhiều lần lấy ý kiến từ các chuyên gia tư vấn, thành viên thị trường và công chúng, bản dự thảo mới nhất đã được điều chỉnh theo hướng nới lỏng hơn. Đặc biệt, không có các hạn chế về mục đích phát hành trái phiếu, nhưng vẫn còn một số nội dung được cho là khi áp dụng sẽ có ảnh hưởng lớn đến hoạt động huy động vốn trái phiếu của các doanh nghiệp.

Số lượng nhà đầu tư sẽ giảm

Liên quan đến việc xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp (đối tượng được phép mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ), theo dự thảo, giá trị danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch do nhà đầu tư chuyên nghiệp là cá nhân nắm giữ được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 6 tháng liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, không bao gồm giá trị vay giao dịch ký quỹ và giá trị chứng khoán thực hiện giao dịch mua bán lại.

Chiếu theo điều kiện này, các công ty chứng khoán rất khó có thể xác định được nhà đầu tư chuyên nghiệp theo tiêu chí danh mục đầu tư như trước nếu chưa xây dựng hệ thống tính toán và lọc tự động. Số lượng nhà đầu tư đáp ứng tiêu chí mới có thể sẽ giảm mạnh so với hiện nay.

“Theo quy định mới này, hầu như chỉ có cổ đông lớn, cổ đông sáng lập của các doanh nghiệp niêm yết mới đáp ứng được. Còn với những nhà đầu tư chỉ đơn thuần coi thị trường chứng khoán là cơ hội đầu tư để kiếm lời, khi thị trường xuống thì rút vốn, thì đây là yêu cầu rất khó đáp ứng”, lãnh đạo một công ty chứng khoán nêu quan điểm.

Có nhiều bất cập việc soát xét/kiểm toán báo cáo tài chính

Đối với trường hợp doanh nghiệp chào bán trái phiếu trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm mà chưa có báo cáo tài chính được kiểm toán năm trước liền kề của năm phát hành, hoặc chưa có báo cáo tài chính hợp nhất được kiểm toán năm trước liền kề của năm phát hành, dự thảo quy định, doanh nghiệp sử dụng báo cáo tài chính bán niên và báo cáo tài chính quý IV của năm liền kề trước năm phát hành/báo cáo tài chính tháng gần nhất của năm phát hành. Các báo cáo tài chính phải được soát xét hoặc kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện.

Ngoài ra, Khoản 2, Điều 21, Nghị định 153/2020/NĐ-CP được sửa đổi như sau: Doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ 6 tháng, hàng năm về sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán đủ điều kiện, báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu.

Ông Vương Hoàng Sơn, Giám đốc Ngân hàng đầu tư, Công ty Chứng khoán VNDIRECT, kiểm toán việc sử dụng tiền trái phiếu sẽ làm tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp và không phù hợp với thông lệ quốc tế, ngay cả đối với trái phiếu phát hành ra công chúng hiện nay cũng không có yêu cầu kiểm toán mục đích sử dụng vốn. Bên cạnh đó, việc sử dụng vốn chỉ diễn ra một lần trong thời gian ngắn, nên yêu cầu kiểm toán định kỳ là trùng lặp và lãng phí.

Yêu cầu xếp hạng tín nhiệm và minh bạch thông tin được đánh giá cao

Ông Vương Hoàng Sơn nhận xét, phần lớn các nội dung của dự thảo hướng đến mục tiêu yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu cung cấp nhiều thông tin rõ ràng hơn đến nhà đầu tư và các nội dung này được đánh giá cao.

Cụ thể, phương án phát hành trái phiếu để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt cần bổ sung một số nội dung mà trước đây không bắt buộc, bao gồm tài khoản nhận tiền mua trái phiếu, nêu cụ thể tài sản bảo đảm và định giá tài sản bảo đảm; báo cáo về tình hình sử dụng vốn các trái phiếu còn dư nợ; đánh giá tình hình tài chính và khả năng thanh toán nợ hay kế hoạch sử dụng vốn thu được. Các điều kiện này làm tăng khối lượng công việc khi phát hành trái phiếu, tăng tính minh bạch thông tin, nhưng không ảnh hưởng đến điều kiện phát hành trái phiếu của doanh nghiệp.

Hồ sơ chào bán trái phiếu cần có hợp đồng đại diện của người sở hữu trái phiếu, báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng vốn trái phiếu, kết quả xếp hạng tín nhiệm, tài liệu định giá tài sản bảo đảm.

Trong đó, việc xếp hạng tín nhiệm bắt buộc phải thực hiện đối với những tổ chức phát hành thuộc một trong 2 trường hợp sau: (1) Tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; (2) Tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu.

Thị trường trái phiếu vài năm gần đây phát triển nhanh, đặc biệt trong giai đoạn năm 2021 và trở thành kênh huy động vốn chính của doanh nghiệp. Khi thị trường tăng nóng cũng là lúc trái phiếu tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điển hình là sự kiện liên quan đến Tân Hoàng Minh, doanh nghiệp này đã bị UBCKNN quyết định hủy 9 lô trái phiếu do vi phạm quy định về luật trái phiếu.

Cuối năm 2021, Bộ Tài chính đã đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 153/2020/NĐ-CP với các quy định chặt chẽ dành cho cả tổ chức phát hành và đối tượng mua trái phiếu, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường ngày càng công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.

Hà Thu

Bình luận

Nổi bật

Đầu tư gần 3.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI

Đầu tư gần 3.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 15:42

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1426/QĐ-TTg ngày 19/11 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp Đồng Văn VI, tỉnh Hà Nam.

Thị trường đất nền: Sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại

Thị trường đất nền: Sở hữu tiềm năng tăng giá, nhà đầu tư đồng loạt quay trở lại

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 14:30

Theo các chuyên gia đánh giá, thị trường đất nền "hút khách" trở lại do chịu tác động mạnh từ hai yếu tố. Thứ nhất là xu hướng tăng giá mạnh của phân khúc căn hộ chung cư đã đẩy một bộ phần nhà đầu tư chuyển dịch sang đất nền. Thứ hai là quy định cấm phân lô bán nền sẽ làm khan hiếm nguồn cung.

Thị trường chung cư tại Hà Nội: Giá tăng nhanh nhưng chỉ là “cú sốc tạm thời”, bước đầu cho một chu kỳ mới?

Thị trường chung cư tại Hà Nội: Giá tăng nhanh nhưng chỉ là “cú sốc tạm thời”, bước đầu cho một chu kỳ mới?

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 14:30

Theo ông Trần Quang Trung - Giám đốc phát triển kinh doanh OneHousing, giá căn hộ tại Hà Nội tăng nhanh trong thời gian ngắn có thể gây ra phản ứng “sốc tạm thời” nhưng trong chặng đường tới năm 2030 thì đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một chu kỳ tăng trưởng mới.