"Thẻ vàng" thuỷ sản: Chưa thể tháo gỡ, nguy cơ thành "thẻ đỏ"

Cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vẫn chưa được tháo gỡ thậm chí có thể “nâng cấp” lên thẻ đỏ nếu không có các biện pháp khắc phục quyết liệt.

Hàng trăm tàu cá "đi lạc" mỗi ngày

Theo Tổng Cục Thuỷ sản, từ năm 2017 đến nay, thủy sản Việt Nam đã bị thị trường EU đưa vào diện cảnh báo khai thác bất hợp pháp (IUU). Dự báo trong đợt kiểm tra vào tháng 10 sắp tới, Việt Nam cũng khó gỡ được thẻ vàng này.

Bộ NN&PTNT cho biết, phòng chuyên môn thuộc Tổng Cục Thủy sản hàng ngày luôn thống kê danh sách các tàu cá có chiều dài trên 15 m đã gắn định vị nhưng bỗng nhiên mất tín hiệu ngoài khơi. Con số thống kê mới nhất ngày 16/9 có gần 300 tàu bị mất tín hiệu. 

Theo quy định, các chủ tàu khi tham gia đánh bắt phải có Giấy phép khai thác thủy sản; treo cờ Việt Nam khi hoạt động; không sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; tàu từ 12 m trở lên phải ghi nhật ký khai thác và nộp theo quy định; tàu từ 15 m trở lên phải lắp thiết bị giám sát hành trình, thiết bị hoạt động liên tục 24/24 sau khi rời cảng; kết nối với Hệ thống giám sát tàu cá tại Trung ương và 28 tỉnh ven biển…

Trong 5 năm qua, tình trạng tàu cá “mất tích” vẫn diễn ra hằng ngày, từ khi Việt Nam bắt đầu triển khai các chương trình chống khai thác trái phép IUU, các nỗ lực từ phía Chính phủ, cơ quan quản lý, hiệp hội… vẫn chưa mang lại kết quả như mong muốn.

Bà Nguyễn Thị Trang Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng Cục Thủy sản), nhìn nhận: “Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề quan trọng mà chưa thể giải quyết triệt để, ví dụ vẫn chưa thể kiểm soát hiệu quả việc tàu cá của ngư dân Việt Nam tham gia đánh bắt trái phép ở các vùng biển nước ngoài. Muốn gỡ thẻ vàng từ EU, đây là điều tiên quyết”.

Theo đại diện Tổng Cục Thủy sản, để kiểm soát một cách hiệu quả nguồn gốc thủy sản nhập khẩu là điều không hề đơn giản. Điều này đòi hỏi sự phối hợp tổng thể, liên quan đến các biện pháp quản lý và bảo tồn của Việt Nam cùng những tổ chức quản lý khu vực. Phải có những công cụ để theo dõi hành trình của các tàu có đúng như khai báo và đảm bảo tính hợp pháp khi sản phẩm vào Việt Nam hay không. Đó là khó khăn đang gặp phải trong quá trình giải quyết thẻ vàng của EU.

Đối với thực trạng vi phạm IUU chưa được quản lý triệt để, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng nhìn nhận: “Hiện nay, tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định còn diễn ra phổ biến, phức tạp trên các vùng biển; nghiêm trọng hơn là việc tàu cá Việt Nam vẫn vi phạm khai thác IUU ở vùng biển nước ngoài; đặc biệt ở vùng biển ven bờ, số lượng tàu cá và cường lực khai thác lớn, ngư dân sử dụng phương pháp khai thác thủy sản mang tính hủy diệt nguồn lợi có xu hướng gia tăng, nhưng chưa có đủ lực lượng chuyên trách để thực hiện chức năng tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đa dạng sinh học, chống khai thác IUU.

Cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy bản Châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam vẫn chưa được tháo gỡ, nguy cơ “cảnh báo” thẻ đỏ là rất lớn nếu không có giải pháp quyết liệt, đồng bộ hơn”.

Nguy cơ “thẻ vàng” thành “thẻ đỏ”

Bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), chia sẻ: Ngay đầu tháng 9/2022, Nhật Bản thông báo từ ngày 1/12/2022 sẽ áp dụng giấy chứng nhận, xác nhận theo quy định IUU với 4 loài thủy sản xuất khẩu vào thị trường này gồm: mực ống và mực nang, cá thu đao, cá thu mackerel và cá trích. Quy định này gây thêm áp lực cho các doanh nghiệp bởi thực tế việc thực hiện chống khai thác trái phép IUU vẫn chưa được thực hiện hoàn chỉnh.

Theo bà Lê Hằng, cho tới nay, sự nỗ lực của cả ngành khai thác thủy sản VN vẫn chưa đủ để EU xem xét tháo gỡ thẻ vàng. Cuối tháng 10 năm nay, phái đoàn thanh tra EU sẽ sang Việt Nam kiểm tra về việc thực thi quy định IUU và việc khắc phục những khuyến nghị của EC.

Chưa biết kết quả thanh tra và quyết định của EU sắp tới sẽ theo chiều hướng nào nhưng ngành xuất khẩu hải sản từ đầu năm tới nay chật vật vì thiếu nguyên liệu cho chế biến, chi phí đầu vào đội lên quá cao, nay lại thêm khó ở thị trường Nhật Bản, cộng thêm với quy định của thị trường Mỹ. Nếu Việt Nam để bị chuyển sang thẻ đỏ thì sẽ có nguy cơ mất thị trường EU. Và như vậy, mỗi năm sẽ mất 500 triệu USD riêng cho ngành thủy sản sang EU. Đặc biệt, EU là thị trường định hướng sẽ chi phối các thị trường khác trong việc kiểm soát chặt về nguồn gốc xuất xứ.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho biết: “Kể từ khi EU đưa ra cảnh báo vào năm 2017 về “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của VN, chúng ta vẫn chưa gỡ được “thẻ vàng” IUU. Các thủ tục chứng nhận cho nguyên liệu khai thác cũng còn quá nhiều hạn chế. Trong khi đó, IUU hiện không còn là yêu cầu riêng của EU mà đang dần trở thành yêu cầu của các thị trường lớn khác. Cụ thể, Nhật Bản mới đây cũng đã thông qua đạo luật về việc chống đánh bắt bất hợp pháp. Điều này đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp khi sử dụng nguồn nguyên liệu đánh bắt có chứng nhận.

Bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó chủ tịch VASEP, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam, cũng cho biết VASEP vừa tổ chức chuyến công tác tại 3 tỉnh Bình Định, Khánh Hòa và Phú Yên nhằm ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các ngư dân, cảng cá, các Chi cục Thủy sản trong hơn 4 năm nỗ lực gỡ “thẻ vàng” IUU.

Theo đó, đối với việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên các tàu cá, thời gian qua có tình trạng các tàu tắt định vị khi đi tới vùng biển có cá nhằm giữ vùng biển đó cho riêng mình, điều này là vi phạm quy định. Việc ghi chép nhật ký khai thác cũng còn nhiều sai sót.

Về cảng cá, bà Nguyễn Thị Thu Sắc chia sẻ: “Khi tới cảng cá Tam Quan (Bình Định), tôi rất bất ngờ khi tại cảng có rất nhiều tàu thuyền, nhưng cơ sở vật chất của cảng lại rất sơ sài, các hồ sơ, giấy tờ cũng đều làm bằng tay. Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn nhiều tàu đánh bắt bất hợp pháp, đặc biệt là tại các địa phương Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hòa. Việc vẫn còn tàu đánh bắt bất hợp pháp khiến cho việc gỡ “thẻ vàng” trở nên khó khăn”.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thủy sản, thừa nhận: “Việt Nam hiện đang nỗ lực gỡ "thẻ vàng" thủy sản, song gặp nhiều khó khăn và vẫn có nguy cơ nhận "thẻ đỏ".

Tại Việt Nam, đoàn công tác của EC chủ yếu kiểm tra 4 nội dung, trong đó gồm khung pháp lý; quản lý giám sát đội tàu; kiểm tra truy xuất nguồn gốc từ lúc tàu xuất bến tới lúc cập cảng về nhà máy và xuất đi; xử phạt vi phạm hành chính của các tỉnh. EC sẽ tới nhiều địa phương và kiểm tra kỹ tại các cảng cá. Khả năng cao đợt này chưa gỡ được thẻ vàng và nguy cơ thẻ đỏ vẫn rất lớn".

Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, chống khai thác IUU phải xác định được cái gốc của vấn đề là từ các cơ sở, trong số các tỉnh thành có tàu cá vi phạm thì chỉ có một số lượng nhỏ địa phương phường, xã có tàu cá vi phạm, chính vì vậy cần khoanh vùng bám sát cơ sở để vận động, tuyên truyền, giám sát địa bàn để kịp thời xử lý những trường hợp có dấu hiệu vi phạm.

Trước đó, ngày 14/9/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án “Phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025” nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC; quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi hải sản, các hệ sinh thái biển, phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở mục tiêu tổng thể trên, Bộ NN&PTNT đặt ra những mục tiêu đến năm 2025 sẽ gỡ được “thẻ vàng” EC.

Hoa Kỳ giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá cá tra, cá basa từ Việt Nam

Khánh Hưng

Bình luận

Nổi bật

Tập đoàn Vingroup và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh

Tập đoàn Vingroup và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam hợp tác phát triển hạ tầng năng lượng xanh

sự kiện🞄Thứ sáu, 22/11/2024, 17:56

(CL&CS) - Hà Nội, ngày 22/11/2024 - Tập đoàn Vingroup và Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phát triển hệ thống trạm sạc xe điện trên quy mô toàn quốc và thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tái tạo thông qua hệ thống điện mặt trời áp mái.

Tập đoàn Bamboo Capital nằm trong top doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất 2024

Tập đoàn Bamboo Capital nằm trong top doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất 2024

sự kiện🞄Thứ năm, 21/11/2024, 09:33

(CL&CS) - Tập đoàn Bamboo Capital vừa được vinh danh với hai hạng mục quan trọng tại Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) 2024, bao gồm: Báo cáo thường niên tốt nhất và Tổ chức Đại hội đồng Cổ đông thường niên tốt nhất.

Năm 2024, PV GAS TRADING thiết lập nhiều kỷ lục kinh doanh, vươn tầm cao mới

Năm 2024, PV GAS TRADING thiết lập nhiều kỷ lục kinh doanh, vươn tầm cao mới

sự kiện🞄Thứ tư, 20/11/2024, 14:11

(CL&CS) - PV GAS TRADING tiếp tục bứt phá mạnh mẽ, ghi dấu ấn với kết quả kinh doanh tăng trưởng toàn diện và các kỷ lục đột phá trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu đang trải qua nhiều biến động phức tạp.