Thứ hai, 13/06/2022, 10:50 AM

Tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động từ 1/7/2022

(CL&CS) - Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Nghị định số 38/2022/NĐ-CP ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, ngày 12/6/2022 quy định mức lương tối thiểu tháng và mức lương tối thiểu giờ áp dụng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Đối tượng áp dụng gồm:

Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động.

Người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động gồm: Doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng người lao động làm việc cho mình theo thỏa thuận.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc thực hiện mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định này.

Tăng tiền lương tối thiểu vùng thêm 6%

Về mức lương tối thiểu tháng, Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: vùng I là 4.680.000 đồng/tháng, vùng II là 4.160.000 đồng/tháng, vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng.

Như vậy, mức lương vùng I tăng 260.000 đồng, từ mức 4.420.000 đồng/tháng lên 4.680.000 đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng/tháng lên 4.160.000 đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng từ 3.430.000 đồng/tháng lên 3.640.000 đồng/tháng. Vùng IV, tăng 180.000 đồng từ 3.070.000 đồng/tháng lên 3.250.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng - 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên gồm tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ (tính đến hết năm 2023) và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động.

1

Về mức lương tối thiểu giờ, Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Nghị định nêu rõ việc áp dụng địa bàn vùng được xác định theo nơi hoạt động của người sử dụng lao động như sau:

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn thuộc vùng nào thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Người sử dụng lao động có đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì đơn vị, chi nhánh hoạt động ở địa bàn nào, áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn đó.

Người sử dụng lao động hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất nằm trên các địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn có sự thay đổi tên hoặc chia tách thì tạm thời áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn trước khi thay đổi tên hoặc chia tách cho đến khi Chính phủ có quy định mới.

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn có mức lương tối thiểu khác nhau thì áp dụng mức lương tối thiểu theo địa bàn có mức lương tối thiểu cao nhất.

Người sử dụng lao động hoạt động trên địa bàn là thành phố trực thuộc tỉnh được thành lập mới từ một địa bàn hoặc nhiều địa bàn thuộc vùng IV thì áp dụng mức lương tối thiểu quy định đối với địa bàn thành phố trực thuộc tỉnh còn lại tại khoản 3 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Nghị định cũng nêu rõ mức lương tối thiểu tháng là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tháng, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng.

Mức lương tối thiểu giờ là mức lương thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo giờ, bảo đảm mức lương theo công việc hoặc chức danh của người lao động làm việc trong một giờ và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu giờ.

Đối với người lao động áp dụng hình thức trả lương theo tuần hoặc theo ngày hoặc theo sản phẩm hoặc lương khoán thì mức lương của các hình thức trả lương này nếu quy đổi theo tháng hoặc theo giờ không được thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc mức lương tối thiểu giờ. Mức lương quy đổi theo tháng hoặc theo giờ trên cơ sở thời giờ làm việc bình thường do người sử dụng lao động lựa chọn theo quy định của pháp luật lao động như sau:

Mức lương quy đổi theo tháng bằng mức lương theo tuần nhân với 52 tuần chia cho 12 tháng; hoặc mức lương theo ngày nhân với số ngày làm việc bình thường trong tháng; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán thực hiện trong thời giờ làm việc bình thường trong tháng.

Mức lương quy đổi theo giờ bằng mức lương theo tuần, theo ngày chia cho số giờ làm việc bình thường trong tuần, trong ngày; hoặc mức lương theo sản phẩm, lương khoán chia cho số giờ làm việc trong thời giờ làm việc bình thường để sản xuất sản phẩm, thực hiện nhiệm vụ khoán.

Nghị định trên có hiệu lực từ ngày 1/7/2022.

Thanh Tùng

Bình luận

Nổi bật

Yêu cầu kỹ thuật của đường tinh luyện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6958:2023

Yêu cầu kỹ thuật của đường tinh luyện theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6958:2023

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 09:18

(CL&CS) - Theo hướng dẫn của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6958:2023 thì đường tinh luyện làm thực phẩm phải đáp ứng được các quy định hiện hành về chất lượng và an toàn thực phẩm.

Dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phòng cháy chữa cháy đối với xe thang chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

Dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phòng cháy chữa cháy đối với xe thang chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 09:18

(CL&CS)- Bộ Công an đang dự thảo Tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về Phòng cháy chữa cháy – Xe ô tô chữa cháy – Phần 5: Xe thang chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp: Vì một Việt Nam xanh

Giảm phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp: Vì một Việt Nam xanh

sự kiện🞄Thứ năm, 25/04/2024, 09:18

(CL&CS) - Nông nghiệp Việt Nam đóng góp khoảng 30% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn quốc. Vì thế, giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực này trở thành vấn đề quan trọng, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng sống của cộng đồng, đảm bảo an ninh lương thực và nâng cao thu nhập cho chính người nông dân.