Thứ tư, 13/12/2017, 09:41 AM

“Sau ánh hào quang”, nghệ sĩ kể chuyện mình hay “đấu trường” đời tư?

(NTD) - Chuyện nghệ sĩ Duy Phương khởi kiện HTV và nhà sản xuất chương trình “Sau ánh hào quang” cũng như thái độ tẩy chay của khán giả và sự lên án của số đông nghệ sĩ, hành động chưa có tiền lệ cho thấy “Sau ánh hào quang” thật sự có vấn đề và phải ngừng phát sóng ngay.

Làm tổn hại sâu sắc cá nhân

Chuyện nghệ sĩ Duy Phương khởi kiện HTV và nhà sản xuất chương trình “Sau ánh hào quang” cũng như thái độ tẩy chay của khán giả và sự lên án của số đông nghệ sĩ, hành động chưa có tiền lệ cho thấy “Sau ánh hào quang” thật sự có vấn đề và phải ngừng phát sóng ngay.

Bởi lẽ chương trình này không chỉ gây tổn hại sâu sắc cho cá nhân mà nó nhắm đến mà còn gây bất an cho cộng đồng.

Nghệ sĩ Duy Phương bộc bạch nếu ở thập niên 80, dựng một chương trình hài ở đài truyền hình, cát sê của nghệ sĩ chỉ là 200 ngàn được nhận sau một tuần diễn thì nếu có những sai sót, mọi người ngồi lại với nhau, uống với nhau một ly nước lạnh rồi xin lỗi nhau là về được rồi.

"Nhưng bây giờ, mỗi lần lần xuất hiện trên truyền hình cát sê lên đến 50 - 70 triệu đồng. Trong cuộc làm ăn này tôi muốn đài truyền hình HTV và công ty Đông Tây promotion - đơn vị sản xuất chương trình - phải sòng phẳng. 

Anh sai, anh phải bồi thường, chứ không phải anh sai, anh làm đủ thứ trò làm thiệt hại, ảnh hưởng đến gia đình người ta rồi anh xin lỗi. Điều đó không chấp nhận được bởi đây là vụ làm ăn. 

Tôi làm như vậy mong để mai này không còn những nhập nhằng giống vậy xảy ra nữa. Nhà đài, nhà sản xuất không thể dẫm bừa lên người khác được. 

Hồi đó coi cái gì cảm thấy không được là cắt bỏ sao giờ dẫm bừa lên dư luận, dẫm bừa lên cuộc sống của người ta. Cách làm ăn tắc trách quá".

Luật sư Nguyễn Quốc Cường được nghệ sĩ Duy Phương ủy thác công việc này nêu đã có đủ cơ sở để kiện nhà đài là HTV, nhà sản xuất chươn trình Sau ánh hào quang là Đông Tây Promotion theo điều 21 khoản 1 Hiến pháp 2013 và theo điều 34 Bộ luật dân sự 2015…

Ông chia sẻ: "Cách đây mấy ngày, một người đàn ông thất thểu vào công ty của tôi nhờ tư vấn về việc các báo đăng tin Lê Giang bị Duy Phương bạo hành trong chương trình Sau ánh hào quang. Khi đó tôi mới biết ông ấy là nghệ sĩ Duy Phương. 

Điều đáng nói là chương trình Sau ánh hào quang có Lê Giang ngày 4-12 phát sóng nhưng từ ngày 1-12 hàng loạt báo đã đăng thông tin trước khiến Duy Phương suy sụp. Sau khi chương trình phát sóng, nghệ sĩ Duy Phương tiếp tục nhờ đến chúng tôi làm đại diện cho ông trong vụ kiện này".

Chúng tôi cho rằng vụ kiện của nghệ sĩ Duy Phương là có cơ sở vì nó xâm hại cá nhân theo các quy định của luật dân sự và Hiến pháp.

Điều 1 Khoản 1 Hiến pháp 2013 nêu rõ:

Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó. Nếu thông tin này được cơ quan, tổ chức, cá nhân cất giữ thì phải được hủy bỏ.

4. Trường hợp không xác định được người đã đưa tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình thì người bị đưa tin có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thông tin đó là không đúng.

5. Cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì ngoài quyền yêu cầu bác bỏ thông tin đó còn có quyền yêu cầu người đưa ra thông tin xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.

Cũng tương tự Bộ luật dân sự 2015, tại điều 34 nêu rõ:

Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín

1. Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ.

2. Cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình.

Việc bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín có thể được thực hiện sau khi cá nhân chết theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc con thành niên; trường hợp không có những người này thì theo yêu cầu của cha, mẹ của người đã chết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Thiếu văn hóa truyền thông, thiếu tử tế

Xin nói ngay là chương trình “Sau ánh hào quang” của HTV là thiếu tử tế, thiếu văn hóa truyền thông.

Khán giả thì háo hức xem vì talk show về nghệ sĩ và những góc khuất nghề nghiệp luôn hấp dẫn người ái mộ.

Còn nhớ chương trình ‘Lần đầu tôi kể” phát trên truyền hình với cách dẫn truyện tuyệt vời của “Anh bờ vai” khi mà những nhân vật nổi tiếng trong showbiz trải lòng về những khó khăn, đau đớn trong quá trình lập thân và gìn giữ sự lương thiện, tử tế của nghề trong thế giới phù hoa.

Nhưng còn lâu “Sau ánh hào quang” mới hay và tử tế bằng “Lần đầu tôi kể” khi mà nó khai thác những chi tiết nhơ nhuốc, sai lầm thuộc về đời tư của giới nghệ sĩ. Vấn đề là không phải người nghệ sĩ nói về kinh nghiệm đứng lên của mình mà là “đấu tố” người khác một cách tàn bạo. Nhà đài không hề kiểm chứng tính sự thật và cũng không quan tâm tới sự khốn khổ của người thứ ba không có mặt trong chương trình. Một kiểu làm báo thiếu lương thiện, xin nói thẳng như thế.

Đây là chương trình lật lại toàn bộ cuộc đời của nghệ sĩ khách mời và MC Trấn Thành là người dẫn truyện. Đáp ứng đầy đủ những yếu tố đảm bảo sự ăn khách, Sau ánh hào quang tạo nên cơn sốt “người người nói đến, nhà nhà bàn tán”. Các video của chương trình đều đạt hàng triệu lượt xem.

Khi phát sóng tới tập thứ 6, talk show này dần đi vào lối mòn theo kiểu “bới lông tìm vết”, “đào mồ tróc mả” đời tư, khi hết người nổi tiếng này lên sóng kể chuyện từng phát hiện người yêu đồng tính cho đến nghệ sĩ kia nức nở nhớ về chuyện bị chồng cũ đánh đập.

Xuân Lan kể lại chuyện từng bất chấp yêu một nam ca sĩ dù được nhiều bạn bè cảnh báo anh là người đồng tính. "100% anh chị em bạn bè trong giới ngăn cản tôi. Người ta nói chàng ca sĩ đó là gay, là bê-đê. Một người nói anh ấy về nhà chỉ ngủ với trai", cựu siêu mẫu kể.

Đó là khi Cát Phượng lật lại quá khứ ly hôn Thái Hòa 7 ngày sau ngày cưới và khẳng định rằng anh vô tâm khiến mối quan hệ vợ chồng trở nên lạnh nhạt rồi đổ vỡ. Đó là khi Thủy Tiên kể chuyện từng được Ưng Hoàng Phúc theo đuổi một tháng nhưng cô không đồng ý.

Đỉnh điểm là việc Lê Giang tố chồng cũ - nghệ sĩ hài Duy Phương - đánh đập chị tàn nhẫn. Đối diện với MC Trấn Thành, nữ nghệ sĩ nức nở: "Ổng liệng chị từ cầu thang xuống”. Chưa hết, Lê Giang còn mô tả thêm chuyện bị chồng bạo hành, thuê giang hồ đánh chị lúc chị bụng mang dạ chửa.

Phải nói thẳng nghệ sĩ Duy Phương và Lê Giang có nhiều vấn đề trong quá khứ, từ nhiều năm trước chúng tôi đã điều tra nhưng chỉ đăng một phần vì câu chuyện nào cũng có nguyên nhân và người trong cuộc đã trả giá quá đắt rồi.

Nhưng “Sau ánh hào quang” thì không thế, nó đào mỗ tróc mả quá khứ một cách tàn bạo.

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ tác giả quyển “Thân phận và hào quang” chia sẻ:“Đừng khiến họ cào cấu vào những vết thương đã thuộc về quá khứ, Trấn Thành và nhà đài ạ.

Có lẽ cũng chẳng mấy hay ho, khi mà một ngày đẹp trời, nghệ sĩ Lê Giang lôi hết chuyện cũ lên sóng truyền hình. Rồi sau đó, người chồng cũ lên clip "tố ngược lại" với một câu chuyện hoàn toàn khác, thành một chuyện lùm xùm chẳng đáng, phá tan bình yên cuộc sống của ít nhất 2 con người trong mối liên quan ấy.

Nhiều bạn đọc quá khích, bình luận hơi ác ý, rằng nghệ sĩ Lê Giang cần nổi tiếng, cần tạo scandal. Tôi không nghĩ thế. Gần đi hết một đời người, chẳng ai có thể lôi chuyện mình ra để làm cái trò dại dột này. Mặc dù xu hướng tố nhau bằng đời tư vẫn mãi là trend chưa hề giảm nhiệt của showbiz.

Bình mới rượu cũ - thực sự concept của Phía sau hào quang, phải nói thẳng là bê y nguyên kiểu phỏng vấn ngôi thứ 2 của tôi trong cuốn Thân phận và hào quang, viết về góc khuất của 30 cuộc đời nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam, bằng lối phỏng vấn câu chuyện mà tôi đã từng làm hơn 10 năm qua.

Tuy nhiên, tôi khác các bạn ấy trong quá trình thực hiện. Bởi khi gặp một câu chuyện nhạy cảm, việc của phóng viên là phải xác minh hai chiều. Đã không ít nhân vật tôi phải tìm bằng được người thứ 3 liên quan để làm rõ câu chuyện. Và đứng trước bất cứ một tin đồn nào, người phỏng vấn trước hết phải có óc phân tích để biết tin đồn có thật hay không, để rồi không đem đi đôi co với nhân vật, thành một câu chuyện kiểu quen hơi nồi chõ, ngồi lê đôi mách.

Làm báo, nó khác với ngồi lê là chỗ đó. Khi nhân vật phơi đời tư lên mặt báo, nếu không có kiểm chứng tốt nhất đừng chọn lối để nhân vật kể. Nhiều khi, người viết nên cần có những câu phản biện để có thể biết người đối diện với mình đang nói dối hay nói thật. Chứ đừng khóc lóc theo nhân vật kiểu "Phía sau hào quang" - nước mắt trong trường hợp này quá thừa thãi khi mà người phỏng vấn cần tỉnh táo hơn nhân vật một cái đầu.

Đó cũng là lý do mà tôi giã từ việc phỏng vấn nghệ sĩ theo kiểu này. Lẽ ra tôi đã có Thân phận và hào quang 2, nhưng, tôi xin dừng lại vì trong cuốn 1, có những sự thật cũng đã làm đau lòng một số nhân vật, mà khi đặt mình vào họ, tôi thấy đôi khi mình đã hơi tàn nhẫn, dù mình tác nghiệp đúng”.

Đạo diễn Hoàng Thanh Du nêu: “Quả thật.. tôi mới chỉ xem 1 -2 chương trình... nhưng bị phản cảm ghê gớm.. .Tôi hy vọng chương trình này chỉ nói về nghề... về sự thăng hoa của nghề nghiệp và đằng sau sự thăng hoa đó là luyện tập tranh đấu với mình để đến với nghề... và có thêm nữa là những dấu ấn thời gian -sự kiện đã làm mình quyết tâm theo nghề và chỉ nên thế ...đừng khai thác những riêng tư góc khuất của một số phận, một con người... và đương nhiên đây sẽ là "Chuyện bây giờ mới kể" nhưng phải là sự thật không hư cấu.. có nhân chứng ..để phản biện hay minh chứng... Tôi cho rằng chương trình này để Trấn Thành làm MC dẫn là không đúng. Hãy thay đổi nội dung bởi tiêu chí của nó rất rõ, tóm lại hãy đẻ những người làm báo giỏi làm biên tập và MC ...chứ Trấn Thành thì nước mắt cá sấu và diễn phản cảm lắm...”.

Khai thác sự thương tâm của công chúng không vì giá trị cộng đồng hay phong trào thiện nguyện đã là thiếu tử tế, thiếu trách nhiệm với người xem rồi, còn biến dạng chuyện người nổi tiếng tự kể thành ‘đấu trường” đời tư xâm hại cá nhân và gây tổn thương cho cộng đồng là một kiểu làm báo thiếu tử tế.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT vào sáng 4/12/2017, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn cho hay: ““Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cần nghiên cứu biện pháp quản lý thẻ cào điện thoại, thẻ game trong thanh toán điện tử, trò chơi điện tử trực tuyến. Bên cạnh đó, cần tăng cường theo dõi, kiểm tra giám sát hoạt động cung cấp sử dụng thông tin trên mạng. Chống thông tin xấu độc, đặc biệt là thông tin kích động bạo lực, gây hận thù dân tộc, thông tin xúc phạm danh dự nhân phẩm, xâm phạm đời tư, thông tin không lành mạnh liên quan đến trẻ em... ”, Bộ trưởng nhấn mạnh.”

Rất mong bộ trưởng Trương Minh Tuấn xử lý vấn đề này như trên tinh thần chỉ đạo nêu trên.

 Hoàng Linh

 

Bình luận

Nổi bật

Khoa học công nghệ - nền tảng giúp nâng cao năng suất

Khoa học công nghệ - nền tảng giúp nâng cao năng suất

sự kiện🞄Thứ ba, 21/05/2024, 10:25

(CL&CS) - Doanh nghiệp Việt cần xác định khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Hưng Yên: Hoàn thiện cuốn sách 65 năm Lịch sử ngành Khoa học và Công nghệ

Hưng Yên: Hoàn thiện cuốn sách 65 năm Lịch sử ngành Khoa học và Công nghệ

sự kiện🞄Thứ ba, 21/05/2024, 09:17

(CL&CS)- Ngày 18/5/2024, tại Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hội thảo hoàn thiện cuốn sách 65 năm Lịch sử ngành Khoa học và Công nghệ tỉnh Hưng Yên giai đoạn 1959 - 2024.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ

sự kiện🞄Thứ ba, 21/05/2024, 09:17

(CL&CS) - Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ (KH-CN) để thực hiện có hiệu quả chính quyền điện tử, đô thị thông minh, nền kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.